Một lính Ukraine chụp hình bức họa được đặt tên là "Thánh Javelin" ở Kiev ngày 25/5. (Ảnh: Getty)
PGS Dave Des Roches, một nhà nghiên cứu quân sự cấp cao tại ĐH Quốc phòng Mỹ, lo ngại về tình trạng này.
"Tôi rất lo ngại. Nếu chúng ta không sản xuất thêm, dù mất vài tháng mới có thể tăng tốc, chúng ta sẽ không đủ cung cấp cho Ukraine", ông Des Roches nói với CNBC.
Châu Âu cũng đang cạn. "Kho vũ khí của hầu hết các nước châu Âu thuộc NATO cũng vậy. Tôi không nói đã cạn kiệt, nhưng suy giảm mạnh vì đã cung cấp rất nhiều cho người Ukraine", ông Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách an ninh và ngoại giao của EU, cho biết đầu tháng này.
Ngày 27/9, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tổ chức một cuộc họp đặc biệt với giám đốc các hãng vũ khí trong liên minh để bàn cách bù lại vũ khí trong kho của các quốc gia thành viên.
Phát biểu tuần trước, ông Stoltenberg nói rằng các thành viên NATO cần tái đầu tư vào ngành công nghiệp vũ khí. Tuy nhiên, việc tăng cường sản xuất không thể diễn ra nhanh và dễ dàng.
Cho đến nay, Mỹ là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, với các gói tổng trị giá 15,2 tỷ USD.
Nhiều vũ khí do Mỹ sản xuất được coi là "nhân tố thay đổi cuộc chơi" đối với Ukraine, nhất là lựu pháo 155mm và pháo hạng nặng tầm xa như HIMARS của hãng Lockheed Martin. Chính quyền Tổng thống Mỹ Jo Biden khẳng định sẽ hỗ trợ đồng minh Ukraine "chừng nào còn cần thiết" để đánh bại Nga.
Điều đó có nghĩa là Mỹ cần rất nhiều vũ khí nữa.
Mỹ cơ bản đã hết lựu pháo 155mm để cho Ukraine. Nếu gửi thêm, Mỹ sẽ cạn kho dự trữ dùng cho các đơn vị quân đội huấn luyện và đề phòng.
"Có nhiều hệ thống mà tôi nghĩ Bộ Quốc phòng Mỹ đã đến mức không sẵn sàng cung cấp cho Ukraine nữa. Lý do là Mỹ cần duy trì kho của mình để hỗ trợ các kế hoạch chiến tranh, để đề phòng xung đột xảy ra ở châu Á", Mark Cancian, cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ và hiện là cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ, cho biết.
Điều này có nghĩa là quân đội Ukraine sẽ phải thay thế loại vũ khí quan trọng nhất trên chiến trường, như lựu pháo 155mm, bằng loại cũ hơn như lựu pháo 105mm, với trọng lượng nhỏ hơn và bắn tầm ngắn hơn.
"Đó là một vấn đề với Ukraine. Vì tầm bắn là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến pháo binh này", ông Des Roches đánh giá.
Những loại vũ khí mà Ukraine đang dựa vào nguồn cung từ Mỹ đã rơi vào danh sách "hạn chế" gồm bệ phóng HIMARS , tên lửa Javelin, tên lửa Stinger, lựu pháo M777 và đạn 15m.
Tên lửa Javelin, do Raytheon và Lockheed Martin sản xuất, đóng vai trò biểu tượng ở Ukraine. Mỹ chỉ sản xuất khoảng 800 tên lửa loại này mỗi năm, nhưng đến nay đã gửi 8.500 chiếc cho Ukraine, theo thống kê của CSIS.
Tháng 5 năm nay, Tổng thống Biden thăm nhà máy Javelin ở Alabama, nói rằng sẽ "bảo đảm Mỹ và các đồng minh có thể lấp đầy kho vũ khí đã gửi cho Ukraine". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng "cuộc chiến này sẽ không hề rẻ".
Lầu Năm góc đã đặt hàng số tên lửa Javelin mới trị giá hàng trăm triệu đô la, nhưng việc tăng tốc sản xuất cần thời gian. Nhiều nhà cung cấp hóa chất và vi mạch dùng cho tên lửa không thể tăng tốc. Việc tuyển dụng, sàng lọc và đào tạo nhân lực cũng tốn thời gian. Phải mất từ 1-4 năm để Mỹ có thể tăng tốc sản xuất vũ khí đáng kể, ông Cancian cho biết.
Binh lính Ukraine bắn bằng lựu pháo M777. (Ảnh: Getty)
Ukraine có thể làm gì
Ukraine có thể trông sang các nhà cung cấp khác, như Hàn Quốc.
Hàn Quốc đang đầu tư cho ngành công nghiệp vũ khí và gần đây ký được hợp đồng trị giá 5,7 tỷ USD để bán xe tăng và lựu pháo cho Ba Lan . Ukraine cũng sẽ phải làm quen với những vũ khí thay thế mà hiệu quả không tối ưu bằng.
Jack Watling, một chuyên gia về chiến tranh bộ binh tại Viện Dịch vụ thống nhất hoàng gia ở London, cho rằng Ukraine vẫn còn chỗ để mua được vũ khí họ cần.
"Có đủ thời gian để họ giải quyết vấn đề trước khi đến lúc tình hình trở nên cấp thiết", ông Watling nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng Ukraine vẫn cần thận trọng và xác định ưu tiên, vì sẽ không thể có nguồn cung vô hạn.