Những gương mặt ấn tượng nhất năm của châu Á

Tường Linh |

Khi năm 2014 đang dần khép lại, hãng tin BBC đã nhân cơ hội để điểm lại một số cái tên và gương mặt đã trở thành tin tức đáng chú ý nhất năm ở khu vực châu Á.

1. Joko Widodo

Joko Widodo, tên khác là Jokowi, đã đắc cử Tổng thống Indonesia trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 7 năm nay.

Ông trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Indonesia không xuất thân từ quân đội hoặc tầng lớp chính trị gia thượng lưu.

Ông được tiếng là một con người trong sạch, ở đất nước bị tham nhũng hoành hành.

Ông mang tới luồng gió mới cho đất nước Indonesia và đã giữ hình ảnh đẹp của mình khi bay bằng vé máy bay hạng thường tới Singapore để dự lễ tốt nghiệp của con trai.

2. Lee Joon-seok

Tháng 4 năm nay, cả đất nước Hàn Quốc đã kinh hoàng chứng kiến vụ chìm phà Sewol  xảy ra tại khu vực ngoài khơi đảo Jeju làm hơn 300 người chết, phần lớn là học sinh.

Thảm họa xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng sự tức giận đổ dồn vào đầu thuyền trưởng Lee Joon-seok.

Ông này đã để một thủy thủ non kinh nghiệm lái phà, không ra lệnh sơ tán kịp thời khi phà gặp nạn và là một trong những người đầu tiên rời phà.

Lee trở thành gương mặt đại diện cho thảm kịch của cả quốc gia.

Tháng 11 vừa qua, ông ta đã bị tuyên phạt 36 năm tù vì tội tắc trách.

3. Deepika Padukone

"Vâng! Tôi là một người phụ nữ. Tôi có những bầu vú và khe ngực! Các vị có vấn đề gì sao!!??”

Đó là những lời nói giận dữ mà ngôi sao Deepika Padukone của Bollywood đưa lên mạng xã hội Twitter, để phản ứng với việc tờ Thời báo Ấn Độ đăng ảnh của cô cạnh tít lới: “Ôi trời ơi: Deepika Padukone lộ khe ngực”.

Deepika Padukone đưa ra tuyên bố rất thẳng thắn và mạnh mẽ nhằm vào tờ báo đã có bình luận tiêu cực về thân thể cô

Padukone cáo buộc tờ báo đã dùng chiến thuật câu khách rẻ tiền để thu hút độc giả vào thời điểm Ấn Độ đang đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ. 

Phản ứng của cô đã nhận được sự ủng hộ lớn từ công chúng và mạng xã hội.

Thời báo Ấn Độ bào chữa rằng Padukone nên coi bài báo như “một lời khen”.

Hiển nhiên những lời lẽ kiểu này đã không thể xoa dịu sự tức giận của công chúng.

4. Các quan chức Malaysia xử lý vụ MH370

Trong nhiều cuộc họp báo diễn ra hồi tháng 3 năm nay, quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishamuddin Hussein và lãnh đạo cơ quan hàng không dân dụng Azharuddin Abdul Rahman đã phải đứng trước mặt các phóng viên, thân nhân các hành khách và nói rằng họ không biết chuyện gì xảy ra với chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines.

Họ đối mặt với những lời chửi rủa, sự giận dữ của các thân nhân đang tuyệt vọng; các cáo buộc rằng họ không kiểm soát được tình hình.

Bất chấp việc tổ chức chiến dịch tìm kiếm lớn, cho tới nay người ta vẫn chưa tìm thấy MH370 cùng 239 hành khách đi trên chuyến bay.

5. Kim Yo-jong

Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đột ngột biến mất khỏi công chúng hồi tháng 9 vừa qua đã gây nhiều đồn đoán rằng ông không còn nắm quyền ở nước này nữa.

Nhưng tới tháng 10, ông Kim đã xuất hiện trở lại với một cái gậy trong tay, vì bị thương ở chân.

Vài tuần sau, em gái của ông là Kim Yo-jong chính thức được báo chí nhà nước gọi là một quan chức cao cấp trong đảng cầm quyền.

Ít người biết thông tin về cô gái này, nhưng chắc chắn cô phải đóng vai trò rất quan trọng vì thường tháp tùng ông Kim Jong Un trong các chuyến đi thị sát.

Liệu có khả năng vai trò của cô sẽ hé lộ dần trong năm tới đây?

6. Ashraf Ghani

Sau tiến trình bầu cử kéo dài, Ashraf Ghani đã ngồi vào một trong những chiếc ghế nóng nhất khi trở thành Tổng thống Afghansitan hồi tháng 9.

Ông có các kế hoạch tham vọng trong việc chấm dứt sự nghèo đói và chống tham nhũng.

Nhưng để làm được vậy, ông phải đảm bảo hòa bình và an ninh trong nước, một thách thức không hề nhỏ khi lực lượng Taliban vẫn hoạt động rất mạnh.

7. Malala Yousafzai và Kailash Satyarthi

2 tiếng nói vì trẻ em nổi tiếng là Malala Yousafzai (người Pakistan) và Kailash Satyarthi (người Ấn Độ), đã chia nhau giải Nobel Hòa bình vào tháng 10/2014.

Ủy ban Nobel nói rằng đây là một thời khắc quan trọng “khi một người Hindu và một người Hồi giáo... chung sức vì sự nghiệp giáo dục và chống chủ nghĩa cực đoan”.

Tuy nhiên không phải ai cũng hài lòng với việc Malala được trao giải. Một nhà báo nổi tiếng của Pakistan thậm chí còn gọi việc cô bé được trao giải là “một âm mưu”.

Trang tin BBC cho biết nhiều người ở Pakistan vẫn xem Malala – cô gái từng bị Taliban bắn vào đầu nhưng không chết, do cổ súy cho hoạt động giáo dục cho các bé gái, chỉ là con rối của phương Tây.

Họ tin rằng cô đã được người Mỹ dựng lên để trở thành một hình mẫu lầm lạc cho các bé gái theo Hồi giáo ở Pakistan.

8. Jack Ma

Jack Ma là gương mặt đại diện cho một lớp tỷ phú mới của Trung Quốc

Jack Ma, sáng lập viên tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, đã có một năm tốt lành.

Hồi tháng 9 vừa qua, tài sản của ông này đã tăng gần gấp đôi lên mức 19,5 tỷ USD, sau khi cổ phiếu Alibaba đạt giá cao kỷ lục ngay trong lần chào bán đầu tiên tại thị trường Mỹ.

Alibana hiện có giá trị khoảng 231,4 tỷ USD tính theo giá cổ phiếu, khiến công ty này lớn hơn nhiều so với những cái tên như Amazon hay Facebook.

Jack Ma cũng được xem là gương mặt của Trung Quốc hiện đại, đất nước đã có tới 242 tỷ phú đô la, theo thống kê của tạp chí Forbes.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại