Người VN ở COP19: Nước mắt Philippines và quyền lợi nước lớn

Thành Long |

(Soha.vn) - COP là một bàn cờ chính trị không có chỗ cho cảm xúc. Nhiều người có thể khóc vì Philippines, nhưng nhượng bộ lại là chuyện khác.

Bài phát biểu đầy nhiệt huyết và cảm xúc của ông Yeb Sano, Trưởng đoàn đàm phán Philippines tại Hội nghị Công ước Khung của LHQ về Biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP19) không chỉ gây chấn động báo chí và dư luận nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, mà ngay ở phòng họp COP tại Ba Lan, nó cũng tạo được một hiệu ứng cảm xúc đặc biệt.

Chị Hà Quỳnh Nga (tổ chức CARE Việt Nam), hiện đang tham dự COP19 chia sẻ rằng trong phiên khai mạc ấy, bản thân chị và nhiều người khác trong phòng họp cũng rơi nước mắt.

Nhưng liệu những giọt nước mắt của người đại diện cho một đất nước vốn đang trải qua một thảm kịch “chưa từng có trong tiền lệ, không thể hình dung nổi và vô cùng tàn khốc” như ông Sano mô tả trong bài phát biểu, có đủ để tạo ra sự thay đổi ?

Về cơ bản, COP là diễn đàn nơi các quốc gia cố gắng đạt được những thỏa thuận về cắt giảm khí thải, hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo thích ứng và đối phó với các thảm họa gây ra bởi biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề phức tạp khác như mức độ khí thải tối đa, thước đo đánh giá thiệt hại...

Theo đánh giá của người trong cuộc, đây là một bàn cờ chính trị không có chỗ cho cảm xúc. Tại COP18 năm 2012, đoàn Philippines cũng đến họp khi đất nước họ vừa trải qua siêu bão Bopha khiến hơn 1.000 người chết. Trưởng đoàn khi đó cũng là ông Yeb Sano đã có một bài phát biểu đầy nước mắt với lời kêu gọi bất hủ “Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Nếu không phải ở đây thì ở đâu?”

Thế nhưng, tại thời điểm căng thẳng nhất của Hội nghị, sau khi hết tuần họp đầu tiên, Mỹ tuyên bố không tham gia bất kỳ thỏa thuận cắt giảm khí thải toàn cầu nào nếu không có tham dự của 4 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, trong khi Canada, Nhật Bản và New Zealand tuyên bố sẽ rút khỏi Nghị định thư Kyoto sau năm 2012. Chỉ đến ngày cuối cùng, các bên mới đồng ý gia hạn Nghị định thư Kyoto đến năm 2020.

Thành phố Tacloban của Philippines bị tàn phá tan hoang
Thành phố Tacloban của Philippines bị tàn phá tan hoang

Tại COP19 năm nay, bài phát biểu của ông Sano có thể khiến đại diện nhiều nước xúc động. Chính phủ của họ có thể viện trợ cho Philippines nhiều triệu USD để khắc phục hậu quả bão Haiyan. Nhưng điều đó không có nghĩa là trên bàn đàm phán, họ có thể dễ dàng đưa ra cam kết cắt giảm phát thải, hay hỗ trợ tài chính lâu dài và ổn định cho các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong cuộc chiến này, chỉ nước mắt thôi là chưa đủ.

Là thành viên nhóm Xã hội dân sự (XHDS), bao gồm các tổ chức đại diện cho các nhóm cộng đồng như thanh niên, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em,…ở khắp nơi trên thế giới, chị Hà Quỳnh Nga cho biết: “XHDS đưa ra các kiến nghị trong các phiên thảo luận, tổ chức họp báo… và lobby trực tiếp từng đoàn đàm phán. Mục đích chính không phải là làm cho họ “rưng rưng xúc động“ rồi sau đó thay đổi quyết định mà là tạo rất nhiều sức ép lên họ, đưa ra bằng chứng tác động của biến đổi khí hậu hoặc làm “bẽ mặt họ” trước các quốc gia khác.”

Một trong những đại diện lớn nhất của XHDS tại COP là CAN (Climate Change Network), tập hợp khoảng 850 tổ chức phi chính phủ từ 90 quốc gia trên thế giới. Chị Nga cho biết nhiều thành viên của CAN cũng đang tuyệt thực để bày tỏ sự ủng hộ với ông Yeb Sano. Số lượng người tuyệt thực đã tăng lên tới gần 60, và “nhiều nhà đàm phán đã thừa nhận rằng họ cảm thấy sức ép từ phía XHDS, và điều đó ít hay nhiều sẽ giúp thay đổi cục diện của các phiên đàm phán.”

Có thể thấy, bên cạnh những giọt nước mắt, đang có những cuộc chiến không khoan nhượng để phá tan sự trì trệ vốn có trong các hội nghị COP và buộc các quốc gia phải đưa ra các thỏa thuận nhằm giảm thiểu khả năng xuất hiện những thảm họa tương tự như bão Haiyan trong tương lai. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của các nhóm đàm phán, các quốc gia sẽ có thể đưa ra được một cam kết chung và tạo tiền đề cho thế giới chống lại các tác động của biến đổi khí hậu, vì đã đến lúc, chúng ta “cần phải chấm dứt sự điên rồ này”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại