Lộ diện quốc gia giúp Triều Tiên thử hạt nhân

Việc phân tích các hình ảnh vệ tinh khu vực bãi thử cũng như quá trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên đang hé lộ nhiều điều.

Vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Triên đang khiến cả Mỹ và Hàn Quốc đau đầu. Dù đã ngay lập tức cử tàu chiến, máy bay trinh sát thu thập số liệu, song Hàn Quốc vẫn bó tay trong việc xác định bản chất vụ nổ. Tuy nhiên, những phát hiện mới đây đang dần hé lộ công nghệ cũng như quốc gia giúp Triều Tiên tiến hành vụ thử này.

Hàn Quốc bó tay

Ngay sau khi phát hiện “chấn động địa chất nhân tạo” ở Triều Tiên, Hàn Quốc đã điều các tàu chiến và máy bay trinh sát được trang bị các thiết bị dò tìm có độ nhạy cao nhằm tìm kiếm và thu thập mọi dấu tích của chất phóng xạ.

Nhưng cho tới 2 ngày sau vụ nổ (14/2), Ủy ban An ninh và An toàn hạt nhân Hàn Quốc thừa nhận dù đã phân tích 8 loại mẫu thu thập từ đất, nước biển và không khí nhưng "chưa phát hiện thấy đồng vị phóng xạ nào".

Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Hàn Quốc vẫn chưa thể biết liệu Triều Tiên đã sử dụng plutoni hay urani trong vụ thử hạt nhân mới nhất.

Địa điểm thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên

Theo giới phân tích, một trong những mối quan tâm hàng đầu của thế giới sau khi Triều Tiên thử hạt nhân là xác định chính xác bản chất và quy mô vụ thử để từ đó xác định mức độ công nghệ mà chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã đạt được.

Giới chuyên gia rất muốn biết phải chăng Triều Tiên đã chuyển từ plutoni (vốn được sử dụng trong các vụ thử năm 2006 và 2009) sang urani làm giàu ở mức độ cao. Các số liệu địa chấn cho thấy sức công phá của vụ thử vào khoảng 6.000-7.000 tấn thuốc nổ TNT (6-7 kiloton).

Tuy nhiên, do vụ thử của Triều Tiên được thực hiện dưới hầm ngầm nên nhiều khả năng đã được khống chế tốt và không để thoát phóng xạ ra ngoài. Điều này đã khiến Hàn Quốc không thể xác định được Triều Tiên đã dùng plutoni hay urani cũng như công nghệ trong vụ thử.

Dấu ấn Pakistan

Dù chưa thể xác định chính xác bản chất vụ nổ, song việc phân tích các hình ảnh vệ tinh khu vực bãi thử cũng như quá trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên đang hé lộ nhiều điều.

Các hình ảnh vệ tinh chụp bãi thử Pungye-ri mà Triều Tiên vừa sử dụng cho vụ thử hạt nhân thứ 3 cho thấy có các đường hầm mới được đào ở phía Nam của đường hầm từng được sử dụng cho hai vụ thử trước đó. Theo các chuyên gia Mỹ, đây là lần đầu tiên Triều Tiên sử dụng đường hầm mới ở phía Nam bãi thử.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin ngày 12/2 cho rằng có thể Bình Nhưỡng đã sử dụng đường hầm phía Tây trong vụ thử lần này. Nhưng các phân tích logic cho thấy nhiều khả năng Triều Tiên đã sử dụng đường hầm phía Nam. Đường hầm này được khởi công từ năm 2009, ngay sau vụ thử thứ hai.

Ông Siegfried S. Hecker, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Los Alamos của Mỹ (nơi chế tạo ra quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới) cho rằng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên học hỏi công nghệ thử hạt nhân từ Pakistan.

Sau khi Pakistan thực hiện vụ thử hạt nhân ngầm năm 1998, các cuốn hồi ký của nhiều nhân vật liên quan công việc này đã tiết lộ thông tin tổng quát về việc đào đường hầm. Điều đáng nói là liệu Triều Tiên có trực tiếp tiếp cận sơ đồ thiết kế của Pakistan hay chỉ bắt chước công nghệ đào hầm thử hạt nhân từ những thông tin công khai.

Lịch sử cho thấy có thể Triều Tiên đã được phép tiếp cận trực tiếp với các tài liệu của Pakistan. Pakistan từng nhập tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong của Triều Tiên để triển khai cho tên lửa Ghauri có thể mang đầu đạn hạt nhân của nước này. Đổi lại, nhiều khả năng Pakistan đã chuyển sơ đồ thiết kế đầu đạn cũng như sơ đồ thiết kế đường hầm thử hạt nhân cho Triều Tiên.

Tên lửa Nodong của Triều Tiên

Bên cạnh đó, thời gian tiến hành vụ thử của Triều Tiên có nhiều nét tương đồng với Pakistan. Trên thực tế, Bình Nhưỡng chỉ mất khoảng 2 tuần để thực hiện kế hoạch thử hạt nhân lần ba kể từ khi giới lãnh đạo nước này ra quyết định.

Ngày 17/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “khẳng định quyết tâm thực hiện biện pháp quan trọng” thì chỉ 16 ngày sau (12/2), Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba. Trong trường hợp của Pakistan năm 1998 cũng tương tự.

Chỉ hơn nửa tháng sau khi Ấn Độ liên tiếp thử hạt nhân ngầm thành công (vào các ngày 11 và 13/5/1998), Pakistan đã đáp trả bằng vụ thử hạt nhân ngầm thành công đầu tiên vào ngày 30 cùng tháng.

Plutoni hay urani

Một trong những vấn đề được quan tâm là Triều Tiên đã sử dụng plutoni hay urani trong vụ thử hạt nhân thứ ba. Trong các vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009, Triều Tiên đã sử dụng plutoni. Năm 2006, quy mô vụ nổ hạt nhân chưa tới 1 kiloton. Vụ nổ plutoni thường được sử dụng trong các vụ thử hạt nhân ban đầu với quy mô nhỏ do các vụ nổ có quy mô từ 5-20 kiloton thường phát sinh các vấn đề bất ổn đối với thiết bị nổ.

Quy mô vụ thử năm 2009 vẫn chưa được xác định cụ thể. Nga cho rằng vụ nổ vào khoảng 10-20 kiloton trong khi Mỹ lại dự đoán là chỉ khoảng 2 kiloton. Số lượng plutoni được sử dụng năm 2006 ước tính 5-6 kg, trong khi hiện vẫn chưa xác định được số lượng plutoni trong vụ thử năm 2009. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng sau 2 lần thử, Bắc Triều Tiên đang sở hữu plutoni tương đương với trên 6 vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên ăn mừng thành công vụ thử hạt nhân lần thứ ba hôm 15/2

Nhiều nguồn tin cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu thử hạt nhân ngay sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Mục tiêu ban đầu của Bình Nhưỡng là phát triển vũ khí hạt nhân với Plutoni, loại chất phóng xạ có thể dễ dàng được sử dụng dựa trên nền tảng công nghệ hạt nhân của Liên Xô. Với loại plutoni, từ năm 1956, Triều Tiên đã cử kỹ thuật viên tới Liên Xô học tập.

Năm 1965, Triều Tiên bắt đầu vận hành lò phản ứng hạt nhân dùng cho nghiên cứu tại tổ hợp Yongbyon. Tháng 5/1994, Triều Tiên đã sở hữu khoảng 8.000 thanh nhiên liệu đã qua sử dụng và hoàn tất quá trình tái xử lý số thanh nhiên liệu này đến tháng 6/2003 và chiết xuất được plutoni. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, Triều Tiên đã chiết xuất được khoảng 20-53 kg plutoni, tương đương với số lượng dùng cho 4-13 vũ khí hạt nhân.

Nhưng bất ngờ là năm 2008, Triều Tiên đã dỡ bỏ tháp làm lạnh plutoni sau khi Mỹ xem xét rút nước này khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Triều Tiên dừng sản xuất plutoni có thể do nước này đã chuyển sang sản xuất urani làm giàu ở cấp độ cao và đã sử dụng trong vụ thử hạt nhân lần thứ ba hôm 12/2 vừa qua.

Bên trong cơ sở hạt nhân Yongbyon

Mặt khác, giới chuyên gia cũng cho rằng Triều Tiên đã bắt tay vào làm giàu urani từ nửa cuối thập niên 1980. Đến giữa thập niên 1990, Triều Tiên còn tiếp cận được với công nghệ làm giàu urani của Tiến sĩ Abdul Qadeer Khan của Pakistan và cũng đã nhập khẩu thành công các máy li tâm.

Năm 2010, Triều Tiên thậm chí còn cho ông Siegfried S. Hecke, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Los Alamos, tham quan bên ngoài cơ sở làm giàu urani tại tổ hợp Yongbyon. Triều Tiên khi đó tuyên bố nước này sở hữu 2.000 máy li tâm.

Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên còn đặt nhiều máy li tâm khác ngoài Yongbyon. Vào tháng 5/2012, hãng thông tấn AFP còn dẫn lời các chuyên gia cho rằng Triều Tiên đủ khả năng sản xuất được 40 kg urani làm giàu ở cấp độ cao mỗi năm với 2.000 máy li tâm này. Với tốc độ như vậy, Triều Tiên nhiều khả năng đang sở hữu 3-6 vũ khí hạt nhân sử dụng urani.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại