Vì sao Trung Quốc không dễ dàng thống trị châu Á?

Giới phân tích cho rằng Mỹ không cần phải quá lo lắng vì Trung Quốc không dễ dàng trở thành quốc gia thống trị châu Á.

Trên tờ The Diplomat, tác giả Robert E. Kelly cho rằng Chiến lược “Trục châu Á”, giống như chiến tranh Iraq, không phải là điều bắt buộc mà chỉ là một phương án.

Ngoài ra, với những thách thức mà Trung Quốc đối mặt như đề cập dưới đây, lúc này Mỹ cũng chưa cần phải dùng tới chiến lược “Không – Hải chiến” để đối phó với “người khổng lồ châu Á”.

Nhật Bản

Đây là lí do rõ ràng nhất khiến Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành kẻ thống trị ở khu vực châu Á, chưa nói tới việc thách thức vị thế của Mỹ ở qui mô toàn cầu. Phương Tây có xu hướng đánh giá thấp Nhật Bản bởi lẽ nước này phải vật lộn chống lại tình trạng giảm phát trong suốt 2 thập kỷ qua.

Sự thật là Nhật Bản đã không còn ở vào thời kỳ hoàng kim như trước đây nữa. Nhưng Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Quân đội Nhật dù nhỏ hơn quân đội Trung Quốc về quân số, nhưng được đào tạo và trang bị tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc Trung Quốc vừa thay thế Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến các cử tri Nhật Bản cảm thấy cần phải khôi phục Nhật Bản dưới thời kì lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe.

Tàu chở trực thăng Izumo, tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ Chiến tranh thế giới II.

Cuộc ganh đua giữa Nhật Bản – Trung Quốc bắt đầu từ thế kỷ 19, thời kì nhà Minh. Khi đó, Nhật Bản như một kẻ gây rắc rối, đối xử tệ bạc với “người em trai” Trung Quốc cùng theo tư tưởng của đạo Khổng.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa hai nước này có “duyên” xung đột. Tuy nhiên, điều đó cho thấy Nhật Bản sẽ không chấp nhận để Trung Quốc trở thành kẻ thống trị.

Theo tác giả Robert E. Kelly, có thể do không quen phát ngôn trên các phương tiện truyền thông, các quan chức Trung Quốc có thể đưa ra các tuyên bố “ngông cuồng”, tuy nhiên xét tới tương quan lực lượng, chúng ta có thể tin rằng Nhật Bản sẽ đối đầu trực diện với Trung Quốc trước khi để Trung Quốc trở thành kẻ thống trị trong khu vực.

Giống như mọi quốc gia châu Á khác, Nhật Bản sẵn lòng quan hệ thương mại với Trung Quốc nhưng không chấp nhận để Trung Quốc thống trị. Người Trung Quốc có thể cho rằng Nhật Bản đang được “tháo cũi xổ lồng” (về việc khôi phục một lực lượng quân đội đầy đủ), nhưng điều đó không có nghĩa Nhật Bản sẽ trở thành nước quân phiệt như Trung Quốc cáo buộc. Thời kỳ Nhật Bản là quốc gia xâm lược đã qua từ lâu và Tokyo đã tự hạn chế phát triển quốc phòng.

Trên thực tế, Trung Quốc đã tỏ ra “vô liêm sỉ” khi sử dụng luận điệu đó phục vụ cho các ý đồ đối nội cũng như ngăn cản Nhật Bản tái vũ trang. Nhưng dù Trung Quốc có muốn hay không, họ cũng sẽ phải đối mặt với thực tế là Nhật Bản sẽ đầu tư cho quân sự nhiều hơn nữa. Rất có khả năng Nhật Bản sẽ không “nhường nhịn” để Trung Quốc trở thành kẻ thống trị chỉ vì một cuộc chiến cách đây 70 năm.

Các láng giềng khác của Trung Quốc

Hiện Trung Quốc đang rơi vào thế bị các láng giềng “hắt hủi” và bao vây. Bờ biển Trung Quốc bị Nhật Bản, Đài Loan và các nước ASEAN “án ngữ” còn trên đất liền, nước này giống như Đức – bị bao vây bởi nhiều quốc gia và nước nào cũng lo sợ bị thống trị. Ngay cả Myanmar cũng bắt đầu rời xa dần Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc hành xử thiếu đúng mực – ví dụ như các nhân vật quân sự Trung Quốc lại đưa ra những tuyên bố “ngông cuồng” – thì việc xây dựng một vòng vây xung quanh Trung Quốc sẽ không phải là khó khăn. Trung Quốc đang ở vào thế giống Đức thời kỳ trước, nhưng người Đức đã bại trận và người Trung Quốc biết điều đó.

Các vấn đề trong nước

Cuối cùng, dư luận ngày càng nhận thấy rằng Trung Quốc sẽ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng chóng mặt như trước đây nữa. Các thách thức từ trong nước như dân số già hóa, ô nhiễm môi trường, chi phí y tế tăng sẽ cản trở Trung Quốc phô trương sức mạnh với các nước láng giềng.

Ngoài ra, dư luận rộng rãi nhận thấy rằng, Trung Quốc ngày càng phải tốn nhiều sức lực cho an ninh trong nước hơn là với các nước bên ngoài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại