"Trung Quốc đang sợ sự phản ứng mạnh mẽ của người dân Việt Nam"

Hồng Chính Quang |

(Soha.vn) - Theo cựu đại sứ Nguyễn Quý Bính, Tòa án pháp lý Quốc tế không tạo ra bất kỳ rào cản nào cho các cuộc đàm phán sau này về Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Không chỉ có những hành động ngang ngược bên cạnh việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong những ngày vừa qua, Trung Quốc còn liên tục có những tuyên bố hết sức vô lý để ngụy biện cho hành động phi pháp của mình.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Nguyễn Quý Bính – giáo viên trường Đại học Hà Nội, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia.

Ông Nguyễn Quý Bính cho hay: “Ý đồ xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông là lâu dài và đã được trù liệu từ lâu. Trung Quốc sẽ không dừng lại, nhưng họ cũng không thể bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế và Việt Nam. Giải pháp mà Trung Quốc buộc phải đi theo sẽ tùy vào áp lực của cộng đồng quốc tế và cách hành xử của Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc đang áp dụng chính sách “ngoại giao chiến hạm”, ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là cách thức “nắn gân” xem phản ứng của dư luận.

Mặt khác, trong bối cảnh thế giới muốn duy trì hòa bình ổn định để phát triển, nếu nổ ra xung đột thì tất cả các nước cùng thiệt hại, kể cả Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đang tiến hành leo thang trong các hành động xâm lấn tại Biển Đông, bản thân họ cũng phải tính tới nguy cơ bị cô lập mạnh mẽ. Trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở vùng Biển Hoa Đông chắc họ cũng nhận thức được rằng không dễ dàng ‘lấn tới’. Tổng thống Mỹ đã phát thông điệp sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản, kể cả với quần đảo Senkaku”.

“Phản ứng của dư luận quốc tế trong thời gian qua thể hiện rõ sự ủng hộ đối với Việt Nam và quan ngại sâu sắc về các hành động lấn chiếm ngày càng nguy hiểm của Trung Quốc. Bằng chứng rõ nét là tuyên bố của các nước G7 cũng như các phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Tôi cho rằng những động thái này có ý nghĩa rất to lớn; nó không chỉ là phát biểu lập trường mà còn có tác động hướng dẫn dư luận quan tâm hơn đến khu vực Biển Đông và nhìn nhận rõ nguy cơ đe dọa hòa bình ổn định của khu vực chính là các hành động của Trung Quốc”.

 

Cựu Đại sứ Nguyễn Quý Bính trong một lần ra Trường Sa (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cựu Đại sứ Nguyễn Quý Bính trong một lần ra Trường Sa (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khi được hỏi về cách hành xử của Việt Nam, ông Bính cho rằng: “Giải pháp trước mắt tốt nhất là đẩy mạnh đấu tranh dư luận. Chúng ta tích cực nêu cao thiện chí hòa bình, đồng thời phải kiên trì bám trụ tại thực địa. Các cơ quan báo chí của ta phải tuyên truyền liên tục để góp sức cùng các chiến sĩ cảnh sát biển và ngư dân. Ngoài việc yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan vô điều kiện, Việt Nam cũng nên nhanh chóng đưa họ ra pháp lý quốc tế.

Đấu tranh pháp lý, khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và tòa án Luật Biển là biện pháp giải quyết hòa bình phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Trung Quốc yếu thế về pháp lý; họ đưa ra yêu sách ‘Đường lưỡi bò’ đòi hỏi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông; chiếm đóng Hoàng Sa và 1 phần Trường Sa bằng vũ lực, bắt giữ các tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của mình; tiến hành phân lô thăm dò dầu khí và hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa của Việt Nam; vi phạm các quy định của Công ước Luật Biển và nguyên tắc luật pháp quốc tế... chắc chắn họ sẽ bị lên án chứ không ai lên án chúng ta”.

“Trước đây, tòa án quốc tế thường là công cụ của các nước lớn, nhưng tình hình đã thay đổi từ sau vụ Nicaragoa kiện Mỹ. Quan điểm của tôi là chúng ta không nên chờ đến khi chuẩn bị kỹ thì mới đưa ra kiện, vì có thể lỡ mất cơ hội. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cũng đã cho thấy việc tận dụng thời cơ quan trọng như thế nào. Không nên ngồi chờ xem Tòa án trọng tài phân xử việc Philippines kiện Trung Quốc kết quả ra sao. Việt Nam là nước có lợi ích trực tiếp và đang bị Trung quốc lấn át như vậy, cần khẩn trương khi dư luận quốc tế đứng về phía chúng ta”.

“Việt Nam đang chuẩn bị tích cực, và chúng ta phải nhanh hơn. Bản thân Trung quốc mới đây còn tìm cách đưa vấn đề ra LHQ để vu cáo Việt Nam. Báo chí quốc tế đã bình luận việc Trung Quốc vu cáo Việt Nam ở LHQ là điều khó hiểu, bởi từ trước đến nay Trung Quốc đều tuyên bố muốn giải quyết tranh chấp biển Đông bằng đàm phán song phương. Bắc Kinh cũng nhiều lần chỉ trích các “bên thứ ba” và những nỗ lực “quốc tế hóa” tranh chấp biển Đông. Chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa để đối chất với Trung Quốc tại Tòa án Quốc tế.

Chúng ta có thể có thể phối hợp cùng Philippines hoặc vận động ASEAN đứng ra yêu cầu tòa án Luật biển cho ý kiến tư vấn về tính phi pháp của yêu sách ‘Đường lưỡi bò’ căn cứ theo điều 21 Quy chế Tòa án và điều 138 về Quy tắc của Tòa. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng diễn đàn Đại Hội đồng Liên hợp quốc triển khai các hoạt động vân động ngoại giao, kể cả việc đề nghị Đại hội đồng LHQ thảo luận nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết tư vấn về tính phi pháp của yêu sách “Đường lưỡi bò”.

“Trong tình hình hiện nay, quan điểm của Việt Nam trùng khớp với lợi ích của cộng đồng quốc tế. Nếu xảy ra xung đột ảnh hưởng đến hòa bình ổn định của khu vực, tự do hàng hải trên biển Đông bị đe dọa thì kinh tế của nhiều nước ngay lập tức sẽ bị ảnh hưởng. Tiến hành đấu tranh mà không gây nguy cơ cho hòa bình ổn định của khu vực thì sẽ được thế giới đồng tình ủng hộ”, ông Nguyễn Quý Bính chia sẻ.

Nói về những chú ý trong quá trình đàm phán song phương Việt Nam - Trung Quốc, ông Nguyễn Quý Bính cho rằng: “Chúng ta đàm phán có nguyên tắc và nên thông tin công khai với quốc tế. Nếu không có thông tin thì dư luận thế giới chỉ biết là cuộc đàm phán thất bại chứ không biết sự thật đằng sau đó là do Trung Quốc ngang ngược”.

“Trung Quốc đang sợ sự phản ứng mạnh mẽ từ người dân Việt Nam, sợ việc Việt Nam xúc tiến cuộc đấu tranh về pháp lý quốc tế, vì họ muốn ‘bưng bít dư luận’. Họ tìm cách ngăn cản chúng ta hành động, đồng thời lại tuyên truyền vu cáo Việt Nam.

(Còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại