Ấn Độ tố Trung Quốc xâm chiếm 640km lãnh thổ

Truyền thông Ấn Độ cho biết, Quân đội Trung Quốc đã “từng bước” xâm chiếm khoảng 640km lãnh thổ Ấn Độ dọc theo đường kiểm soát thực tế (LoAC) phân định biên giới của hai nước.

Theo các bài viết được đăng trên Thời báo Hindustan (Hindustan Times) và Tiêu điểm ngày nay (Headlines Today) của Ấn Độ, quân đội Trung Quốc đã dần nắm quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ có chiều dài khoảng 640km tại ba khu vực là Depsang, Chumar và Pangong Tso.

Truyền thông Ấn Độ cho biết, sau cuộc tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ ngày 15/4, quân đội nước này cũng bị ngăn cản tuần tra khu vực Bulge Depsang.

Thông tin của các phương tiện truyền thông dựa trên các báo cáo do Ban Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ (NSAB) – một ban cố vấn chính thức của nhà nước – đã gửi đến văn phòng Thủ tướng Chính phủ ở New Dehli hôm 10/8 (Tờ Tiêu điểm ngày nay đưa tin là ngày 12/8).

Theo Văn phòng của Thủ tướng Chính phủ, NSAB được xem là “một cơ quan đa ngành bao gồm những cá nhân ưu tú độc lập với Chính phủ, có chức năng chủ yếu là cung cấp chuẩn đoán, phân tích dài hạn cho Hội đồng An ninh Quốc gia, đề xuất các giải pháp và lựa chọn chính sách trong các vấn đề lớn của Ấn Độ".

Ấn Độ tố Trung Quốc xâm chiếm 640km lãnh thổ
Lều trại của lính Trung Quốc được cắm trong lãnh thổ Ấn Độ trong một cuộc xâm chiếm hồi đầu năm ở vùng biên giới giữa hai nước.

Báo cáo này được viết bởi Shyam Saran, Chủ tịch NSAB, người đã điều tra các khu vực này từ ngày 02-09/8 theo yêu cầu của Thủ tướng Manmohan Singh. Ông Saran là cựu ngoại trưởng Ấn Độ, là một trong những kiến trúc sư hàng đầu Ấn Độ, đã từng lập kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo biên giới để tăng cường khả năng tự vệ trước quân đội Trung Quốc.

Vấn đề này đã gây ra một cuộc tranh luận nóng trong quốc hội Ấn Độ. Yashwant Sinha, một nhà lãnh đạo cấp cao của đảng đối lập BJP ở Quốc hội, cho biết trong tuần trước rằng: “Quốc hội dường như không nhận thức được tình hình ở đó [khu vực bị đóng chiếm ở biên giới] và Bộ trưởng Quốc phòng cần làm rõ vị trí thực tế”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony đã từ chối bình luận về bản báo cáo khi được tờ Tiêu điểm Ngày nay phỏng vấn. Trong khi đó, Ngoại trưởng Salman Khurshid cho biết: “Hành động sẽ chỉ được thực hiện trên cơ sở các thông tin mà nó nhận được. Không thể giữ lực lượng ở khắp mọi nơi mãi mãi được. Chúng ta sẽ có hành động nếu chúng ta biết rõ điều gì đó. Không có gì phải lo lắng. Chúng ta đã hành động dựa trên tất cả các thông tin”. Và cũng như đồng nghiệp của mình, ông Khurshid từ chối bình luận chi tiết về bản báo cáo của NSAB.

Chủ tịch NSAB Saran đã hạ nhiệt các bình luận thông qua việc trả lời phỏng vấn của tờ Business Standard phiên bản Ấn Độ: “NSAB không đặt vấn đề quan tâm cá nhân đối với các hoạt động. NSAB chỉ có nhiệm vụ tăng cường quản lý biên giới dựa trên các chương trình nghị sự liên quan, các yếu tố đầu vào có sẵn của nó, từ đó kiến nghị phù hợp với chính phủ”.

Trung Quốc và Ấn Độ hiện vẫn đang vướng vào các tranh chấp lãnh thổ ở LoAC, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền khoảng 92.000km lãnh thổ của nước láng giềng. Trong năm nay, Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vào LoAC của hai bên, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ phía Ấn Độ.

Căng thẳng leo thang khiến một chuyến viếng thăm Ấn Độ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gần như bị hủy bỏ hồi đầu năm nay sau khi các đơn vị quân đội Trung Quốc đã vượt qua biên giới và dựng trại bên trong lãnh thổ của Ấn Độ. Để đáp ứng lại hành vi xâm phạm đó, Ấn Độ đã lập một lực lượng gồm 40.000 binh sĩ và triển khai tấn công dọc theo biên giới.

Hai bên gần đây đã đạt được tiến bộ về việc giảm căng thẳng trên biên giới, điển hình là chuyến thăm tới Ấn Độ của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng Năm và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony đã tới thăm Trung Quốc vào tháng Bảy.

Thậm chí, vào tháng trước, ông Antony đã gợi ý về khả năng hai bên sẽ ký Hiệp định hợp tác Quốc phòng biên giới khi Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Trung Quốc vào tháng Mười tới đây.

Đến nay đã có hai vòng đàm phán được tổ chức. Mục đích của các thỏa thuận đề xuất là nhằm chính thức hóa cơ chế và thủ tục để nâng cao lòng tin lẫn nhau giữa quân đội biên giới hai nước và tạo điều kiện duy trì hòa bình, ổn định dọc theo biên giới với Trung Quốc”, ông Antony cho biết trong bài phát biểu tại Hạ viện Ấn Độ.

Hiệp định Hợp tác Quốc phòng biên giới nếu đạt được sẽ giúp hai bên tránh các xung đột vũ trang và thống nhất về đường phân định biên giới.

Trung Quốc được cho là đi ngược lại thỏa thuận đề xuất nói trên, trừ khi nước này dừng lại việc xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo biên giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại