Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo: Bước lùi quy hoạch?

Anh Trọng |

Sau khi nhà đầu tư, các sở ngành liên quan trình phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo để UBND thành phố xem xét lựa chọn, có ý kiến chuyên gia, kiến trúc sư cho rằng, ngoài thiết kế xấu, cầu còn có quy chuẩn kỹ thuật không an toàn.

Sau gần 10 năm lên phương án, cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng (nối quận Hoàn Kiếm sang quận Long Biên) vừa được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BOT. Theo đó, cầu được thiết kế trên 3 phương án: “Người chủ soái” (phương án 1, “Cánh hạc bay” (phương án 2), “Xứ Đông Dương” (phương án 3).

Lý giải về việc chọn phương án “Xứ Đông Dương”, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông) - quản lý dự án cho biết: Công trình được xây dựng với tiêu chí là cầu có tính chất văn hóa, kết nối địa danh lịch sử.

Phương án mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính, nét xưa cũ về một xứ sở đầy màu sắc, sinh động mà Hà Nội là thủ phủ xứ Đông Dương.

Cầu có kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển, mặt cắt rộng 33,5 mét tương đương 6 làn xe, phần cầu chính dài 828 mét; chiều dài toàn tuyến của cầu (gồm cả đường dẫn, các nút giao cắt) là 5,5km, nằm giữa phạm vi cầu Vĩnh Tuy và cầu Chương Dương. Tổng mức đầu tư dự án là 8.900 tỷ đồng.

Cóp nhặt, lộn xộn

Về thiết kế của cả 3 phương án, KTS Nguyễn Trực Thành nói rằng, “lộn xộn, cóp nhặt nhiều mô hình cầu khác nhau”. Thiết kế phương án 3 được Hội đồng tư vấn dự án lựa chọn nhưng chi tiết thiết kế rất rối, không có nét riêng và không đồng bộ với cảnh quan Hà Nội. “Đây thật sự là các ý tưởng được tập hợp, ghép nhặt của nhiều chi tiết cổ điển, phương Đông nhưng lại thiếu chủ thể”, ông Thành nói.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc - Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng bình luận: Thiết kế lặp lại đúng phong cách kiến trúc Đông Dương nhưng lại thể hiện chưa hợp lý, chưa có chủ đề.

Thủ đô Hà Nội hiện nay là thành phố hòa bình, phát triển nên các công trình kiến trúc cũng cần theo mô-típ hiện đại.

Với cầu Trần Hưng Đạo nên giảm các chi tiết gò, chi tiết ở hai cổng chào, các mố cầu, lan can. Cần khai thác kiến trúc “cổ - tân” để tăng tính hiện đại, khỏe khắn trang nhã.

Trao đổi với báo chí, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chê phương án 3 xây cầu cứng nhưng lại được thiết kế các trụ tháp như kiểu cầu dây văng với nhiều chi tiết hoài cổ rối rắm.

KTS Trần Huy Ánh nhận xét: Hiện nay độ tĩnh không từ mức nước sông để tàu thuyền bên dưới đi lại an toàn được tính toán đến cho cầu Thăng Long, Vĩnh Tuy, Thanh Trì là trên 11 mét, tuy nhiên độ tĩnh không của cầu Trần Hưng Đạo chỉ 9,5 mét là không hợp lý, mất an toàn và là sự đi lùi về kiến trúc, tầm nhìn quy hoạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại