Phương Tây bóc trần toan tính mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ

Tuấn Hưng |

Ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ công khai muốn tiếp tục đàm phán với Nga để mua hệ thống S-400, phương Tây đã bóc trần ý định ẩn sau tuyên bố của Ankara.

Tờ Daily Sabah ngày 17/8 dẫn nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chính phủ nước này đang tiếp tục cân nhắc mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất. Kế hoạch này được Ankara đưa ra trong bối cảnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang bình thường hóa và tăng cường hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

Theo đó, hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và Tổng thống Nga Putin tại St. Petersburg hôm 7/8 vừa qua.

Tổng thống Erdogan tuyên bố trong cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài 2 giờ với người đồng cấp Nga - Putin: "Chúng tôi sẽ tăng cường sự hợp tác (với Nga) trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng".

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên tờ Bild của Đức hôm 15/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Chúng tôi phải có sự hợp tác với các đối tác khác trong việc mua sắm các hệ thống vũ khí bởi một số đồng minh trong NATO đã từ chối bán tên lửa phòng không, đặc biệt là việc chấp nhận chia sẻ thông tin với chúng tôi".

Ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ phát đi thông điệp muốn tiếp tục đàm phán mua S-400 của Nga, tạp chí The National Interest đã dẫn phân tích của một số chuyên gia đã nói thẳng mục đích của Ankara.

Theo tạp chí Mỹ, về thực chất việc mua hệ thống S-400 thực chất vẫn nằm trong gói thầu T-LORAMIDS trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ. Những ứng viên từng tham gia gói thầu này gồm có FD-2000 của Tập đoàn CPMIEC của Trung Quốc, hệ thống SAMP/T Aster 30 của châu Âu, Patriot của Mỹ và S-400 của Nga.

Và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cả thế giới bất ngờ khi tuyên bố hệ thống FD-2000 của Trung Quốc đã được lựa chọn hồi đầu năm 2013.

Tuy nhiên, đến tháng 2/2015, đại diện của Bộ Quốc phòng Trung Quốc trả lời trong một bài viết trên Reuters rằng hệ thống phòng không của Trung Quốc không đạt yêu cầu và Thổ Nhĩ Kỳ dành hy vọng cho các công ty Mỹ và châu Âu.

Theo nội dung bài viết, là nước thành viên Hồi giáo duy nhất của NATO, vì vậy tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra lo ngại cho các nước phương Tây như Mỹ về an toàn và tính tương thích với hệ thống vũ khí của các nước thành viên NATO.

Trước sự lo ngại của Mỹ và NATO về vũ khí của của Trung Quốc và hệ thống phòng thủ của NATO không thể tương thích, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, sẽ nghiên cứu chế tạo hệ thống tương thích với hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO.

Trong khi đó hãng tin AP dẫn lời chuyên gia an ninh Nihat Ali Ozcan thuộc Quỹ nghiên cứu chính sách kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở Ankara đã chỉ ra rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng tuyên truyền họ sẽ mua hệ thống phòng thủ của Trung Quốc trước đây và giờ là S-400 của Nga để bảo đảm đạt được giao dịch tốt hơn với các công ty châu Âu hoặc Mỹ.

Để chứng minh cho nhận định của mình, Nihat Ali Ozcan dẫn lời một quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm 2013 rằng, đại diện quốc phòng tiếp tục bàn bạc với Công ty tên lửa phòng không châu Âu và Italia và đoàn đại biểu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có chuyến đi Mỹ để đàm phán mua hệ thống phòng không mới (trong khi đã tuyên bố chọn FD-2000).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại