Biển Đông: Trung Quốc có “giấu dao găm trong tay áo”?

Chí Quân (TH) |

(Soha.vn) - Trên các diễn đàn quốc tế gần đây, Trung Quốc dường như đang cố tạo ra một hình ảnh mới, mềm mại và nhún nhường hơn trong các vấn đề tranh chấp.

Sự mềm mỏng bất ngờ

Trên các diễn đàn quốc tế gần đây, từ đối thoại Shangri-La ở Singapore, Hội thảo quốc tế về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược quốc tế của Mỹ tổ chức ở Washington DC và gần nhất là Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Brunei, giới quan sát nhận thấy dường như Trung Quốc đang cố tạo ra một hình ảnh mới, mềm mại và nhún nhường hơn trong các vấn đề tranh chấp.

Ở Shangri-La, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc nhiều lần khẳng định Trung Quốc chọn giải pháp hòa bình, hợp tác, cùng phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


	Vẻ mặt đăm chiêu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi bắt tay người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Brunei

Vẻ mặt đăm chiêu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi bắt tay người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Brunei

Còn tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông, đại diện đoàn Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng nước này theo con đường phát triển một cách hòa bình, đồng thời kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền khác giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.

Ở Brunei, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố đồng ý tham vấn ASEAN về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

“Bàn tay sắt bọc nhung”?

Tuy nhiên, luận điệu “phát triển hòa bình” của Trung Quốc rất khó thuyết phục khi có sự mâu thuẫn, thậm chí đối lập gay gắt giữa những gì Trung Quốc nói và những gì Trung Quốc làm.

Trong vòng một năm qua, Trung Quốc đã gây ra nhiều như vụ việc căng thẳng trong khu vực như tranh chấp bãi cạn Scaborough với Philippines, làm đứt cáp tàu thăm dò Bình Minh ngay bên ngoài cửa vịnh Bắc Bộ trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam, bắn cháy cabin tàu cá của ngư dân Việt gần quần đảo Hoàng Sa.

Một mặt, quan chức và nhân viên ngoại giao của Trung Quốc tới các diễn đàn quốc tế để lớn tiếng về hòa bình, nhưng mặt khác, chỉ mới tuần trước, kênh CCTV-4 thời sự quốc tế Đài truyền hình trung ương Trung Quốc lại đưa tin về hoạt động huấn luyện của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5, J-20.

Bản tin dẫn phân tích của giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng bán kính tác chiến của J-20 khoảng 2.000 km, “nên một khi Biển Đông "xảy ra chuyện" thì có thể điều động J-20 cất cánh từ Tam Á - Hải Nam tham gia "hải chiến bãi Vạn An"!? (tên gọi mà Trung Quốc tự ý áp đặt một phi lý và vô hiệu đối với Bãi Tư Chính nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam). Tên gọi này hoàn toàn không có giá trị pháp lý, mặc dù Trung Quốc đã dùng nhiều thủ đoạn để lòe bịp dư luận quốc tế về cái gọi là “chủ quyền” (không có thật) của họ ở đây.


	Truyền thông Trung Quốc biến J-20 thành "ngáo ộp" để dọa dẫm láng giềng

Truyền thông Trung Quốc biến J-20 thành "ngáo ộp" để dọa dẫm láng giềng

Và ngay khi các tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị ở Brunei về COC vẫn còn nóng hổi thì ở Bắc Kinh, cấp dưới của ông Vương, bà Hứa Chấn Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng ngang ngược đòi cái gọi là “chủ quyền không thể bàn cãi” của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các đảo lân cận.

Những mâu thuẫn này khiến dư luận quốc tế phải đặt câu hỏi: Luận điệu “theo đuổi giải pháp hòa bình” của Trung Quốc có đáng tin? Hay họ đang giấu dao găm trong tay áo? Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở đặt tại Mỹ đặt câu hỏi “Liệu ai có thể giải thích được sự mâu thuẫn giữa cam kết theo đuổi hòa bình của Trung Quốc với việc họ sử dụng tàu chiến để quấy rối các nước láng giềng? Nếu muốn hòa bình, tại sao Trung Quốc lại phản đối việc sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) để giải quyết tranh chấp về lãnh hải?”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại