Vã mồ hôi đi công chứng văn bản có tiếng nước ngoài

X.Hải |

(Soha.vn) - Không có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền chứng thực văn bản song ngữ và văn bản có tính chất song ngữ khiến cho công tác công chứng, chứng thực đang làm "khó" dân!

Vã mồ hôi đi công chứng, chứng thực

Những tưởng sau một thời gian lúng túng, việc chứng thực các văn bản song ngữ sẽ hoạt động trơn tru và người dân sẽ đỡ khổ vì không phải "vã mồ hôi" với thủ tục hành chính nữa. Song, thực tế đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện vì nhiều việc người dân đến xã, phường thì cán bộ ở đây lại chỉ lên quận, huyện để chứng thực, công chứng.

Theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì UBND cấp xã, phường chỉ có thẩm quyền  chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. 

Các văn bản dù chỉ có 1 chữa tiếng nước ngoài phải chuyển lên cấp cao hơn là phòng Tư pháp cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Vô hình chung, Nghị định 79 vấn đề chứng thực văn bản song ngữ đã tạo nên nhiều vấn đề rắc rối không cần thiết đối với người dân. 

Cấp phường, xã thưa thớt. Cấp quận, huyện chen lấn, xếp hàng. Để được chứng thực một văn bản, có khi phải đi lại nhiều lần.

Cảnh chen lấn thường thấy ở Phòng Công chứng quận Đống Đa (TP. Hà Nội).
Cảnh chen lấn thường thấy ở Phòng Công chứng quận Đống Đa (TP. Hà Nội).

Bác T ở phường Phương Liệt (quận Đống Đa - Hà Nội) cho biết, vợ bác cần chứng thực hộ chiếu để đi nước ngoài. Khi đến bộ phận một cửa của UBND phường này để công chứng thì bị cán bộ ở đây từ chối chứng thực vì không phải thẩm quyền và chỉ lên Phòng Công chứng quận Đống Đa làm. Tất tả đội nắng lên quận làm giấy tờ mà vẫn không xong việc vì còn rất nhiều người đang xếp hàng chờ đến lượt.

“Tôi vào ghi phiếu đăng ký từ sáng đến trưa mà vẫn chưa đến lượt. Người ta bảo hết giờ rồi hẹn sáng mai đến sớm để làm. Điều này quá bất cập và gây phiền toái khiến cho người dân chúng tôi phải đi lại vất vả mà việc cần chẳng đâu vào đâu. 

Tôi nghĩ cấp phường cũng có dấu quốc huy đoàng hoàng, có người thông thạo ngoại ngữ đấy chứ cớ sao cứ phải lên tận quận để chen lấn rồi về tay không?” - bác T bức xúc nói.

Tương tự như trường hợp của bác T, chị Lê Thị Luyến ở phường Văn Chương (Đống Đa - Hà Nội) cũng xếp hàng đến lượt để được công chứng. Tuy nhiên, chờ từ sáng đến trưa vẫn chưa thấy cán bộ gọi tên nên đành phải ra về hôm sau đến làm tiếp.

Chị Lê Thị Luyến (phường Văn Chương - Đống Đa - Hà Nội) chờ cả buổi sáng để được công chứng văn bản song ngữ ở Phòng Công chứng Đống Đa sáng, nhưng đành phải chấp nhận hôm sau quay lại vì quá đông.

Chị Lê Thị Luyến (phường Văn Chương - Đống Đa - Hà Nội) chờ cả buổi sáng để được công chứng văn bản song ngữ ở Phòng Tư pháp quận Đống Đa sáng, nhưng đành phải chấp nhận hôm sau quay lại vì quá đông.

“Sáng nay tôi xin phép cơ quan nghỉ làm để công chứng văn bằng đại học có cả tiếng Việt và tiếng Anh. Lấy phiếu xếp hàng từ sáng đến trưa mà không đến lượt, còn buổi chiều thì người ta lại báo nghỉ. Như vậy là rất mất thời gian đi lại và vô cùng phiền phức với người dân. Tôi mong rằng các thủ tục như thế này bớt “hành” là “chính” đi thôi” - chị Luyến cho hay.

Theo tìm hiểu của PV, không riêng Phòng Tư pháp quận Đống Đa mà các quận khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang trong tình trạng quá tải, việc không làm xuể. Trong khi đó, các Văn phòng công chứng, bộ phận hành chính một cửa cấp phường (xã) lại đang rất… rảnh rỗi, không làm hết công suất của mình là điều bất hợp lý của công tác chứng thực, công chứng hiện nay.

Cần có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền chứng thực song ngữ

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty Luật số 5 Quốc gia (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết:

Nghị định 04/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/5/2012 sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79 quy định cụ thể thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp cấp huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) chứng thực văn bản song ngữ.

Tuy nhiên, Nghị định này không hướng dẫn cũng như quy định cụ thể văn bản song ngữ là những văn bản nào, văn bản song ngữ và văn bản có tính chất song ngữ có giống nhau hay không. Thêm nữa, Nghị định này không bãi bỏ Thông tư 03 nên xảy ra nhiều ý kiến, áp dụng xử lý khác nhau về thẩm quyền chứng thực loại văn bản này.


	Cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất rõ ràng về thẩm quyền chứng thực văn bản song ngữ và văn bản có tính chất song ngữ để thuận tiện cho người dân hơn.

Cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất rõ ràng về thẩm quyền chứng thực văn bản song ngữ và văn bản có tính chất song ngữ để thuận tiện cho người dân hơn.

Thứ nhất, có ý kiến cho rằng văn bản song ngữ khác với văn bản có tính chất song ngữ nên theo Nghị định 04 chỉ có Phòng Tư pháp mới có thẩm quyền chứng thực loại văn bản song ngữ, UBND cấp xã (phường) chỉ chứng thực loại văn bản có mang tính chất song ngữ theo quy định tại Thông tư 03.

Thứ hai, ý kiến ngược lại cho rằng, văn bản song ngữ và văn bản có tính chất song ngữ chỉ là một. Do đó, theo quy định của Nghị định 04 thì Phòng Tư pháp cấp huyện là cơ quan duy nhất có thẩm quyền chứng thực các loại văn bản này.

Thông tư 03 là văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn Nghị định 04 nên theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không áp dụng quy định tại Thông tư 03 nên chỉ có Phòng Tư pháp cấp huyện mới có thẩm quyền chứng thực.

Từ những ý kiến trái chiều nhau và pháp luật hiện hành chưa cụ thể nên ở địa phương cũng áp dụng và thực hiện công việc chứng thực khác nhau. 

Có nơi áp dụng khi công dân đến chứng thực văn bản song ngữ hay mang tính chất song ngữ thì UBND cấp xã hay Phòng Tư pháp huyện đều có thẩm quyền chứng thực. Có nơi áp dụng Nghị định 04 chỉ có Phòng Tư pháp huyện mới có thẩm quyền chứng thực các giấy tờ nêu trên.

Thiết nghĩ, Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất rõ ràng về thẩm quyền chứng thực văn bản song ngữ và văn bản có tính chất song ngữ để thuận tiện cho người dân hơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại