Nếu Việt Nam có hệ thống phòng không SPYDER...

Phi Yến |

Việc đưa vào trang bị hệ thống tên lửa phòng không SPYDER hứa hẹn sẽ mang lại một sức mạnh vượt trội cho cả lực lượng Phòng không lẫn Không quân Nhân dân Việt Nam.

SPYDER (Surface-to-air PYthon and DERby) là một hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung tiên tiến do Công ty Thiết bị quốc phòng Rafael của Israel nghiên cứu và phát triển. Hệ thống được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu đường không như máy bay, tên lửa hành trình, UAV... trong mọi thời gian và điều kiện thời tiết với khả năng phản ứng rất nhanh trước các mối đe dọa.

Ngay khi chính thức đưa vào trang bị, SPYDER lập tức thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các khách hàng nước ngoài và đã được xuất khẩu tới Singapore, Ấn Độ, Peru, Gruzia...

Trước tình hình quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Israel đang ngày càng phát triển, có thể trong tương lai, bầu trời Việt Nam sẽ lần đầu tiên được bảo vệ bởi một hệ thống tên lửa phòng không do phương Tây sản xuất. Vậy khi so sánh với các hệ thống phòng không khác thì SPYDER có gì ưu việt?

Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn / tầm trung SPYDER-SR / SPYDER-MR

Trước hết đối với phiên bản tầm ngắn SPYDER-SR, có nhiều ý kiến so sánh loại này với Pantsir-S1 và cho rằng tính năng chiến đấu của SPYDER-SR còn thua kém khá nhiều như tên lửa có tầm bắn ngắn hơn (15 km so với 20 km), trần bay diệt mục tiêu thấp hơn (9 km so với 15 km) và lại không có pháo đi kèm.

Tuy nhiên nhận định trên là không chính xác vì SPYDER-SR có vai trò thay thế SA-13 Gopher (Strela-10) đã lạc hậu với chức năng phòng thủ điểm chứ không phải như Pantsir-S1 được mua về với mục đích thay thế pháo phòng không tự hành ZSU-23-4.

Bên cạnh đó, so với tên lửa 57E6 của Pantsir-S1 ngắm bắn mục tiêu bằng hồng ngoại và xung động tín hiệu quang học khá đơn giản thì tên lửa Python-5Derby của SPYDER có lợi thế hơn ở chỗ đây là 2 loại tên lửa công nghệ cao có khả năng “bắn và quên” thông qua đầu dò radar chủ động (Derby) và chế độ đặc biệt "Lock on after launch - Khóa mục tiêu sau khi phóng" thông qua camera hồng ngoại kết hợp với cảm biến quang điện tích hợp vào đầu dò (Python-5), vốn có độ chính xác được đánh giá cao hơn hẳn. Nhược điểm đáng kể của Python-5 và Derby so với 57E6 có lẽ chỉ là giá thành cao hơn nhiều mà thôi.

SPYDER-SR có thể là giải pháp thay thế SA-13

SPYDER-SR có thể là giải pháp thay thế SA-13

Tiếp theo đối với phiên bản tầm trung SPYDER-MR, so sánh hệ thống này với Buk-M2 là chính xác và thoạt nhìn qua thì SPYDER-MR cũng thua kém khá nhiều như tầm bắn tối đa chỉ là 35 km (so với 45 km của Buk-M2), trần bay diệt mục tiêu 16 km (ở Buk-M2 là 25 km) và mang theo đầu đạn nặng 23 kg (so với 70 kg của Buk-M2).

Tuy nhiên đó là các thông số khi đánh độc lập còn nếu 2 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung này được đặt cạnh nhau lại có tác dụng bổ trợ, lấp khoảng trống chiến thuật cho nhau rất tốt vì Buk-M2 với phương thức phóng nghiêng sẽ khó tiêu diệt các mục tiêu trên đỉnh đầu còn SPYDER-MR phóng thẳng đứng lại có nhược điểm khó bắn xa, bắn thấp với góc ngắm nhỏ.

Ngoài ra, việc trang bị SPYDER-MR còn có tác dụng đa dạng hóa các loại vũ khí - khí tài có trong biên chế, đảm bảo tính bí mật, tránh trường hợp bị “bắt bài” do Buk là tổ hợp tên lửa phòng không đã được xuất khẩu rất rộng rãi và thậm chí còn được chuyển giao công nghệ để sản xuất tại một số quốc gia.

Hệ thống phòng không HQ-16 (Phiên bản Buk-M1 sản xuất theo giấy phép) của Trung Quốc

Ngoài những ưu điểm trên, việc mua SPYDER còn một lợi thế lớn khác do nguyên gốc của Python-5 và Derby là những tên lửa không đối không nên có thể trang bị cho những máy bay chiến đấu Su-22/27/30 của Không quân Việt Nam, việc tích hợp các vũ khí khác hệ nhau vốn là sở trường của Israel nên viễn cảnh trên là hoàn toàn khả thi.

Đặc biệt đối với trường hợp của Su-22, để tạm thời lấp khoảng trống mênh mông do MiG-21 để lại trong khi chưa xuất hiện ứng viên tiêm kích nhẹ tiềm năng ta đã buộc phải chuyển một số Su-22 sang làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không. Trong khi đó, Su-22 có độ linh hoạt thua MiG-21 trong không chiến quần vòng và cũng chỉ có khả năng mang tên lửa đối không R-60 tầm bắn rất ngắn.

Tên lửa không đối không R-60 là loại vũ khí không chiến trong tầm nhìn điển hình, tầm bắn tối đa của loại đạn này đạt 8 km nhưng đó chỉ là cự ly bay lý tưởng, trong không chiến thực tế cần tính đến quãng đường thao diễn và khoảng cách để đầu dò tên lửa bắt được mục tiêu trước khi bắn nên dải phóng cho phép của loại đạn tầm ngắn này chỉ là cách máy bay địch từ 250 - 500 m.

Su-22 sẽ có một sức mạnh mới khi được trang bị tên lửa Python-5

Còn đối với tên lửa Python-5, ngoài tầm bắn tối đa 20 km khi phóng từ máy bay (gấp 2,5 lần R-60) thì chế độ "Lock on after launch - Khóa mục tiêu sau khi phóng” còn giúp phi công có thể khai hỏa từ cự ly xa vào vị trí ước tính của mục tiêu, việc còn lại sẽ được đầu dò băng tần kép tối tân của tên lửa hoàn tất. Nếu trang bị Python-5, nhược điểm không có radar dẫn bắn của Su-22 sẽ được khắc phục và thậm chí còn có thể đánh ngang ngửa với Su-27/30 mang tên lửa R-73 trong không chiến quần vòng.

Với những ưu điểm kể trên, nếu được trang bị, hệ thống tên lửa phòng không SPYDER có thể giúp nâng cao sức mạnh Phòng không lẫn Không quân Nhân dân Việt Nam.

Giới thiệu hệ thống phòng không tầm ngắn SPYDER-SR

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại