"Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Đại tướng số 1 Việt Nam"

Hoàng Đan (lược ghi) |

(Soha.vn) - Trung tướng Lê Hữu Đức khẳng định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng, thống soái đạo đức vẹn toàn, đức tài vẹn toàn và có tín nhiệm rất lớn...

Trong chương trình giao lưu trực tuyến được tổ chức vào ngày 23/8, nhân kỷ niệm 103 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu đã có những chia sẻ hết sức sâu sắc về quãng thời gian được sống, làm việc dưới quyền vị Tổng tư lệnh tài đức vẹn toàn. Dưới đây là một số ý chính mà chúng tôi đã lược ghi được.

 


	Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Nói về vị Tổng tư lệnh của mình, người từng được mệnh danh là “Hổ cụt đường 9 nam Lào” và đã từng bị Mỹ Ngụy treo giải thưởng nhiều ngàn đô cho ai lấy được đầu nói:

"Cá nhân tôi dẫu có ở gần Đại tướng nhưng khi nói thì cũng chỉ nói được một phần nào đó về Đại tướng mà thôi. Bởi lẽ, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một vị tướng, thống soái đạo đức vẹn toàn, đức tài vẹn toàn và có tín nhiệm rất lớn đối với nhân dân, đối với cán bộ, đối với tổ quốc, quân đội.

Không chỉ là Đại tướng số 1 của quân dân ta mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được bầu là 1 trong những vị tướng lừng danh nhất thế giới".

Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4.1975). Trong ảnh, từ trái sang phải: Đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục tác chiến), Thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó tổng tham mưu trưởng), Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương), Trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị)
Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4.1975). Trong ảnh, từ trái sang phải: Đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục tác chiến), Thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó tổng tham mưu trưởng), Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương), Trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị)

Theo Trung tướng Lê Hữu Đức, điều mà ông khâm phục nhất ở "anh Văn", đó chính là cách làm việc dân chủ

"Cách làm việc dân chủ chính là điều mà tôi khâm phục nhất ở “anh Văn”. Anh luôn tiếp thu, chắt lọc từ nhiều ý kiến trong các cuộc họp bàn kế hoạch tác chiến để có được một lựa chọn tối ưu nhất cho từng trận đánh. Anh đề cao những người đi sau như chúng tôi và cho rằng những người trẻ hơn luôn có những tiếp cận mới mẻ và nhiều sáng kiến.

Được làm việc dưới quyền Đại tướng, chúng tôi thấy rõ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chiến thắng thì tối đa nhưng thương vong thì tối thiểu, phải tìm mọi cách khắc phục từ nghệ thuật chiến lược đến đường lối chiến dịch. Cho nên các tư lệnh chiến trường đều nói, Đại tướng là người biết quý từng giọt máu của chiến sỹ. Điều đó là rất hiếm và vô cùng quý.

Là Tổng tư lệnh nhưng Đại tướng luôn căn nhắc, lý lẽ phân tách sâu sắc, thuyết phục. Ông không hề ép ai, không hề to tiếng, đập bàn, đập ghế kể cả trong họp Bộ Chính trị, họp Quân uỷ Trung ương đều thế. Ông luôn dùng lý lẽ để thuyết phục đến lúc mọi người hiểu và cùng đồng ý thực hiện.

Tôi còn nhớ năm 1975, sau khi ta giải phóng Buôn Mê Thuột và gần như tiêu diệt quân đoàn 2 và sư 2 của Nguỵ. Bấy giờ một vấn đề đặt ra là phải thành lập ngay Bộ chỉ huy chiến dịch Huế - Đà Nẵng để giải quyết nốt quân đoàn 1 của địch, mà ở đây địch có 2 sư đoàn dự bị chiến lược là thuỷ quân lục chiến và dù, cùng 2 sư đoàn của Quân đoàn 1, mà quân đoàn này của địch là quân đoàn mạnh nhất.

Đồng chí Lê Trọng Tấn lúc đó được chỉ định là Tư lệnh và khi được giao nhiệm vụ, đồng chí Tấn xin 5 ngày nhưng Đại tướng không đồng ý. Đại tướng nghiêm khắc nói, nếu 5 ngày thì có thể địch còn lại hoặc chạy mất.

Nếu chạy mất tức là địch sẽ đưa quân đoàn này về Sài Gòn - Gia Định thì cuộc tấn công cuối cùng vào đây của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, ta sẽ bỏ mất thời cơ. Vì vậy, Đại tướng chỉ cho có 3 ngày và không thảo luận thêm.

Đồng chí Lê Trọng Tấn lúc đầu hơi khó chịu nhưng sau khi đánh xong, tới gặp Tổng tư lệnh nhận khuyết điểm là đúng để 5 ngày thì địch chạy mất rồi còn 3 ngày thì đã tiêu diệt hoàn toàn địch.

Vì thế, Thượng tướng Trần Văn Trà đã từng nói: "Võ Đại tướng là Chỉnh uỷ của mọi chính uỷ, tư lệnh của mọi tư lệnh"", Trung tướng Lê Hữu Đức nhấn mạnh.

Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu.
Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu.

Đánh giá về nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Lê Hữu Đức khẳng định: "Trong nghệ thuật quân sự của" anh Văn" điều có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất chính là phương pháp luận hết sức trong sáng, sâu sắc và luôn luôn khoa học, không hề có chút mảy may nào là duy ý chí cả.

Trên chiến trường thực tế cũng như chiến lược, đồng chí luôn giữ vững điều đó. Khi quyết định kéo pháo ra khỏi Điện Biên Phủ, cả ngày, họp Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ, không ai đồng ý với ý kiến của Đại tướng, ai cũng cho rằng, đã có điều kiện đầy đủ như vậy thì cần phải đánh ngay để giải quyết địch trong 13 cứ điểm mà trong 2 đêm 3 ngày.

Khi Đại tướng hỏi, đồng chí Hoàng Văn Thái, người được cử đi trước 1 tháng với cố vấn, phó đoàn chuyên gia lên chuẩn bị cho rằng, anh Văn lo thế thì khó, theo tôi, có đầy đủ như thế thì đánh nhanh, thắng nhanh...

Rồi nhiều ý kiến cho rằng, đã động viên bộ đội kéo pháo vào nay lại kéo pháo ra thì nói thế nào với bộ đội, rồi lùi lại một tháng, mưa ập tới thì vận chuyện sẽ rất khó khăn...

Nhưng Đại tướng vẫn kiên trì thuyết phục mọi người. Đại tướng đã lấy chỉ thị của Bác Hồ và nhắc với mọi người, "trước khi đánh trận này, Bác Hồ đã chỉ thị nếu chắc thắng 100% thì mới đánh còn không chắc thắng 100% thì không đánh, liệu có ai dám chắc thắng".

Đại tướng cũng nêu rõ, trước đây, mới chỉ đánh địch trong 1 tiểu đoàn còn ở đây là một cứ điểm rất lớn, với tận 13 cứ điểm, thì liệu các đồng chí có đánh thắng được ngay không.

Đại tướng cũng nhấn mạnh, động viên tinh thần bộ đội và các vấn đề khác đều quan trọng nhưng phải đảm bảo đánh thắng thì mới đánh. Sau đó, tất cả đều đồng ý với quyết định kéo pháo ra của Đại tướng.

Sau này, khi tổng kết lại chiến dịch Điện Biên Phủ tại Hội trường câu lạc bộ quân đội, đồng chí Phạm Hùng nói rằng, khi nghe thấy điện của Đại tướng nói rằng, kéo pháo ra, tôi đã thở phào, nhẹ người và sau đó, kéo pháo vào thì tôi tin chắc thắng.

Còn đồng chí Lê Trọng Tấn sau này nói với Tổng tư lệnh, nếu lúc đó, đánh nhanh, giải quyết nhanh thì chắc chúng tôi không còn để hôm nay đánh Pháp, đánh Mỹ với Tổng tư lệnh"...

TIN MỚI NHÂT VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP:

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại