Những siêu trực thăng quân sự "khủng" nhất trong lịch sử

Kể từ khi lực lượng không quân đầu tiên trên thế giới - Không quân Hoàng gia Anh RAF ra đời năm 1918, trải qua gần 100 năm phát triển, với khả năng di chuyển cơ động, linh hoạt, các máy bay trực thăng đã khẳng định địa vị không thể thiếu trong quân sự.

Dưới đây là 10 loại máy bay trực thăng được đánh giá cao nhất trong số những trực thăng từng góp mặt trong các lực lượng không quân trên toàn thế giới.

1. Bell 47

Loại trực thăng hạng nhẹ, 2 cánh, động cơ đơn được chế tạo bởi nhà sản xuất trực thăng Bell của Mỹ, cũng loại trực thăng đầu tiên được cấp chứng nhận có thể sử dụng cho dân sự vào năm 1946.

Điểm mặt 10 huyền thoại trực thăng thế giới (I)
 

Trực thăng Bell 47 của Không quân Mỹ

Đã có khoảng 5.600 máy bay Bell 47 được sản xuất, bao gồm cả những máy bay được chế tạo tại các nước Italia, Nhật, Anh dưới giấy phép của Bell. Năm 1948, không quân Mỹ đã đặt hàng những chiếc Bell 47 cải tiến mà sau này được gọi là H-13 hay Sioux.

Là trực thăng hạng nhẹ, hệ thống vũ khí của Bell 47 cũng rất đơn giản: 1 cặp súng máy M37C gắn liền với buồng lái hoặc 1 cặp súng máy M60 đều có cỡ đạn 7.62mm. Trên chiến trường, nhiệm vụ chính của Bell 47 là tìm kiếm và vận chuyển thương binh trong các chiến dịch càn quét.

2. Focke-Achgelis Fa 223 Drache

Fa 223 Drache còn có tên tiếng Anh là Dragon, loại trực thăng được phát xít Đức nghiên cứu, phát triển và sản xuất trong Thế chiến thứ 2 với chuyến bay đầu tiên vào năm 1940. Fa 223 Drache là loại trực thăng đầu tiên được phép sản xuất hàng loạt, tuy nhiên do sự tấn công của các nước Đồng minh nên chỉ có 20 chiếc được ra đời.

Fa 223 Drache có cấu tạo 2 động cơ 1000 mã lực, mỗi động cơ có 3 cánh quạt được thiết kế ở 2 bên máy bay.

Điểm mặt 10 huyền thoại trực thăng thế giới (I)
 

Focke-Achgelis Fa 223 Drache của phát xít Đức trong Thế chiến thứ 2

Với động cơ công suất lớn, Fa 223 có thể đạt được tốc độ tối đa lên đến 175km/h và cao độ khoảng 7km.

3. Westland Lynx

Trực thăng đa năng của Quân đội Anh được thiết kế và sản xuất bởi hãng trực thăng Westland với mục đích ban đầu là sử dụng cho cả dân sự và phục vụ các nhiệm vụ quân sự trong hải quân.

Điểm mặt 10 huyền thoại trực thăng thế giới (I)
 

Lynx của Quân đội Anh

Nhiệm vụ chủ yếu của Lynx trên chiến trường là chống thiết giáp, tìm kiếm cứu thương và chống tàu ngầm trong các nhiệm vụ trên biển. Năm 1986 một máy bay Lynx đã lập kỉ lục về tốc độ bay của trực thăng mà đến bây giờ vẫn chưa máy bay nào phá nổi - 400.8 km/h.

Trong Hải quân Lynx sẽ có 2 ngư lôi hoặc 4 tên lửa Sea skua hoặc 2 bom chống tàu ngầm. Trong các chiến dịch tấn công trên cạn, trang bị của Lynx bao gồm: 2 khẩu pháo cỡ đạn 20mm, 2 tên lửa 70mm CRV7 và 8 tên lửa dẫn đường chống tăng TOW.

4. CH-47 Chinook

Trực thăng đa năng hạng nặng với 2 động cơ và có 2 cánh quạt nằm trên 2 mặt phẳng song song. Với tốc độ tối đa lên tới 315 km/h, đây là chiếc máy bay nhanh nhất trong số những loại máy bay cùng thời điểm những năm 1960. CH-47 Chinook cũng là một trong số ít máy bay vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Điểm mặt 10 huyền thoại trực thăng thế giới (I)
 

Trực thăng vận tải Chinook của không quân Mỹ

CH-47 Chinook được thiết kế và sản xuất bởi Boeing vào những năm đầu thập kỉ 60 thế kỉ trước, là sản phẩm của sự liên kết giữa Boeing và Bộ Quốc phòng Mỹ. Loại máy bay này đã được bán và sử dụng trên 16 quốc gia khác nhau. Quân đội nhiều nước có sử dụng các loại trực thăng hạng nặng khác như Mil Mi-26 của Nga, nhưng CH-47 Chinook vẫn là máy bay trực thăng có sức nâng lớn nhất.

5. Mil Mi-24

Trực thăng được trang bị vũ khí hạng nặng kèm theo một chút chức năng vận chuyển của quân đội Nga. Được thiết kế và phát triển bởi công ty Mil Moscow Helicopter vào ăm 1972 do Không quân Liên Xô đặt hàng, Mi-24 được sử dụng tại Nga và hơn 30 quốc gia khác trên thế giới trong đó có cả các nước thuộc NATO.

Điểm mặt 10 huyền thoại trực thăng thế giới (I)
 

Mi-24, trực thăng tấn công hạng nặng của Không quân Nga và Liên Xô cũ

Do là trực thăng chiến đấu hạng nặng nên trang bị vũ khí của Mi-24 cũng hết sức đáng chú ý: súng máy Yak-B với tối đa 1.470 viên đạn cỡ 12.7mm; dàn súng máy GUV-8700 được kết hợp bởi các nòng súng 7.62mm, 12.7mm thậm chí là 30mm; bệ phóng tên lửa S-5 có tên UB-32, tên lửa S-24 với đường kính 240mm; các tên lửa chống tăng AT-2B tại các đầu cánh và cuối cùng là 1.5 tấn bom.

6. OH-6 Cayuse

OH-6 Cayuse hay còn được gọi với một cái tên khác là Loach, loại trực thăng hạng nhẹ được sử dụng trong quân đội Mỹ và một số quốc gia khác.

Những siêu trực thăng "khủng" nhất trong lịch sử (II)
 

Trực thăng Cayuse của quân đội Mỹ

Với cấu tạo một động cơ và 4 cánh trên trục chính, OH-6 Cayuse có nhiệm vụ vận tải binh lính, hàng hóa, hộ tống các đơn vị mặt đất trong các nhiệm vụ tấn công và do thám. Hệ thống vũ khí của OH-6 Cayuse bao gồm 2 súng máy 7.62mm M60 hoặc M134 và 2 súng máy 12.7mm. Bên cạnh đó còn có 14 tên lửa Hydra 70mm, 4 tên lửa chống tăng TOW và 4 tên lửa Hellfire trong các bệ phóng gắn 2 bên máy bay.

7. AH-1 Cobra

Còn được gọi với một cái tên khác là Bell 209, là loại trực thăng 1 động cơ, 2 cánh tấn công được nghiên cứu và chế tạo bởi hãng trực thăng Bell.

Những siêu trực thăng "khủng" nhất trong lịch sử (II)
 

Rắn hổ mang - Cobra từng là trực thăng chiến đấu chính của quân đội Mỹ

Do có cấu tạo khác biệt nên AH-1 Corba chỉ lắp được một trong 2 loại súng máy 7.62mm hoặc súng phóng lựu  40mm M129; dàn 7 tên lửa lắp trong bệ phóng M158 hoặc dàn 19 tên lửa trong bệ phóng M200. Ngoài ra trực thăng này còn có dàn pháo 20mm XM195.

8. UH-1

Vẫn là một sản phẩm của hãng trực thăng Bell, được thiết kế và sản xuất phục vụ nhu cầu vận chuyển thiết bị y tế và thương binh cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên được diễn ra vào ngày 20/10/1956 và đưa vào sản xuất đại trà vào năm 1960. Đến nay đã có 16.000 chiếc ra đời, phục vụ cho quân đội Mỹ và một số nước trên toàn thế giới.

Những siêu trực thăng "khủng" nhất trong lịch sử (II)
 

UH-1 trong chiến tranh Việt Nam

Trong chiến tranh Việt Nam đã có khoảng 7.000 trực thăng UH-1 tham chiến.

Hệ thống vũ khí của UH-1 bao gồm 1 trong 2 loại súng máy 7.62mm M60 hoặc GAU-17. Tùy theo điều kiện chiến trường mà dàn tên lửa trang bị sẽ gồm 2 bệ phóng 7 nòng hoặc 2 bệ phóng 19 nòng tên lửa 70mm.

9. UH-60 Black Hawk

Là trực thăng đa năng hạng trung với 4 cánh quạt và 2 động cơ. Đây là sản phẩm của hãng Sikorsky Aircraft. Chiếc UH-60 Black Hawk đầu tiên được đưa vào phục vụ quân đội Mỹ trong năm 1979. Trải qua một quá trình nâng cấp lâu dài, hiện tại một số phiên bản của Black Hawk còn có khả năng tàng hình và đảm nhiệm các nhiệm vụ bí mật - ví như vụ tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden tại Pakistan.

Những siêu trực thăng "khủng" nhất trong lịch sử (II)
 

Trực thăng chiến đấu mạnh mẽ Black Hawk của Mỹ

Với chức năng của mình, Black Hawk cũng được trang bị một hệ thống vũ khí khá mạnh mẽ. Súng của Black Hawk thường là 2 súng máy 7.6mm như M240H hoặc M134, đôi khi được thay thế bằng 2 khẩu súng Gatling GAU-19 12.7mm. Ngoài ra, Black Hawk cũng có thể được trang bị hệ thống rải mìn Volcano. Ở 2 cánh bên được gắn các loại tên lửa Hydra 70mm, tên lửa dẫn đường bằng laser AGM-114 Hellfire và các súng máy khác nhau.

10. AH-64 Apache

Ngay sau thất bại của AH-56 Cheyenne, quân đội Mỹ đã gấp rút tiến hành phát triển một loại trực thăng mới với khả năng chống các phương tiện thiết giáp và hỗ trợ mặt đất trong các cuộc tấn công. Một chiếc máy bay 2 động cơ mạnh mẽ, hệ thống điện tử tiên tiến, lớp vỏ chống được đạn cối 23mm và kính chống được đạn 12.7mm đã ra đời.

Những siêu trực thăng "khủng" nhất trong lịch sử (II)
 

Dàn tên lửa Hellfire và bệ phóng Hydra 70mm

Đứng ở vị trí đầu tiên của 10 loại trực thăng được đánh giá cao nhất nên hệ thống vũ khí và thiết bị của Apache cũng rất đáng nể. Một bệ súng máy đạn 30mm; hệ thống tên lửa đất đối đất gồm AGM-114 Hellfire và AGM-112 Sidearm, hệ thống tên lửa đất đối không để chống trực thăng và một số máy bay tầm thấp khác có AIM-9 Sidewinder và AIM-92 Stinger. Bên cạnh đó, Apache còn có thể được lắp thêm các bệ phóng tên lửa Hydra 70mm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại