Phe biểu tình Thái Lan thách thức “lệnh khẩn cấp”

Bất chấp tình trạng khẩn cấp, những người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan đã bao vây trụ sở Cảnh sát hoàng gia Thái Lan ngày 22-1.

Theo trang Khaosod, hàng trăm thành viên Mạng lưới sinh viên và nhân dân vì cải cách đã cạy phá các chữ nổi trên biển hiệu của trụ sở cảnh sát và các sĩ quan phải nghỉ việc. Trước đó, hàng trăm người biểu tình đã tổ chức bao vây văn phòng bí thư thường trực quốc phòng.

Chưa rõ “khẩn cấp” tới đâu

Vẫn chưa rõ chính quyền của bà Yingluck Shinawatra sẽ áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp (kéo dài trong 60 ngày) như thế nào khi các bộ trưởng trong chính phủ cho biết chưa có kế hoạch dẹp các khu biểu tình của lực lượng Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC). Để thực hiện đạo luật này, bà Yingluck chỉ định Phó thủ tướng Chalerm Yubamrung - nhân vật có tiếng cứng rắn của Đảng Pheu Thai - phụ trách vấn đề an ninh.

Đạo luật tình trạng khẩn cấp cho phép an ninh, quân đội được giải tán đám đông tụ tập, nhưng những hành động như vậy có khả năng gây bạo lực rất cao - điều mà chính quyền bà Yingluck luôn cố tránh trong thời gian qua.

“Đây là bước đi rất mạo hiểm của chính quyền, vốn khá hòa hoãn với lực lượng biểu tình đến lúc này - Bloomberg trích lời ông Kevin Hewison, giám đốc Chương trình nghiên cứu châu Á tại ĐH Murdoch ở Úc - Mối nguy là khả năng leo thang bạo lực khiến quân đội phải can thiệp”.

Cả Nhật và Mỹ hôm qua đều ra lời kêu gọi các bên ở Thái Lan phải bình tĩnh và giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng hiện tại. “Chúng tôi quan ngại sâu sắc và đang theo dõi sát sao” - chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga nói với các phóng viên. Ông cho biết Chính phủ Nhật sẽ xem phương án để đảm bảo an toàn cho công dân Nhật cũng như hoạt động của các công ty Nhật tại Thái Lan.

Quân đội theo dõi sát

Sau quyết định của thủ tướng, tướng tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha hôm qua chỉ đưa ra một tuyên bố chung chung rằng quân đội sẽ theo dõi sát tình hình. “Chính phủ có trách nhiệm và tùy ý tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Cảnh sát sẽ chịu trách nhiệm chính đối với việc áp dụng lệnh này và có thể kêu gọi quân đội hỗ trợ nếu cần” - ông nói và cho biết thêm quân đội chỉ hành động nếu tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát dù thừa nhận: “Tôi lo ngại về tình trạng chia rẽ xã hội, đặc biệt giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình (chống chính phủ)”.

Những lo ngại về bạo lực vẫn còn đó, đặc biệt khi cảnh sát mới bắt thêm được hai người đàn ông với một kho vũ khí (23 bom nhỏ, một súng ngắn tự chế và 35 băng đạn) gần điểm biểu tình ở Lat Phrao ngay trong đêm. Cùng ngày, một thủ lĩnh phe áo đỏ (thân Thaksin) - ông Kwanchai Praipana - đã bị bắn bị thương ngay phía ngoài tư gia ở tỉnh Udon Chai, khu vực đông bắc Thái Lan. Đại tá Kowit Tharoenwattanasuk nói với Reuters: “Chúng tôi tin đây là hành động phạm tội vì lý do chính trị”.

Đạo luật tình trạng khẩn cấp có giá trị trong 60 ngày này từng được chính phủ của Đảng Dân chủ áp dụng hồi năm 2010 để trấn áp người biểu tình áo đỏ khiến gần 100 người thiệt mạng - một trong những vụ đàn áp đẫm máu nhất trong lịch sử Thái Lan. Người tiến hành cuộc trấn áp bốn năm trước, cựu thủ tướng Suthep Thaugsuban, chính là lãnh đạo phe biểu tình PDRC hiện tại.

“Tôi biết về đạo luật này rất rõ” - ông Suthep tuyên bố với người biểu tình sau khi đạo luật được công bố và đồng thời thách thức: “Cứ đến mà bắt chúng tôi đi. Bất cứ những gì họ cảnh báo không được thì chúng ta sẽ làm. Chúng ta sẽ diễu hành trên những tuyến đường họ cấm... Nếu họ cấm không biểu tình thì chúng ta sẽ ở đây mãi. Nếu họ cấm không được sử dụng loa buổi tối thì chúng ta sẽ cứ tiếp tục 24 tiếng/ngày”.

Ủy ban bầu cử (EC) thông báo sẽ xin phán quyết từ tòa hiến pháp để xem có thể hoãn bầu cử vào ngày 2-2 hay không do lo ngại về tình trạng bạo lực cũng như việc lực lượng biểu tình đã ngăn cản các ứng viên đăng ký tranh cử.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại