100 sự kiện về vị tướng huyền thoại trăm tuổi Võ Nguyên Giáp (P1)

Thanh Thảo |

(Soha.vn) - Võ Nguyên Giáp sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, cha là ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên.

Cuốn sách: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy - 100 sự kiện về vị tướng huyền thoại trăm tuổi" do Công ty sách Thái Hà phát hành đã tái hiện chi tiết cuộc đời vị tướng đại tài của dân tộc Việt Nam. Có được công trình này là nhờ những đóng góp rất lớn của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp: ông Võ Điện Biên, ông Võ Hồng Nam, bà Võ Hạnh Phúc và Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đại tá Trịnh Nguyên Huân, Đại tá Nguyễn Văn Huyên, Trung tá Lê Văn Hải cùng Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhà sử học-Đại tá Trần Trọng Trung.

Chúng tôi xin được gửi tới quý độc giả một số trích đoạn đặc sắc từ cuốn "Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy - 100 sự kiện về vị tướng huyền thoại trăm tuổi".

Phần I - Từ ấy (1911-1941)

30 năm trước, trước khi nổ ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ 1, ngày 25/8/1911, ở làng An Xá (Quảng Bình), gần vĩ tuyến 17, đã sinh ra một con người sẽ là một trong những người hiếm hoi làm thay đổi dòng chảy của lịch sử

Peter Macdonald

Đại tướng, sử gia Anh, tác giả cuốn sách Giap - An Asessment

“QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH CHÍNH LÀ NƠI HUN ĐÚC Ý CHÍ, NHÂN CÁCH VÀ QUYẾT ĐỊNH CON ĐƯỜNG ĐI CỦA TÔI.” _Võ Nguyên Giáp_

Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/ 8/ 1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình* (cùng quê với Ngô Đình Diệm**). Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, cha là ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Võ Quang Nghiêm nhiều lần đi thi nhưng không đỗ, ở nhà dạy học, bốc thuốc; ông sống giản dị, thương người nên được dân trong vùng rất yêu mến, kính trọng.

Ngay từ nhỏ, Võ Nguyên Giáp đã được cha dạy chữ Nho và được rèn giũa rất nghiêm khắc. Chính những bài dạy của cha về đạo lý, ứng xử, về chữ Nhân, chữ Nghĩa… đã theo ông suốt cả cuộc đời và trở thành nền tảng cho những hành xử của ông sau này. Võ Nguyên Giáp thừa hưởng ở mẹ mình cả vóc người, gương mặt và đôi mắt thông minh. Cậu bé Giáp lần đầu tiên được nghe chuyện đánh Tây, Cần Vương chống Pháp của triều Nguyễn cũng là qua lời mẹ kể. [Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ, 15 - 43].

[Sánh] Đại tướng Võ Nguyên Giáp 1
 

* Quảng Bình là vùng đất trọng yếu trên tuyến đường Bắc Nam. Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh (thế kỷ 17), sông Gianh chảy qua Quảng Bình chính là ranh giới chia cắt giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Cuối thế kỷ 19, Quảng Bình trở thành căn cứ địa cho nhiều phong trào kháng Pháp của các nghĩa sĩ Cần Vương. Tinh thần đấu tranh yêu nước đã trở thành truyền nơi đây.

** Ngô Đình Diệm là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (1955-1963). Một trùng hợp ngẫu nhiên khi Võ Nguyên Giáp và Ngô Đình Diệm sinh ra và lớn lên ở hai làng kề nhau, cùng được giáo dưỡng theo truyền thống Nho học (với Ngô Đình Diệm còn có cả yếu tố Công giáo) nhưng hai con người, hai số phận, hai chính kiến này lại từng là những nhà lãnh đạo đứng trên hai bờ chiến tuyến.

[Sánh] Đại tướng Võ Nguyên Giáp 1
 

CẬU HỌC SINH XUẤT SẮC CỦA TRƯỜNG QUỐC HỌC HUẾ 2

Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới vào Huế để thi vào Trường Quốc học*. Trong kỳ thi này, ông đỗ Á khoa, đứng thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào**, nhưng khi đi học, ông lại luôn đứng đầu lớp. Trong Đặc san kỷ niệm Quốc học Huế 95 năm (1896- 1991), Giáo sư Nguyễn Thúc Hào kể lại: “Trong kỳ thi vào Quốc học, tôi đỗ đầu còn anh Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai.

Tôi còn nhớ anh Giáp trắng trẻo như con gái, tuy thi đỗ thứ hai, nhưng suốt cả năm học đệ nhất niên, tháng nào anh cũng được làm “major”, nghĩa là đầu lớp, mà tôi thì luôn luôn đứng thứ hai... Anh Giáp hơn tôi một tuổi nhưng đã có những suy nghĩ của người lớn, còn tôi lúc ấy chỉ là một cậu bé chăm học và ngoan, dễ bảo thế thôi.”

	Trường Quốc học Huế - nơi Đại tướng đã từng theo học

Trường Quốc học Huế - nơi Đại tướng đã từng theo học

* Trường Quốc học Huế thành lập năm 1896, là ngôi trường trung học nổi tiếng của cố đô Huế. Các cựu học sinh nổi tiếng: về chính trị có Nguyễn Sinh Cung (tức Hồ Chí Minh), Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu,…; về khoa học có Nguyễn Thúc Hào, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Lân, Tôn Thất Tùng,…; về văn học, nghệ thuật có Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tố Hữu, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Thương,…

** Nguyễn Thúc Hào (1912-2009): giáo sư toán học. Tú tài toán tại Aix-en-Provence, cử nhân và thạc sĩ toán tại Đại học Khoa học Marseille (Pháp). Từ 1935-1945, trở về Việt Nam dạy toán tại Trường Quốc học Huế. Nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Sư phạm Vinh, đại biểu Quốc hội ba khóa liên tiếp (các khóa 2, 3 và 4).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại