Các loại xe, pháo phòng không tự hành của Quân đội Việt Nam

Phi Yến |

Pháo phòng không tự hành là một trong những thành phần quan trọng của "lưới lửa" tầm thấp bảo vệ bầu trời tổ quốc.

1. Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2

Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2

ZSU-57-2 (Ob'yekt 500) là loại pháo phòng không tự hành đầu tiên của Liên Xô được sản xuất với số lượng lớn. “ZSU” là viết tắt của Zenitnaya Samokhodnaya Ustanovka (tiếng Nga: Зенитная Самоходная Установка), nghĩa là "Hệ thống pháo phòng không tự hành" đặt trên khung gầm xe xích. “57” là cỡ nòng của pháo tính theo đơn vị mm và “2” là số lượng nòng pháo trang bị trên xe.

Công việc thiết kế ZSU-57-2 bắt đầu năm 1947 và kết thúc vào năm 1954. Sang đến năm 1955, loại pháo tự hành này được chính thức chấp nhận đưa vào biên chế quân đội Liên Xô, giai đoạn sản xuất hàng loạt kéo dài từ năm 1957 - 1960 với hơn 2.000 hệ thống được xuất xưởng.

Thông số kỹ thuật cơ bản: Trọng lượng 28,1 tấn; dài 8,46 m (tính cả chiều dài nòng pháo); rộng 3,27 m; cao 2,71 m; kíp chiến đấu 6 người. Xe được trang bị động cơ diesel V-54 công suất 520 mã lực cho tốc độ tối đa 50 km/h trên đường tốt (30 km/h trên đường xấu), tầm hoạt động 420 km trên đường tốt (320 km trên đường xấu).

Thân xe pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 về cơ bản là phiên bản đơn giản hóa của khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-54 với giáp mỏng hơn (chỉ từ 8 - 15 mm) và bớt đi 1 hàng bánh chịu lực. Trên khung xe là tháp pháo lớn, mở ra trên nóc, trong tháp pháo là 2 khẩu pháo phòng không 57 mm L/76,6 S-60 (hoặc S-68A) với cơ số 300 viên đạn.

Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 của Việt Nam khi mới tiếp nhận

Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 được Liên Xô viện trợ rộng rãi cho các nước đồng minh thuộc Khối Hiệp ước Warsaw cũng như ở châu Á và châu Phi. Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận được một lượng nhỏ ZSU-57-2 vào giai đoạn giữa của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 của Việt Nam trên chiến trường

Về cơ bản, ZSU-57-2 bị đánh giá là một vũ khí không thành công do pháo cao xạ S-60 mặc dù uy lực khá mạnh (tầm bắn hiệu quả lên tới 6.000 m) nhưng lại có tốc độ bắn chậm (tối đa 210 - 240 viên/phút), mang theo được ít đạn, thêm vào đó lại thiếu radar và không thể bắn khi di chuyển. Trong quân đội Liên Xô và nhiều quốc gia khác (có cả Việt Nam), ZSU-57-2 đã sớm bị thay thế bằng ZSU-23-4 ưu việt hơn.

2. Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4

Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4

Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka (Lá chắn nhỏ) được quân đội Liên Xô thiết kế từ năm 1957 - 1962 với mục đích khắc phục những nhược điểm đã nêu của ZSU-57-2. Mặc dù có tầm bắn hiệu quả ngắn hơn nhưng Shilka vẫn được đánh giá tốt hơn nhiều so với người tiền nhiệm nhờ tốc độ bắn cao và được trang bị radar điều khiển hỏa lực có thể theo dõi mục tiêu từ cự ly 6 - 10 km.

ZSU-23-4 được trang bị cho phòng không lục quân Liên Xô vào năm 1962, giai đoạn sản xuất hàng loạt từ năm 1964 - 1982 với tổng số 6.500 hệ thống. Hiện nay các phiên bản ZSU-23-4 vẫn còn trong biên chế quân đội Nga và tất cả những quốc gia từng sử dụng khác.

Thông số kỹ thuật cơ bản: Trọng lượng 19 tấn; dài 6,535 m; rộng 3,125 m; cao 2,576 m (tính cả radar); kíp chiến đấu 4 người. Xe được trang bị động cơ diesel V-6R công suất 280 mã lực cho tốc độ tối đa 45 km/h trên đường tốt (30 km/h trên đường xấu), tầm hoạt động 450 km trên đường tốt (300 km trên đường xấu).

Thân xe pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 được sửa đổi trên khung gầm xe bánh xích GM-575, loại cũng được sử dụng trên xe tăng lội nước PT-76. Trên tháp pháo là 4 pháo phòng không loại 2A7 cỡ nòng 23 mm với 2.000 viên đạn, tốc độ bắn 4.000 viên/phút, có thể bắn trúng các mục tiêu đang bay với tốc độ 450 m/s, tầm bắn hiệu quả lên tới 2.500 m.

Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân

So với ZSU-57-2 thì Shilka có mặt tại Việt Nam muộn hơn, vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên do số lượng viện trợ hạn chế và bộ đội Việt Nam còn chưa thực sự quen với khí tài nên loại pháo phòng không tự hành này hầu như không để lại dấu ấn nào đáng kể trên chiến trường.

ZSU-23-4 Shilka của Việt Nam trong cuộc diễn tập bắn đạn thật tại trường bắn TB-1 đầu tháng 12/2013. Ảnh: Quân đội nhân dân

Hiện nay ZSU-23-4 Shilka đang giữ vai trò chủ lực của lực lượng phòng không lục quân Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ phòng không như thiết kế, khi cần thiết thì loại pháo tự hành này còn có thể hạ nòng để trở thành một phương tiện yểm trợ hỏa lực cho bộ binh rất hiệu quả.

3. Xe thiết giáp phòng không BTR-40A và BTR-152A

Ngoài 2 loại pháo phòng không tự hành chuyên dụng trên, Quân đội Nhân dân Việt Nam còn có trong biên chế 2 loại xe thiết giáp được sử dụng với vai trò phòng không gồm BTR-40ABTR-152A. Đây là 2 loại xe bọc thép chở quân mui trần được hoán cải bằng cách lắp thêm súng máy phòng không ZPU-2 (KPV 14,5 mm) lên thùng xe.

Những xe thiết giáp phòng không BTR-40A của Việt Nam được Liên Xô viện trợ vào giữa thập niên 1950, nó được triển khai hoạt động chủ yếu trên tuyến đường Trường sơn để bảo vệ các đoàn xe vận tải. Hiện nay toàn bộ số BTR-40A của Việt Nam đều đã bị loại biên.

Xe thiết giáp phòng không BTR-40A của Việt Nam

Biên đội xe thiết giáp phòng không BTR-40A của Việt Nam trên đường hành quân

Ngoài BTR-40, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ Việt Nam còn nhận được cả thiết giáp BTR-152, tuy nhiên đó là phiên bản chở quân BTR-152V. Những xe thiết giáp BTR-152A phiên bản phòng không hiện đang sử dụng có lẽ là do quân đội Việt Nam tự tiến hành hoán cải.

Xe thiết giáp phòng không BTR-152A của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân

Gần đây trên truyền hình Quân đội nhân dân đã xuất hiện những hình ảnh đầu tiên của xe thiết giáp BTR-152A do Việt Nam nâng cấp, có thể thấy xe đã được lắp đặt 1 tháp súng mới hiện đại hơn thay cho kiểu bố trí “đơn sơ” nguyên bản.

Xe thiết giáp BTR-152A nâng cấp của Việt Nam. Nguồn: VTV1

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại