Xót xa những mảnh đời nơi “xóm chạy thận”

Nguyệt Vũ - Triệu Quang |

Cách bệnh viện Bạch Mai vài trăm mét, ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn được mọi người gọi với cái tên quen thuộc “xóm chạy thận”. Nơi đây là mái nhà của 127 bệnh nhân đang từng ngày chống chọi với căn bệnh suy thận, có người đã đi được 20 năm nhưng có người thì mới bắt đầu…

Xóm không hẹn ngày về

Đến “xóm chạy thận” vào một chiều thu, cư dân xóm thận đang lặng lẽ ngồi quanh hai băng ghế gỗ cuối ngõ với những câu chuyện đời, chuyện bệnh đã “bạc màu”. “Cô vừa đi chạy về đấy à? Được mấy cân?” – câu hỏi  quen thuộc của xóm thận, “chạy” là đi lọc máu, “cân” là lọc được bao nhiêu lít máu một lần.

Tồn tại đã hơn 20 năm, “xóm chạy thận” chứng kiến nhiều lớp người đến và đi, già có, trẻ có. “Đến đây là không hẹn ngày về nữa vì chẳng biết sẽ “ra đi” lúc nào. Thôi còn ngày nào thì cố gắng ngày đó”, cô Mây quê ở Thanh Hóa, người có thâm niên 10 năm chạy thận bảo vậy.

Anh Mai Anh Tuấn, trưởng xóm mới của “xóm chạy thận” cho biết: “Cách đây 12 năm, bác Nguyễn Văn Tấn, một bệnh nhân chạy thận đã đứng ra lập danh sách, chia tổ để các bệnh nhân ở đây thuận tiện giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi coi bác như trưởng xóm, nhưng mấy tháng này bác yếu quá, tôi làm thay”.

Những dãy nhà trọ nhỏ, tồi tàn ở đây là mái nhà thứ 2 của những bệnh nhân nơi đây. Về xóm chạy thận, mỗi người đều chung một cái kết đó là không hẹn ngày trở về.
Những dãy nhà trọ nhỏ, tồi tàn ở đây là mái nhà thứ 2 của những bệnh nhân nơi đây. Về xóm chạy thận, mỗi người đều chung một cái kết đó là không hẹn ngày trở về.

Xóm chạy thận có khoảng 50 phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp. Mỗi phòng trọ chỉ khoảng 8m2 dành cho 2 người với tiền thuê 1,1 triệu đồng/ tháng, đó là chưa kể điện nước. “Biết là phòng trọ đắt những cũng không thể thuê nơi khác rẻ hơn được, ở đây gần bệnh viện phòng khi cấp cứu, với lại còn có anh em cùng cảnh ngộ, dễ sống hơn”, cô Dung (Hải Hậu, Nam Định) thở dài cho hay.

Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn.

Những cánh tay chi chít vết sẹo lồi lõm, kết quả của việc 3 lần/tuần chạy thận.

Những cánh tay chi chít vết sẹo lồi lõm, kết quả của việc 3 lần/tuần chạy thận.

“Một tuần 3 lần, ngó đi ngó lại cũng 18 năm rồi” anh Tuấn, trưởng xóm chạy thận ngậm ngùi. Theo anh Tuấn, những người có thâm niên chạy thận ngót ngét 20 năm như anh không phải là ít, ngoài ra có cả những người ngoài 70 tuổi hay những em chỉ mới 24, 25 tuổi vừa tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Với các em, phía trước là cả một cuộc chiến trường kỳ để chống chọi với bệnh tật, giành dật lại sự sống.

Những mảnh đời côi cút

Về xóm chạy thận hơn 6 năm, Cô Đinh Thị Bắc (Quảng Ninh) đã mổ cầu tay chạy thận 12 lần. Cô bảo: “Con cái thì cũng bận làm ăn, thi thoảng mới xuống thăm được, tôi ở đây cũng quen rồi”.

Trong 127 người của xóm chạy thận thì chỉ có 19 người có chế độ, tức là có lương hưu, còn lại hầu hết là những người làm nông nghiệp, gia đình khốn khó. Ở xóm thận, ai còn sức thì còn đi làm, có những người vừa rút kim truyền lại quay quắt đi kiếm sống.

Mặc dù được bảo hiểm y tế hỗ trợ 95%, nhưng với bệnh nhân phải gắn bó cả đời với bệnh viện thì mức 5% chi trả cũng là một con số quá lớn. Mỗi tháng, những người bệnh ở đây đều phải chi thêm cả triệu bạc cho các loại thuốc tăng hồng cầu, sắt, đạm… chưa kể tiền thuê nhà, ăn uống.

 

Cô Đinh Thị Bắc (Quảng Ninh) đang nhặt rau nấu cơm. Cô bảo: “Chục năm nay ở một mình, cũng quen rồi”.
Cô Đinh Thị Bắc (Quảng Ninh) đang nhặt rau nấu cơm. Cô bảo: “Chục năm nay ở một mình, cũng quen rồi”.

“Trước ở nhà còn đi làm ruộng, đến mùa thì đi sấy cau thuê nhưng giờ bệnh tật, tiền không có đành xách làn đi bán nước vậy”, cô Dung vừa xúc cơm vừa nghẹn ngào. Ngày nào cũng vậy, trừ khi không bước nổi cô mới chịu nằm nhà, còn không lại xách làn đi bán nước quanh bệnh viện.

Bà Mai Thị Hạnh, 71 tuổi (Tiên Lữ, Hưng Yên) có chồng là liệt sĩ, cô con gái duy nhất đi lấy chồng, hơn chục năm nay bà vò võ một mình nơi xóm thận. Trước kia, khi còn khỏe, bà làm đủ thứ, từ bán hàng mã đến đồng nát nhưng hai năm gần đây chỉ đành trông vào con cháu chu cấp.

Xót xa mảnh đời cháu bé 5 tháng tuổi đang cầu cứu Xót xa mảnh đời cháu bé 5 tháng tuổi đang cầu cứu

(Soha.vn) - Kể từ khi mới sinh ra, bé Nguyễn Hoài Tân đã bị tắc nghẽn đường ruột và không thể hấp thụ được thức ăn.

“Có lẽ cũng phải tính đường về quê rồi theo ông ấy thôi, chứ mỗi tháng cứ hơn 2 triệu thế này, chúng nó sao kham nổi”, bà Hạnh nói nghẹn ngào. Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt gầy, sạm đen của bà.

Với những bệnh nhân nhiều tuổi, sau khi đã trải qua một hành trình dài mệt mỏi chạy thận, cái chết có lẽ như một sự giải thoát. Nhưng ở xóm thận, có những em chỉ mới ngoài hai mươi, mọi thứ mới chỉ bắt đầu. “Chúng tôi đến cái đoạn cuối cuộc đời rồi, chỉ tội chúng nó, còn trẻ quá”, bác Mây góp lời.

Mới 25 tuổi nhưng chị Hoàng Thị Hoa (Ba Vì, Hà Nội) đã có tới 4 năm gắn bó với xóm chạy thận. Cuộc sống khó khăn, chị đã tự nguyện viết đơn “giải thoát cho chồng”. Mấy bữa nay chị quá yếu, người chị gái phải xuống trông em.

Mới tốt nghiệp trung cấp và đi làm được hơn 1 năm nhưng Nguyễn Văn Hiệu (sinh năm 1990, Lục Nam, Bắc Giang) đã phải gác lại mọi công việc và ước mơ còn dang dở để xuống Hà Nội chạy thận. Hiệu chia sẻ: “Ở đây buồn lắm anh ạ, em ngày càng yếu chẳng làm gì được, chạy xong rồi lại về nằm. Em cố gắng được ngày nào thì cố, nhiều khi nghĩ tiêu cực nhưng còn bố mẹ, còn các em…”.

Chiều về, xóm chạy thận hiu hắt, âm thầm trong nắng nhạt như chính nỗi đau bệnh tật của họ. “Nay còn ngồi với nhau, mai chẳng biết ai còn ai mất”, bác Mây ngậm ngùi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại