Đài BBC hôm 9-11 dẫn lời các nhà phát triển loại vắc-xin kể trên – gồm Công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) – ca ngợi đây là "một ngày tuyệt vời cho khoa học và nhân loại".
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla nói: "Chúng tôi đang đạt đến cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển vắc-xin vào thời điểm mà thế giới cần nó nhất với tỉ lệ mắc Covid-19 lập kỷ lục mới. Các bệnh viện hoạt động gần hết công suất và các nền kinh tế đang tìm cách mở cửa trở lại".
Pfizer tuyên bố vắc-xin mà họ đang phát triển có hiệu quả ở 90% số người chưa bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Nó được thử nghiệm trên 43.500 người ở 6 quốc gia: Mỹ, Đức, Brazil, Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, "không gây ra lo ngại nào về vấn đề an toàn".
Vắc-xin của Pfizer có thể giúp hơn 90% số người không bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Reuters
Hai công ty Pfizer và BioNTech đang lên kế hoạch nộp đơn xin Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để sử dụng vắc-xin vào cuối tháng này. Ngoài ra, Pfizer kỳ vọng những dữ liệu cuối cùng sẽ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vào tuần thứ ba trong tháng 11-2020.
Đài BBC cho biết khoảng 12 loại vắc-xin Covid-19 đã tiến đến giai đoạn thử nghiệm cuối cùng nhưng đây là loại vắc-xin đầu tiên cho thấy hiệu quả. Người dùng sẽ được tiêm một phần mã di truyền của virus SARS-CoV-2 để tăng cường hệ thống miễn dịch. Họ cần sử dụng 2 liều cách nhau 3 tuần. Người dùng sẽ được bảo vệ trong vòng 1 tuần kể từ khi tiêm liều vắc-xin thứ hai.
Pfizer tự tin có thể cung cấp khoảng 50 triệu liều vắc-xin Covid-19 vào cuối năm nay và khoảng 1,3 tỉ liều vắc-xin vào cuối năm 2021. Vắc-xin của Pfizer cần phải được giữ lạnh cực tốt để mang lại kết quả tối ưu.
Trụ sở chính của BioNTech tại TP Mainz - Đức. Ảnh: EPA
Bệnh nhân đầu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 của Pfizer ở Trường ĐH Maryland hồi tháng 5-2020. Ảnh: AP