Những chiếc “Radar bay” phổ biến nhất thế giới

Máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS) hay còn gọi là các “Radar bay” được thiết kế để thu thập thông tin các mục tiêu trên không và mặt đất.

Được trang bị các thiết bị radar công suất cao, những chiếc máy bay này có thể phát hiện các mục tiêu địch từ rất xa. Chiếc “Radar bay” hiện đại nhất có thể phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên không trong bán kính tới 650 km.

Tuy nhiên, những chiếc “Radar bay” luôn là mục tiêu ưu tiên của các máy bay chiến đấu đối phương. Vì vậy, “Radar bay” luôn hoạt động trong vùng bảo vệ phòng không hoặc đi kèm với các máy bay chiến đấu bảo vệ. Hiện nay, “Radar bay” có trong trang bị của 23 quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Israel… với tổng số lượng hơn 230 chiếc.

Dưới đây là 5 loại “Radar bay” phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

E-2 Hawkeye

E-2 Hawkeye là một trong những chiếc “Radar bay” lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới. Nó được trang bị cho Không quân Mỹ từ năm 1964 và xuất khẩu cho 7 quốc gia khác với tổng số lượng 200 chiếc.

Mẫu “Radar bay” E-2 Hawkeye.

E-2 Hawkeye có nhiều phiên bản khác nhau như E-2C/D/K/T. Trong đó, phiên bản phổ biến nhất trên thế giới là mẫu E-2C. E-2C là loại “Radar bay” chủ lực của Mỹ, một trong những loại máy bay tìm kiếm và điều khiển hiệu quả nhất trên thế giới, có thể so sánh với mắt thần siêu đẳng A-50 của không quân Nga. E-2C dùng để kiểm soát không gian trong phạm vi khu vực 300 km, tìm kiếm và phân loại các mục tiêu cũng như dẫn đường cho các loại máy bay tiêm kích đánh chặn. Theo tuyên bố của nhà sản xuất, E-2C có khả năng chỉ huy 3 phi đội máy bay tiêm kích đánh chặn, có thể phát hiện và theo dõi đồng thời đến 300 mục tiêu.

Hệ thống anten radar của E-2C gồm anten mạng pha phát hiện từ xa, cơ cấu dẫn động quay tròn, anten máy hỏi của hệ thống nhận biết “địch-ta” và anten truyền dữ liệu. E-2C có thể phát hiện các máy bay ở khoảng cách đến 540 km và tên lửa hành trình ở khoảng cách đến 248 km.

Hiện nay, Mỹ đang tiến hành sản xuất phiên bản cải tiến E-2D. Lầu Năm Góc hi vọng sẽ sản xuất được 75 chiếc loại này và bắt đầu trang bị cho Hải quân Mỹ từ năm 2015. Trong đó, một số máy bay đã bước vào giai đoạn thử nghiệm.

Thông số kỹ thuật:

Chiều dài: 17,5 m;

Chiều cao: 5,6 m;

Sải cánh: 24,6 m;

Tốc độ 598 km/h;

Ê-kíp: 5 người;

Thời gian bay: 6 h;

Tầm bay: 2700 km;

Trần bay: 10000 m.

E-3 Sentry

Boeing E-3 Sentry là mẫu “Radar bay” được hãng Boeing phát triển từ máy bay Boeing 707. E-3 là loại máy bay thông tin liên lạc, chỉ huy, giám sát có thể bay mọi điều kiện thời tiết, được Không quân Mỹ, NATO, Không quân Hoàng gia Anh, Không quân Pháp và Không quân Hoàng gia Ả rập Saudi sử dụng.

Một chiếc E-3 Sentry của NATO.

Được Boeing phát triển từ năm 1970, E-3 Sentry thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1976, và được trang bị cho Không quân Mỹ sau đó 1 năm. Với tổng cộng 68 chiếc được sản xuất từ năm 1977 đến năm 1992, E-3 Sentry chỉ đứng sau E-2 Hawkeye về độ phổ biến.

E-3 Sentry được cải tiến trên cơ sở máy bay thương mại Boeing 707 với vòm radar đường kính 9,1 m, dày 1,8 m được gắn trên thân nhờ 2 thanh chống có chiều cao 4,2 m. Nó bao gồm 1 hệ thống radar phụ cho phép giám sát từ tầng bình lưu đến mặt đất, mặt nước. Radar của E-3 Sentry có khả năng quét vùng có bán kính 375,5 km đối với các mục tiêu bay thấp và xa hơn đối với các mục tiêu bay ở tầng cao hơn.

Thông số kỹ thuật:

Chiều dài: 46,61 m;

Chiều cao: 12,73 m;

Sải cánh: 44,42 m;

Tốc độ: 853 km/h;

Ê-kíp: 13-19 người;

Thời gian bay: 8 h;

Tầm bay: 7400 km;

Trần bay: 12500 m.

A- 50

A-50 là một sản phẩm của Liên Xô cũ nhằm đối đầu với các “Radar bay” của Mỹ, được phát triển bởi Tổ hợp khoa học kỹ thuật hàng không Beriev tại Taganrog trên cơ sở máy bay vận tải Il-76 MD để thay thế cho chiếc Tupolev Tu-126 “Moss”. A-50 bay thử chuyến đầu tiên năm 1978 và được biên chế trong lực lượng Không quân Liên Xô từ năm 1984. Tổng cộng có 40 chiếc máy bay A-50 đã được sản xuất. Trong đó có 29 chiếc A-50M/A-50U/A-50IE hiện đang phục vụ cho Không quân Nga và Ấn Độ.

Beriev A-50 của Liên Xô.

Được trang bị radar xung Doppler, A-50 có thể phát hiện các máy bay ném bom ở phạm vi lên tới 650 km, máy bay chiến đấu - 300 km, tên lửa hành trình - 215 km và theo dõi tới 300 mục tiêu trên không đồng thời chỉ đường cho 30 chiến đấu cơ. Phi hành đoàn của A-50 gồm 15 người (5 phi công và 10 trắc thủ tổ hợp kỹ thuật vô tuyến)

Thông số kỹ thuật:

Chiều dài: 48,3 m;

Chiều cao: 14,8 m;

Sải cánh: 50,5 m;

Tốc độ: 800 km/h;

Ê-kíp: 15 người;

Thời gian bay: 9 h;

Tầm bay: 6400 km;

Trần bay: 12000 m.

KJ-200

Đứng thứ 4 về độ phổ biến là chiếc “Radar bay” KJ-200 của Trung Quốc. Được phát triển từ đầu những năm 2000, KJ-200 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2005 và xuất hiện lần đầu tiên trong một triển lãm vào năm 2010. KJ-200 được sản xuất trên cơ sở máy bay vận tải quân sự U-8 (một phiên bản của máy bay An-12 của Liên Xô). Có rất ít thông tin về loại “Radar bay” này của Trung Quốc được công bố. Tuy nhiên, có ít nhất 5 chiếc KJ-200 (số hiệu 30.171, 30.173-30.176) đang được biên chế trong Không quân Trung Quốc.

KJ-200 của Trung Quốc.

Chiếc máy bay được trang bị radar mảng pha chủ động của dự án Gaoxin 5. Loại radar này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 300-450 km. Ngoài ra, sự khác biệt của KJ-200 đến từ cách bố trí các thiết bị vô tuyến. Thay cho 3 ăng ten mảng pha chủ động được bố trí thành hình tam giác trong chiếc đĩa phía trên thân máy bay, trên KJ-200 chỉ bố trí 2 ăng ten trong chiếc hộp phía trên thân máy bay. Cách bố trí này làm xuất hiện “vùng chết” quan sát, từ đó hạn chế tầm quan sát của máy bay.

Thông số kỹ thuật:

Chiều dài: 34 m;

Chiều cao: 11,6 m;

Sải cánh: 38 m;

Tốc độ: 662 km/h;

Ê-kíp: 15 người;

Thời gian bay: 10 h;

Tầm bay: 5600 km.

B737

Dự án “Radar bay” B737 được Bộ Quốc phòng Australia đặt hàng với công ty Boeing từ năm 2000. Đến năm 2004, B737 thực hiện chuyến bay đầu tiên và đưa vào trang bị trong Không quân Australia từ năm 2009. Hiện nay, có 6 chiếc B737 được sản xuất cho Không quân Australia, 4 chiếc được Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng (chiếc đầu tiên được bàn giao vào đầu năm 2014) và 1 chiếc của Hàn Quốc. Trong trang bị của mỗi nước, B737 mang các tên gọi khác nhau như: Wedgetail (Australia) , Peace Eagle (Thổ Nhĩ Kỳ) và Peace Eye (Hàn Quốc).

Một chiếc B737 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Được thiết kế trên cơ sở của máy bay chở khách B737-700IGW, B737 được công bố như một phiên bản đơn giản của Sentry E-3. B737 được trang bị radar quét điện tử đa nhiệm MESA (Multi-role Electronically Scanned Array) có thể quan sát không gian và mặt đất trong “chỏm cầu” 360 độ. Khoảng cách phát hiện các mục tiêu trên không như: máy bay ném bom là 600 km, máy bay chiến đấu – 370 km; các mục tiêu mặt đất như: tàu khu trục là 240 km. Ngoài ra, B737 có thể đồng thời theo dõi tới 180 mục tiêu trên không và dẫn đường cho 24 máy bay chiến đấu. Với các loại trang thiết bị trinh thám điện tử hiện đại, B737 có thể phát hiện các nguồn phát tín hiệu vô tuyến ở khoảng cách 850 km từ độ cao 9000 m.

Thông số kỹ thuật:

Chiều dài: 33,6 m;

Chiều cao: 12,5 m;

Sải cánh: 35,8 m;

Tốc độ: 850 km/h;

Ê-kíp: 6-10 người;

Thời gian bay: 9 h;

Tầm bay: 6500 km;

Trần bay: 12000 m.

Vào buồng lái máy bay E-3 Sentry

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại