Vụ Trưởng văn phòng công chứng Việt Tín tại Hà Nội liên quan đến việc chứng nhận hàng trăm hồ sơ của hai đối tượng lừa đảo, trong đó có bốn hồ sơ giả chữ ký, con dấu của một văn phòng công chứng khác là một ví dụ điển hình.
Hay vụ việc Trưởng phòng công chứng Gia Định Trần Quốc Phòng đã ký xác nhận vào bản hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Nguyễn Văn Nhơn và bà Võ Thị Lệ Thủy trong khi ông Nhơn đã... chết 3 năm trước. Ông Phòng cũng cho biết thêm các giấy tờ đều có xác nhận, dấu mộc của UBND xã, công an xã, bà Võ Thị Thu Thủy cũng cam kết đã tìm hiểu kỹ lô đất, tình trạng pháp lý, giấy tờ trước khi mua nên ông Phòng đã xác nhận.
Tình trạng giả hồ sơ công chứng ở các tổ chức công chứng không phải bây giờ mới có. Song hiện tượng này đang ở mức báo động bởi giấy tờ giả xuất hiện tại các tổ chức công chứng đang ngày càng càng tinh vi, khó phát hiện.
Theo ông Đỗ Anh Thắng, Phó Trưởng văn phòng công chứng Cầu Giấy: Văn phòng công chứng nào cũng gặp các trường hợp lừa đảo bằng giấy tờ giả với các thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện. Tôi đã từng gặp trường hợp làm giả giấy ủy quyền của một văn phòng công chứng huyện Đông Anh, mang đất của người khác bán cho một người ở quận Hoàng Mai, scan sổ đổ, hợp thức hóa chứng minh thư, hộ khẩu rồi đem bán cho một người ở quận Đống Đa... Những trường hợp này giấy tờ giả đều được làm như thật, đồng thời khách hàng sẵn sàng chi một mức bồi dưỡng tối đa... nên công chứng viên nếu không có một linh cảm nghề nghiệp tốt, kinh nghiệm sẽ rất dễ bị “qua mặt”.
Mới đây, khách hàng Nguyễn Thu H có hộ khẩu, CMND tại TP HCM mang sổ đỏ đất tại Hà Nội đến bán ủy quyền cho một người tại Nghệ An. Sự việc sẽ rất suôn sẻ bởi tất cả giấy tờ đều đầy đủ. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm ông Thắng đã phát hiện sổ đỏ đã bị làm giả, dấu, chữ ký bị vỡ và có ánh tím do scan. Đồng thời bà H mặc dù sống ở TP HCM nhưng giọng nói lại là người miền Bắc, không bán trực tiếp lại bán ủy quyền... Nhưng với một công chứng viên bình thường sẽ rất khó phát hiện.
Như vậy việc công chứng lọt hồ sơ giả là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi đó, Luật công chứng quy định giá trị pháp lý của văn bản công chứng là rất cao, có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, có giá trị làm chứng cứ, tình tiết, sự kiện thể hiện trong văn bản đã được công chứng đều không phải chứng minh và được cơ quan Nhà nước thừa nhận, trừ các trường hợp bị tòa tuyên bố vô hiệu. Điều đáng nói là những hồ sơ làm giả công chứng chủ yếu liên quan đến tài sản, thậm chí là tài sản cực lớn, gây thiệt hại cho công dân.
Hiện nay, một trung tâm thông tin công chứng nối mạng với trung tâm thông tin nhà đất, Sở Tài nguyên và môi trường, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn đang được Sở Tư pháp nghiên cứu, xây dựng. Tuy nhiên để có thể phát hiện được các bộ hồ sơ giả, theo ông Thắng, công chứng viên cần phải có quan hệ với các cơ quan thẩm quyền: xin mẫu con dấu, chữ ký của UBND, phòng tài nguyên môi trường. Đồng thời công chứng viên phải có một linh cảm nghề nghiệp, cảnh giác với những khách hàng muốn công chứng trong thời gian nhanh nhất với chi phí cao.
Theo ANTĐ