Phục vụ nhân dân là nhiệm vụ tối thượng

Văn Kiên |

“Trong cuộc họp đầu tiên của Quân ủy Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Trong nhiệm vụ phòng chống, khắc phục thiên tai, thảm họa hay nói đúng hơn là phòng chống các thách thức 'an ninh phi truyền thống', quân đội không nên sử dụng hai chữ 'giúp dân', vì 'giúp' thì chỉ là 'sức đến đâu giúp đến đó', trong khi quân đội thì phải coi việc đối phó với các thách thức đó như một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đặc biệt trong thời bình".

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trao đổi với Tiền Phong về việc huy động lực lượng quân đội, công an vào miền Nam, tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

CHUYỂN TRẠNG THÁI TỪ SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU SANG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THỜI BÌNH

Thời gian qua lực lượng quân đội đã tích cực tham gia hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Sự tham gia của Quân đội trong mặt trận này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Những ngày vừa qua, bất kỳ ai trong chúng ta đều không khỏi lo lắng vì dịch bệnh bùng phát rất mạnh ở TPHCM, miền Đông Nam bộ và một số tỉnh thành trên toàn quốc. Tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng được các chuyên gia dự báo còn diễn biến rất phức tạp, kéo dài.

Theo sự điều hành của Chính phủ, Quân đội đã vào cuộc khẩn trương và sự có mặt của cán bộ chiến sĩ tại vùng dịch càng thể hiện vai trò to lớn thiết thực, đem lại niềm tin vững chắc cho nhân dân.

Phục vụ nhân dân là nhiệm vụ tối thượng - Ảnh 1.

Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng căn dặn những người lính trẻ quân y, trước khi xuất phát từ Lữ đoàn Vận tải 971 ở Sóc Sơn, Hà Nội tiếp tục lên đường chi viện cho Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D vào ngày 6/8

Nhưng không phải cho đến nay Quân đội mới vào cuộc. Ngay từ khi dịch COVID-19 mới chớm vào đất nước ta đầu năm 2020, với chức năng và khả năng của mình, quân đội đã sớm có dự báo chính xác, vào cuộc ngay từ ngày đầu, từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam - khử khuẩn trên diện rộng ở các điểm ô nhiễm, tổ chức đưa đón người dân, xây dựng và điều hành các khu cách ly, quản lý biên giới ngăn chặn xâm nhập của dịch bệnh vào Việt Nam…

Có thể nói suốt hai năm qua quân đội đã vào cuộc chống dịch một cách quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả.

Cần nhấn mạnh, với đặc thù của Quân đội, thì đó chính là quá trình chuyển trạng thái từ sẵn sàng chiến đấu sang thực hiện nhiệm vụ thời bình một cách mau lẹ, chính xác, hiệu quả, dưới sự phối hợp chỉ đạo chung của các cấp ủy, chính quyền từ trung ương tới địa phương.

Và hiện nay, khi tình hình phức tạp, một số địa phương đang hết sức khó khăn, tính mạng và sức khỏe của nhân dân đang bị đe dọa, thì việc quân đội tiếp tục vào cuộc, vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn là điều tất yếu.

Phục vụ nhân dân là nhiệm vụ tối thượng - Ảnh 2.

Đồng hành cùng người lính quân y trên đường vào Nam chống dịch, những chiếc ba lô quân trang cũng “xếp hàng” gọn ghẽ trước giờ xuất quân

Đặc thù quân đội có những binh chủng mũi nhọn, có những năng lực đặc thù mà không cơ quan hay tổ chức nào khác có được, ví dụ như tính kỷ luật, tổ chức lực lượng chặt chẽ, gọn nhẹ, cơ động; năng lực vận tải, năng lực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, triển khai công nghệ chuyên sâu v.v... Tất cả sức mạnh đó đều có thể đóng góp cho sự nghiệp chung của toàn dân để phòng chống dịch bệnh.

Nhưng đừng quên, đây là lực lượng nòng cốt của Đảng, của nhân dân Việt Nam. Tự hào là bộ đội Cụ Hồ, là bộ đội của dân, do dân, vì dân, do Đảng lãnh đạo nên tất cả mục tiêu của quân đội trong thời chiến hay thời bình, khi chống giặc ngoại xâm hay đối mặt với các thách thức an ninh phi truyền thống… quân đội cũng chỉ có một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân - đó là sức mạnh lớn nhất của quân đội, luôn được nhân dân tin cậy, thương yêu và ủng hộ cũng ở chỗ đó.

Sứ mệnh đó, mục tiêu đó, nguyên tắc đó tạo ra sức mạnh tinh thần không gì lay chuyển được trong từng cán bộ chiến sĩ. Niềm tin ấy sẽ biến thành nền tảng vững chắc nhất để quân với dân thêm khăng khít, đồng cam cộng khổ vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch.

Phục vụ nhân dân là nhiệm vụ tối thượng - Ảnh 3.

ĐÂU CÓ GIẶC LÀ TA CỨ ĐI

Trong cuộc họp đầu tiên của Quân ủy T.Ư khóa XII, Tổng Bí thư đã chỉ đạo, đối với vấn đề an ninh phi truyền thống, Quân đội không quan niệm giúp dân, mà cần xác định đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong thời bình. Điều này có ý nghĩa như thế nào, và lực lượng quân đội đã triển khai thực hiện ra sao trong thời gian qua?

Phục vụ nhân dân là nhiệm vụ tối thượng - Ảnh 4.

Lên đường tới TPHCM vào sáng 23/8, hai học viên năm cuối ở Học viện Quân y là Thượng sĩ Nguyễn Tuấn Phong và Thượng sĩ Bùi Hoàng Nhật Linh (học viên Học viện Quân y) cho biết họ yêu nhau được gần 1 năm. Sẽ không được gần nhau vì khác tổ khi vào Nam, họ dặn dò nửa kia của mình luôn giữ gìn sức khỏe để chống dịch thành công

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Từ những ngày đầu khi quân đội bắt tay vào công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, dư luận và giới quan sát cả trong và ngoài nước hết sức ngạc nhiên là quân đội Việt Nam đã chuẩn bị từ bao giờ mà lại có khả năng đáp ứng nhanh như thế những vấn đề mới trong nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh?

Đó là những vấn đề hoàn toàn mới, những gì chưa từng xẩy ra trước đó? Từ tổ chức, nhân sự đến cơ sở vật chất doanh trại. Từ trang thiết bị hậu cần kỹ thuật đến công tác huấn luyện, từ kiến thức đến thực hành cho hoạt động nghiệp vụ y tế đặc thù...?

Trở về thời điểm trước đó gần 5 năm, trong cuộc họp đầu tiên của Quân ủy T.Ư khóa XII, đầu năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: "Trong các nhiệm vụ phòng chống, khắc phục thiên tai, thảm họa hay nói đúng hơn là đối phó với các thách thức "an ninh phi truyền thống" thì Quân đội không nên sử dụng hai chữ "giúp dân".

Vì "giúp" thì chỉ là "sức đến đâu giúp đến đó", mà phải coi việc đối phó với các thách thức này như một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Quân đội trong thời bình". Khi đã coi là nhiệm vụ quan trọng, có nghĩa là phải chuẩn bị tốt về tổ chức, trang bị, phải huấn luyện thật tốt, sát đúng thực tế.

Đặc biệt là phải làm tốt công tác dự báo "từ sớm, từ xa", tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Nắm chắc tình hình để có sự tham mưu chỉ huy chính xác, hiệp đồng chặt chẽ trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu của cấp trên và hoàn thành nhiệm vụ.

Chỉ thị đó của Tổng Bí thư đã được Bộ Quốc phòng và các đơn vị trong toàn quân quán triệt thực hiện nghiêm túc. Minh chứng rõ nhất là từ đầu năm 2020 đến nay, trong bất kỳ thời điểm nào của dịch bệnh, quân đội cũng trong tâm thế sẵn sàng, đã ra quân là thắng lợi.

Với sự chuẩn bị tốt, đặc biệt là tư tưởng chính trị của cán bộ chiến sỹ, làm nhiệm vụ trong thời bình, nhưng khí thế như trong thời chiến, "đâu có giặc là ta cứ đi".

Phục vụ nhân dân là nhiệm vụ tối thượng - Ảnh 6.

MUỐN CHIẾN THẮNG, NGUYÊN TẮC CĂN BẢN LÀ PHẢI "BIẾT ĐỊCH - BIẾT TA"

Những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức, trong bối cảnh đó, chiến lược bảo vệ quốc phòng, an ninh thời bình cần quan tâm đến điều gì để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đứng trước những diễn tiến phức tạp của đại dịch COVID-19, có nhiều ý kiến khác nhau, rằng tình trạng này còn kéo dài bao lâu? Chúng ta phải chịu đựng tình trạng bất ổn, nửa bình thường, nửa bất thường này đến lúc nào?

Liệu bao nhiêu ngày nữa thì hết giãn cách, bao nhiêu ngày nữa thì dập được dịch? Sau biến chủng này còn biến chủng virus nào khác?… Sẽ không tránh khỏi sự lo ngại, thậm chí có thời điểm biểu hiện hoang mang đã xảy ra ở nơi này, nơi khác, với người này, người khác.

Phải thừa nhận rằng những thông tin, tri thức khoa học của nhân loại nói chung về dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra còn rất hạn chế, vì vậy chắc chắn không thể dự báo được đầy đủ, chính xác về diễn tiến của dịch bệnh.

Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc rất khó có thể xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh "từ đầu chí cuối", đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu khác nhau trong việc vừa tổ chức phòng chống dịch bệnh, vừa đưa cuộc sống dần đi vào trạng thái ổn định mới.

Chúng ta còn phải đối mặt với những hệ lụy khác mà đại dịch gây ra, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Vì vậy, theo tôi không nên (và không thể) khẳng định chắc chắn một "ngày đẹp trời" nào đó COVID-19 không còn nữa. Hy vọng như thế là không thực tế, và căn cứ vào đó mà vạch kế hoạch là sai lầm!

Ngược lại, chúng ta phải xác định dịch bệnh sẽ còn kéo dài, cần chuẩn bị tâm lý để không chỉ "chống chịu", đẩy lùi từng bước dịch bệnh, mà còn phải thích ứng với những khó khăn mới sẽ liên tiếp phát sinh, trước khi có thể dần quay trở về nhịp sống bình thường mới.

Khi coi việc "chống dịch là chống giặc", mỗi người phải xác định tâm thế của mình đang ở trong một cuộc chiến. Muốn chiến thắng, nguyên tắc căn bản là phải "biết địch-biết ta". Ta chưa thực sự hiểu địch và vì vậy khi dịch bùng lên thì hoang mang lo lắng. Ngược lại, có lúc biểu hiện chủ quan, lơi lỏng, chủ quan tự mãn…

Cái giá phải trả cho sự lơi lỏng đó là khoảng thời gian bị bỏ lỡ, là cơ hội "vượt trên ngăn chặn" đã không được tận dụng triệt để. Thắng một trận đánh chưa phải là thắng cả một cuộc chiến.

Nhưng để thắng một cuộc chiến thì phải quyết tâm đánh thắng từng trận, và không bị đuối sức khi dồn dập phải đánh các trận tiếp theo. Phải nỗ lực hơn nữa khi thành công, và đừng quên những bài học từ thất bại.

Hiện nay, theo tôi chúng ta cần ghi nhớ hai điều. Thứ nhất là lòng tin. Phải đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh quốc gia, tin vào chủ trương của Đảng và điều hành của Chính phủ. Tin vào những lời khuyên của chuyên gia trong phòng chống dịch.

Và đặc biệt là tin vào đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ chiến sỹ quân đội, công an và chính quyền cơ sở các cấp. Tình hình mới, nhiệm vụ mới, không khỏi có những bỡ ngỡ, thậm chí sai lầm. Điều đó không thể tránh khỏi, nhưng bỡ ngỡ gì thì qua thời gian ngắn sẽ trở nên thành thục.

Chúng ta hãy dành niềm tin tuyệt đối cho tấm lòng của họ. Không có niềm tin đó thì chính chúng ta sẽ tự hại mình, và sẽ làm hỏng nỗ lực của cả nước, của toàn dân trong phòng chống dịch.

Thứ hai, là lòng kiên trì. Không chỉ của một vài người mà đó là sự kiên trì của cả hệ thống chính trị, của toàn quân, toàn dân. Lịch sử đất nước đã bao lần chúng ta đối mặt với khó khăn gian khổ, rau cháo cầm hơi đến ngày thắng lợi. Khi ta trải qua khó khăn, yên ổn trong tháng ngày hòa bình thì một thử thách bỗng chợt xuất hiện.

Chúng ta lại buộc phải chấp nhận khó khăn gian khổ, thậm chí là cả mất mát hi sinh. Khi tất cả chúng ta không ngần ngại đối diện khó khăn, ai ai cũng sẽ chung lòng gắn kết, cùng nhìn một hướng để vượt qua, thì sẽ vượt qua được.

Thắng một trận đánh chưa phải là thắng cả một cuộc chiến. Nhưng để thắng một cuộc chiến thì phải quyết tâm đánh thắng từng trận, và không bị đuối sức khi dồn dập phải đánh các trận tiếp theo. Phải nỗ lực hơn nữa khi thành công, và đừng quên những bài học từ thất bại.

Bên cạnh các giải pháp chống dịch mà Chính phủ đưa ra hiện nay, cần chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân, kiên quyết không để những khó khăn từ dịch bệnh mà hình thành vấn nạn, nguy cơ gây biến động xã hội.

Ngày xưa các thế hệ cha ông chúng ta trên trời thì địch dội bom, dưới đất thì cha mẹ vẫn lao động sản xuất, chợ búa vẫn họp, trẻ con vẫn đội mũ rơm đến trường. Buổi tối sân hợp tác vẫn sáng đèn văn nghệ của thanh niên. Bây giờ thời bình, nhưng để đối phó với đại dịch COVID-19 thì vẫn tinh thần ấy mà làm.

Trước hết, phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định phòng chống dịch. Nhưng đồng thời, vẫn duy trì được những hoạt động thiết yếu của toàn dân, dần thích nghi với trạng thái "bình thường mới".

Phục vụ nhân dân là nhiệm vụ tối thượng - Ảnh 9.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Hiếm có trận 'đánh lớn' nào khó khăn, gian khổ và tốn kém như trận này

HIẾM CÓ TRẬN "ĐÁNH LỚN" NÀO KHÓ KHĂN, GIAN KHỔ VÀ TỐN KÉM NHƯ TRẬN NÀY

Thượng tướng có thể đánh giá về những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong "cuộc chiến" chống dịch hiện nay?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng theo tôi, sau hai cuộc kháng chiến giải phóng đất nước và chiến tranh bảo vệ biên giới, đất nước ta hiếm khi nào gặp phải thách thức to lớn, nghiêm trọng và khó lường như lần này. Hiếm có trận "đánh lớn" nào khó khăn, gian khổ và tốn kém như trận này.

Tất cả những điều đã nói ở trên, được ví như chúng ta đang chuẩn bị và xây dựng thế trận để tiếp tục vào trận mới và quyết giành thắng lợi. Thế trận đã có, quyết tâm đã rõ, cán bộ chiến sỹ đã sẵn sàng, vũ khí phòng ngự đã tạm đủ. Vậy còn vũ khí quan trọng nhất để giành chiến thắng, là gì?

Đó là vắc-xin, là thuốc chữa, là hệ thống bảo đảm hậu cần cho toàn dân, "đánh chắc tiến chắc", "đánh dài ngày". Thời gian qua chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ to lớn của cộng đồng quốc tế.

Nhưng nên nhớ, trong lịch sử dân tộc ta chưa bao giờ giành thắng lợi bởi chỉ nhờ giúp đỡ của bên ngoài. Tôi luôn nhớ một câu nói của Bác Hồ "Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến!". Nhất thiết phải có vắc-xin, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế "của Việt Nam, do Việt Nam, vì Việt Nam" - càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt.

Ngoại giao vắc-xin không phải là đi xin cơ hội một chiều, mà có thể hôm nay tôi còn khó khăn, nhưng sẽ sớm thôi tôi sẽ vượt qua để giúp lại anh, và để cùng với bạn chia sẻ, giúp đỡ cho những người khác. Bằng nguồn lực, bằng công nghệ, bằng trách nhiệm và ý thức đóng góp với cộng đồng thế giới.

Nhưng để sử dụng được những vũ khí đó thành công thì dứt khoát phải lo cho bữa ăn đủ chất và các nhu cầu thiết yếu để giữ sức khỏe của nhân dân, không để xáo trộn cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Với giặc COVID-19, càng ăn ngon, càng sống khỏe càng đánh thắng. Đó cũng là một thứ vũ khí đích thực.

Ngày xưa các thế hệ cha ông chúng ta trên trời thì địch dội bom, dưới đất thì cha mẹ vẫn lao động sản xuất, chợ búa vẫn họp, trẻ con vẫn đội mũ rơm đến trường. Buổi tối sân hợp tác vẫn sáng đèn văn nghệ của thanh niên. Bây giờ thời bình, nhưng để đối phó với đại dịch COVID-19 thì vẫn tinh thần ấy mà làm.

Đối với quân đội, bất kỳ ai cũng thấy rõ rằng bên cạnh việc dốc toàn bộ lực lượng chống dịch trong thời điểm này thì nhiệm vụ không phút giây nào được phép sao nhãng, đó là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ hòa bình, ổn định của đất nước, chủ quyền trên Biển Đông, bảo vệ biên giới hữu nghị với các nước láng giềng…

Với những góc nhìn như vậy thì nhân dân luôn hiểu rằng quân đội phải cố gắng 200%, 300%, thậm chí là nhiều hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ. Khó khăn, thách thức là vô bờ bến.

Hơn bao giờ hết, tất cả cán bộ chiến sĩ, những đồng đội của tôi luôn sẵn sàng hy sinh, chịu đựng gian khổ để nhân dân lại có một "Ngày vui Đại thắng", khi chúng ta đã đẩy lùi được dịch bệnh quái ác, chúng ta cùng chung tay tiếp tục xây dựng cơ đồ đất nước "Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại