Phủ sóng vắc-xin Covid-19 không dễ

Hải Ngọc |

Khi kết quả thử nghiệm vắc-xin Covid-19 có tín hiệu khả quan, các nước phải đối mặt thách thức kế tiếp là thuyết phục người dân tiêm phòng.

Hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) thông báo kết quả nghiên cứu vắc-xin ngừa dịch Covid-19 giai đoạn 3 của họ có hiệu quả hơn 90%. Các công ty này cho biết không phát hiện mối lo ngại nghiêm trọng về tính an toàn của vắc-xin và dự kiến nộp đơn xin sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng 11.

Vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer và BioNTech gồm 2 liều và tiêm cách nhau 3 tuần. Các thử nghiệm ở Mỹ, Đức, Brazil, Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đều cho thấy khả năng bảo vệ của vắc-xin này đạt đến 90% sau khi tiêm liều thứ 2 một tuần. Tuy các nhà khoa học hôm 9-11 cho rằng kết quả thử nghiệm ban đầu vượt xa kỳ vọng của họ nhưng vẫn tồn tại nhiều hoài nghi, như liệu vắc-xin nói trên có thể ngăn bệnh hoặc triệu chứng nặng hay không, thời gian bảo vệ bao lâu và hiệu quả đến đâu đối với người cao tuổi.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn muốn biết liệu vắc-xin trên hoàn toàn ngăn nhiễm Covid-19 hay chỉ giảm bớt mức độ mắc bệnh. Ông Gregory Poland, chuyên gia tại Bệnh viện Mayo ở TP Rochester, bang Minnesota - Mỹ, nhận định với Reuters rằng những kết quả này thật sự đáng khích lệ nhưng chỉ mới ở giai đoạn sớm nhất.

Ngoài những thắc mắc về hiệu quả, còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng phủ sóng của vắc-xin Covid-19. Phong trào chống vắc-xin được nhắc đến nhiều hơn sau thông báo của Pfizer và BioNTech. Nhiều cuộc thăm dò được thực hiện trước và trong đại dịch Covid-19 cho thấy niềm tin của người dân không ổn định và sự phân cực chính trị cùng những thông tin sai lệch trên mạng càng làm niềm tin ấy lung lay. Nhiều người tỏ ra lo ngại về quá trình phát triển vắc-xin Covid-19 được tăng tốc.

Tiếp đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính khoảng 70% người dân trong một cộng đồng phải được tiêm phòng để ngăn sự lây nhiễm virus. Tuy nhiên, vắc-xin tiềm năng một khi được thông qua cũng chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu lớn nên các chuyên gia cho rằng ngành y tế vẫn chưa thể giảm bớt áp lực.

Phủ sóng vắc-xin Covid-19 không dễ - Ảnh 1.

Logo của Tập đoàn Pfizer hiển thị trên màn hình tại sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở Mỹ Ảnh: REUTERS

Một thách thức khác đến từ khâu hậu cần. Theo đài NBC, Pfizer đang hoàn thiện chuỗi kho lưu trữ đông lạnh mới để vận chuyển vắc-xin từ nơi sản xuất đến bất kỳ điểm sử dụng nào trong vòng 2 ngày. Theo đó, vắc-xin sẽ được trữ trong kho lạnh ở cơ sở Kalamazoo, bang Michigan của Tập đoàn dược phẩm Pfizer. Trong quá trình vận chuyển và bảo quản, vắc-xin phải được giữ ở nhiệt độ âm 70 độ C để duy trì hiệu quả tối ưu. Mỗi lô hàng có thể chứa 1.000-5.000 liều vắc-xin và được trang bị một cảm biến nhiệt theo dõi bằng GPS.

Pfizer cũng chi hơn 2 tỉ USD để tạo mạng lưới phân phối trực tiếp của riêng mình. Ông Tom Goldsby, giáo sư về vấn đề hậu cần tại Trường ĐH Tennessee (Mỹ), cho rằng rủi ro trong quá trình vận chuyện khá cao và không được phép sai sót. Thành công của quá trình này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên trong cả lĩnh vực công và tư nhân. Pfizer dự kiến sản xuất đủ liều dùng cho 25 triệu người vào cuối năm 2020 và cho khoảng 630 triệu người trong năm tới.

Riêng tại Mỹ, khoảng 700 triệu liều vắc-xin dành cho hơn 300 triệu người (mỗi người cần 2 liều) sẽ được cung cấp một cách an toàn, bảo mật và đúng lịch trình đến mọi nơi trên nước Mỹ. Theo kế hoạch, các binh sĩ có vũ trang có thể được triển khai trên máy bay, xe tải, tại các điểm lưu trữ và trung tâm phân phối vắc-xin.

Cuộc đua vắc-xin được đẩy nhanh trong bối cảnh Mỹ chứng kiến hơn 100.000 ca mắc mới mỗi ngày trong 6 ngày liên tiếp. Mỹ hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới với hơn 10,4 triệu ca mắc và hơn 244.000 ca tử vong do Covid-19. Tình hình dịch bệnh cũng không khá hơn tại châu Âu.

Theo Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran, Covid-19 ở nước này sắp đạt đỉnh dù công tác chuẩn bị tốt nhưng nguồn lực không phải vô hạn và các khu chăm sóc đặc biệt đã đầy 85%. Hiện Pháp có hơn 1,8 triệu ca mắc và gần 50.000 ca tử vong. Tại Ý, Covid-19 bị cảnh báo đã nằm ngoài tầm kiểm soát với hơn 960.000 ca mắc và hơn 41.700 ca tử vong. Các y - bác sĩ đã kêu gọi chính phủ Ý ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc mới.

Chính trị hóa vắc-xin

Không lâu sau khi Công ty Pfizer công bố bước tiến vắc-xin của họ, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9-11 đăng đàn Twitter để chỉ trích. "Như tôi đã nói từ lâu, Pfizer và những công ty khác sẽ chỉ công bố vắc-xin sau bầu cử, bởi họ không có dũng khí công bố trước". Ông Trump tiếp tục đổ lỗi cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) che giấu thông tin vì "mục đích chính trị".

Tiếp đó, ông Trump viết: "Nếu ông Joe Biden làm tổng thống, các bạn sẽ không có vắc-xin trong 4 năm tới đâu, FDA cũng không phê duyệt nó nhanh chóng".

Về phần mình, phản ứng trước thông tin của Pfizer, ông Joe Biden khuyên mọi người hy vọng nhưng không được quên rằng "cuộc chiến chống Covid-19 sẽ còn kéo dài nhiều tháng nữa". "Bất kể bạn ủng hộ đảng nào, quan điểm ra sao, chúng ta có thể cứu hàng chục ngàn sinh mạng chỉ bằng cách đeo khẩu trang thêm vài tháng nữa" - ông Biden phát biểu ở bang Delaware hôm 9-11 sau khi gặp mặt ban cố vấn chống Covid-19 gồm 13 thành viên do ông vừa thành lập.

Ông Joe Biden cam kết một khi lên cầm quyền sẽ triển khai chiến lược liên lạc toàn quốc để chống dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại