Phát hiện quá muộn
Theo nguồn tin tình báo phương Tây, Nga đang di chuyển các tên lửa đạn đạo Iskander-M đến Kaliningrad - vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga được xem là tâm điểm của châu Âu.
Phát hiện này được đài NPR hôm 8/12 dẫn phân tích của một số chuyên gia về lĩnh vực kiểm soát vũ khí và họ đã chia sẻ những hình ảnh mới nhất cho thấy hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M sẽ sớm được triển khai tại tỉnh Kaliningrad của Nga.
Bằng chứng phương Tây đang phân tích khi Iskander-M đã tới Kalinigrad
Những hình ảnh ghi lại tại một số bãi đất trống được dọn sẵn để chứa các chòi tạm dưới dạng lều, theo Jeffrey Lewis thuộc Trung tâm nghiên cứu về giải giới hạt nhân James Martin, trụ sở tại bang California, Mỹ. "Các mô hình, kích thước và vị trí đều chỉ rõ đây là giai đoạn ban đầu cho việc xây dựng lều trú cho Iskander-M", Lewis nhận định.
Tuyên bố của vị chuyên gia này khiến phương Tây khá bất ngờ, tuy nhiên ngay trước đó Nga đã công khai rằng, tên lửa Iskander-M đã hiện diện tại Kaliningrad và cáo buộc chính hoạt động bất thường của NATO là nguyên nhân khiến Nga đẩy nhanh việc triển khai này.
Theo ông Sergei Lavrov, việc Nga chuyển giao các hệ thống tên lửa Iskander tới Kaliningrad do hành động gây hấn của phương Tây. "Trong bối cảnh nước Nga đang phải đối mặt với hàng loạt các hành động gây hấn của NATO, Moskva đã không có lựa chọn nào khác là phải áp dụng tổng hợp các biện pháp nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và an ninh quốc gia.
Tất cả các hành động trên đều được chúng tôi thực hiện trên lãnh thổ của mình. Ngược lại, Mỹ và một số nước khác, liên tục chuyển quân tới quốc gia láng giềng của Nga, thực hiện các hành động khiêu khích quân sự ở biên giới Liên bang", ông Lavrov tuyên bố.
Bộ Quốc phòng Nga đồng thời cũng xác nhận việc triển khai tên lửa đạn đạo Iskander-M tới vùng lãnh thổ Kaliningrad, đồng thời khẳng định kế hoạch trên hoàn toàn được thực hiện một cách công khai.
NATO là nguyên nhân
Cùng với những tuyên bố trên, truyền thông Nga còn thống kê những động thái của NATO được coi là nguyên nhân chính khiến Iskander-M có mặt tại Kaliningrad.
- Nguyên nhân đầu tiên: Hồi đầu tháng 6/2016, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra cảnh báo rằng Moskva sẽ có biện pháp đáp trả lá chắn tên lửa của Mỹ đặt tại Romania. Tuy nhiên, người đồng cấp Romania, Klaus Iohannis đã khẳng định rằng lá chắn tên lửa Mỹ đặt tại Deveselu, miền Nam Romania không liên quan gì đến Nga.
"Hệ thống này hoàn toàn không liên quan gì đến Nga. Họ không thể đe dọa chúng tôi. Những tuyên bố vô căn cứ này đã tái khẳng định thực tế rằng cách tiếp cận của chúng tôi khi tăng cường an ninh NATO là phản ứng chính đáng với thái độ của Nga tại khu vực Biển Đen", Tổng thống Klaus Iohannis tuyên bố sau lời phát biểu của ông Putin.
Mặc dù vậy, Moskva không tin điều đó và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng.
- Nguyên nhân thứ 2: Động thái tiếp theo từ NATO được coi là nguyên nhân khiến Nga đẩy nhanh kế hoạch triển khai tên lửa Iskander-M tại Kaliningrad chính là tuyên bố tăng quân tại Đông Âu, theo Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg.
Tuyên bố này được Tổng thư ký NATO đưa ra sau cuộc họp với các nước đồng minh ở Brussels, Bỉ. Ông Rasmussen cho biết: “Chúng tôi sẽ có thêm máy bay trên không, tàu dưới mặt nước và nhiều quân đội hơn trên cạn.
Cụ thể, lực lượng Không quân sẽ tuần tra thường xuyên hơn ở vùng Baltic. Tàu chiến quân đồng minh sẽ đến biển Baltic và Địa Trung Hải cùng bất cứ nơi nào cấp trên yêu cầu. Quân đội các nước thành viên cũng sẽ được chuẩn bị sẵn tinh thần tập trận cùng huấn luyện bất cứ lúc nào”.
Vị Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, kế hoạch này sẽ được thực hiện ngay lập tức và sau đó là nhiều hành động khác trong các tuần hoặc tháng tiếp theo. Tuy nhiên, NATO chưa hề có kế hoạch sẽ đặt một căn cứ quân sự vĩnh viễn ở miền Đông châu Âu.
Theo Russia Beyond the Headlines, những động thái từ phía NATO chính là "giọt nước làm tràn ly" và khiến kế hoạch triển khai Iskander-M đến vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga được thực hiện nhanh hơn.
Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500 km. Như vậy, từ Leningrad, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu ở Cận Baltic và phía Đông Ba Lan, nếu triển khai từ lãnh thổ Belarus – sẽ tiêu diệt các mục tiêu ở vùng trung tâm Ba Lan, từ Kaliningrad – tiêu diệt các mục tiêu ở Đức.
Tuy tên lửa Iskander từ lãnh thổ Nga không bắn được tới Romania, nơi Mỹ vừa kích hoạt lá chắn tên lửa với thành phần là các tên lửa đánh chặn SM3. Muốn làm điều đó phải sử dụng tàu mang tên lửa hoặc không quân.
Tuy nhiên, Russia Beyond the Headlines nhận định, Moskva không có nhu cầu phải vô hiệu hoá các tên lửa đánh chặn ở Romania, bởi vì đằng nào lá chắn tên lửa của Mỹ cũng sẽ không thể đánh chặn các tên lửa Nga.
Theo số liệu của chính các chuyên gia trong Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, tên lửa Iskander-M có những tính năng độc nhất vô nhị, khả năng ưu việt và hiệu quả gấp 5-8 lần so với các tên lửa cùng loại của các nước ngoài. Đặc biệt, tên lửa có thể tấn công các mục tiêu của đối phương với độ chính xác CEP chỉ 2 m.