Hoàn Cầu đã bắn vào "con sư tử hòa bình" của ông Tập như thế nào?

Thành Nam |

(Soha.vn) - Xã luận trên tờ Hoàn Cầu cho rằng "không nên để “phát triển hòa bình” trói chặt chân tay mình, lúc cần thiết “cho nổ súng” là hoàn toàn chính đáng.."

Ngày 10/6, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đăng tải bài xã luận với tựa đề “Trỗi dậy hòa bình không mâu thuẫn với sử dụng vũ lực, có thể nổ súng để bảo vệ chủ quyền” của tác giả Trương Kiện Cương, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chiến lược chính trị biển, Đại học Hải dương Quảng Đông.

Bài viết sặc mùi diều hâu hiếu chiến này đã khiến dư luận thực sự nghi ngờ về cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” của đất nước luôn tự xưng là “hết lòng bảo vệ và duy trì nền hòa bình châu Á và cả thế giới”.

Theo bài viết, Báo cáo đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ ra rằng, “đối với Trung Quốc, 20 năm đầu của thế kỷ XXI là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng buộc phải nắm lấy và có thể làm được nhiều việc”. Trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI, Trung Quốc đã nắm bắt được cơ hội chiến lược phát triển kinh tế và đạt được những thành tích đáng kể.

Nhưng cũng theo bài viết này, từ sau năm 2011, khi tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản và chính sách “trở lại châu Á” của Mỹ, môi trường kinh tế chính trị bên ngoài mà Trung Quốc phải đối mặt, đặc biệt là tình hình an ninh trong khu vực ngày càng “nổi cộm”. Tác giả này cho rằng, trong bối cảnh đó, “tư duy chiến lược trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc cần có những bước phát triển mới”(?!)

Vậy theo ông Trương Kiện Cương, bước phát triển mới đó là gì?

Tàu Trung Quốc mở bạt che súng, đe dọa lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa

Tàu Trung Quốc mở bạt che súng, đe dọa lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa

Nhân vật tự nhận là “học giả” này khẳng định, hiện tại người ta luôn coi định nghĩa về hòa bình và vũ lực là hai luận điểm trái ngược, độc lập với nhau và tuyệt đối hóa hai khái niệm này. Nhưng ông Trương cho rằng, hòa bình và vũ lực chỉ là hai khái niệm tương đối.

Trương Kiện Cương rêu rao rằng Trung Quốc luôn coi con đường trỗi dậy của nước này là con đường phát triển hòa bình. Trung Quốc hiện nay sẽ duy trì con đường này, khác với sự trỗi dậy của các nước lớn trên thế giới, và cũng khác với những vương triều thịnh trị trong lịch sử Trung Quốc. “Vì các cường quốc trong lịch sử trỗi dậy đều thông qua chiến tranh, chinh phục, bành trướng, xâm lược và tước đoạt. Còn sự trỗi dậy hiện tại của Trung Quốc được thực hiện thông qua sự phát triển của chính mình và sự hợp tác với các quốc gia khác”.

Thế nhưng, vừa dứt những giọng điệu ru ngủ vờ vĩnh, bài viết quay ngoắt sang giọng diều hâu: “Không nên đơn thuần cho rằng trỗi dậy hòa bình là không được nổ súng. Trong tiến tình trỗi dậy hòa bình hiện nay, để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích trên biển, Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực một cách có lựa chọn, như 10% vũ lực, 90% đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp. Điều này không ảnh hưởng đến chiến lược vĩ mô phát triển hòa bình của Trung Quốc, cũng không đi chệch khỏi quỹ đạo trỗi dậy hòa bình. Khi bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích trên biển, không nên để “phát triển hòa bình” trói chặt chân tay mình, lúc cần thiết “cho nổ súng” là hoàn toàn chính đáng”(?!)

Đến đây, cái mặt nạ “trỗi dậy hòa bình” đã rơi xuống. Bằng bài viết này, Hoàn Cầu và ông Trương Kiện Cương đã đi ngược lại mọi phát ngôn của ông Tập Cận Bình về “hòa bình”, mà gần đây nhất và ấn tượng nhất là "bài diễn văn sư tử".

Trong chuyến thăm Pháp tháng 3/2014, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói "Hôm nay, chú sư tử (Trung Quốc) đã tỉnh giấc. Nhưng nó là một chú sư tử hòa bình, dễ chịu và văn minh".

Khi ấy, GS Jean-Piere Cabestan (Đại học Baptist, Hong Kong) từng ngờ vực mà nói rằng “Quí vị có bao giờ nhìn thấy một con sư tử hòa bình, văn minh và dễ chịu hay chưa? Sư tử là một con vật to lớn, hoang dại và chuyên ăn thịt những con thú khác, khá giống Trung Quốc trong mối quan hệ của họ với các nước khác.”

Sau đó, khi Trung Quốc ngang nhiên mang giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, hình ảnh “con sư tử hòa bình” của ông Tập lại được nhắc đến. Ông Trần Thế Diệu, chủ bút tờ Thế giới Nhật báo ở New York, bình luận rằng “Tập Cận Bình nói con sư tử phương Ðông đã thức giấc; đây là con sư tử hòa bình, văn minh, dễ chịu. Nhưng rõ ràng câu nói đó chỉ nói cho người Trung Quốc nghe mà thôi, chứ người nước ngoài, thậm chí là những người Hoa ở Đài Loan và Singapore, không ai tin câu nói đó cả.”

Còn bây giờ, với bài xã luận của Hoàn Cầu, việc tranh luận xem con sư tử của ông Tập có thực sự hòa bình, văn minh, dễ chịu chắc không còn cần thiết nữa. Bởi nó đã bị bắn chết. Bằng “phát súng” của Hoàn Cầu.

Xem thêm Video: Sức mạnh đội tàu tuần tra của Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại