Điều khiển “người khổng lồ”
Cuối tháng 8, khi những cơn mưa cuối mùa ngâu nhạt dần, nhường lại không gian cho nắng thu vàng rộm, chúng tôi hành quân lên thị trấn Đông Anh, trung tâm huyện ngoại thành phía Bắc Thủ đô Hà Nội, thăm Nhà máy Z153 của Tổng cục Kỹ thuật (TCKT), nơi được mệnh danh là “bệnh viện" tuyến cuối, sửa chữa vừa và lớn các loại xe tăng, thiết giáp trong toàn quân.
Khi đến Nhà máy, người đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc là Thượng tá Hồ Thị Hương, Phó trưởng phòng Hành chính-Hậu cần, kiêm phụ trách quân y và cũng là Chủ tịch Hội phụ nữ từ nhiều năm nay.
Chị Hương quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, từng tốt nghiệp bác sĩ điều trị tại Học viện Quân y và là thủ lĩnh của gần 100 phụ nữ của nhà máy. Vào vai hướng dẫn viên du lịch, chị Hương đưa chúng tôi xuống phân xưởng sửa chữa tăng - thiết giáp.
Nơi đây là trung tâm và vị trí sản xuất sôi động nhất của nhà máy và được ví như một “khoa khám bệnh” ở các bệnh viện lớn.
Từ đây, những chiếc xe tăng, thiết giáp cồng kềnh, có chiếc nặng tới hơn 30 tấn được khám tổng thể, rồi được tháo rời thành nhiều phần, nhiều bộ phận khác nhau, sau đó lại được di chuyển đi các nơi khác để sửa chữa. Khi đã hoàn thành, chúng lại được đưa về đây để lắp ráp.
Đang vào chiến dịch, phân xưởng đầy ắp phương tiện. Những chú “voi sắt” sắp hàng dài ngay ngắn chờ để xác định nguyên nhân, tình trạng hỏng hóc. Công nhân, kỹ thuật viên nhanh nhẹn phối hợp tháo rời các bộ phận trên thân xe tăng.
Ở nóc của phân xưởng, chiếc cẩu điện lừ lừ di chuyển trên dầm cần trục rồi thả móc xuống phía dưới. Vài phút sau, khung của chiếc xe tăng được cẩu nhấc lên cao và di chuyển đến bể sút khá rộng.
Chị Hương giới thiệu với chúng tôi về nữ công nhân lái cẩu có tên rất đẹp - Lê Bích Thùy. Vốn là thợ điện, nhưng chị Thùy lại đảm nhiệm lái cẩu đã gần 6 năm. Nhiệm vụ của chị là vận hành cẩu, di chuyển những linh kiện tháo rời từ nơi này đến nơi khác.
Chị Thùy chia sẻ, công việc này có niềm vui riêng. Từ vị trí trong ca bin điều khiển cẩu, chị Thùy quan sát, nghe được toàn bộ mọi hoạt động và âm thanh nhộn nhịp của đồng đội trong phân xưởng ở bên dưới.
Nhưng vào mùa hè thì chị lại là người khổ nhất trong phân xưởng, bởi là người đầu tiên được hưởng trực tiếp cái nóng hầm hập từ trên mái tôn hắt xuống.
Ở thời điểm ấy, khi ngồi trong ca bin điều khiển, mặc cho chiếc quạt chạy hết tốc lực, nhưng mồ hôi vẫn vã ra như tắm, khiến bộ quần áo xanh công nhân sũng nước. Chị Thùy cười rất tươi và nói vui với chúng tôi, trong phân xưởng, chị là người khỏe nhất, mặc dù chỉ nặng hơn 50kg.
Lý do là chị điều khiển được cỗ máy bằng thép cục mịch, treo tít trên cao để di chuyển những khối sắt nặng tới vài tấn thông qua rất nhiều loại cần gạt và nút điều khiển mà nhiều anh, chị em trong xưởng hợp lại cũng chẳng nâng lên được, chứ đừng nói là di chuyển đi nơi khác...
Qua tìm hiểu của chúng tôi, cũng giống như nữ công nhân Lê Thị Bích Thùy, ở các phân xưởng trực tiếp sản xuất của Nhà máy Z153 có khoảng 30 nữ công nhân đang làm việc. Họ làm đủ mọi công việc, từ sửa chữa điện xe, hàn sắt thép, sửa chữa vũ khí, khí tài trong xe tăng, xe thiết giáp. Họ làm việc lặng thầm, hiệu quả, chẳng kém cạnh những đồng nghiệp nam giới.
Tổ ấm của phái đẹp
Chị Hồ Thị Hương, Chủ tịch Hội phụ nữ của Nhà máy Z153 chia sẻ với chúng tôi, điều kiện làm việc của chị em trong nhà máy hết sức khó khăn, thường xuyên phải chịu tác động của tiếng ồn và các loại dầu, mỡ, hóa chất độc hại. Công việc nặng nhọc, có phần nguy hiểm ấy tác động rất lớn đến tâm sinh lý và sức khỏe của phụ nữ, những người vốn sinh ra quen với công việc nội trợ và thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Để phụ nữ có niềm tin mới, hứng khởi hơn trong công việc, vượt qua được khó khăn trong công tác và cuộc sống gia đình vốn còn nhiều thiếu thốn, những năm qua, Hội phụ nữ cơ sở của Nhà máy Z153 đã có nhiều biện pháp hữu hiệu, không chỉ tập hợp chị em để “chia ngọt, sẻ bùi” mà còn hướng chị em vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, có kiến thức, sức khỏe, hoàn thành vai trò “người giữ lửa” trong gia đình và trong công tác.
Hội đã chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, nâng cao nhận thức về Luật Bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; trong thực hiện nội dung “quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” và thực hiện Cuộc vận động “5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam phát động.
Đáng chú ý là, Hội phụ nữ Nhà máy Z153 luôn tổ chức tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo thông qua việc xây và sử dụng quỹ “Vì phụ nữ nghèo”, “Quỹ tiết kiệm của Hội phụ nữ cơ sở” theo hình thức “hùn vốn không lời”. Trung bình hằng năm, có 8 đến 10 phụ nữ được vay từ 20 triệu đồng trở lên để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Từ nguồn vốn này, nhiều chị em đã sản xuất, kinh doanh có lãi, tăng thu nhập cho gia đình từ 1 đến 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Hội phụ nữ cũng rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe hội viên, thông qua tư vấn sức khỏe, sinh sản và tổ chức khám định kỳ chuyên khoa ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ngoài ra, Hội phụ nữ của Nhà máy còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu với phụ nữ các đơn vị bạn và chính quyền địa phương, giúp chị em tiếp cận với nhiều nguồn thông tin bổ ích ngoài xã hội, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Tính từ năm 2010 đến nay, Hội đã tổ chức được 17 buổi giao lưu văn hóa, thể thao với phụ nữ các đơn vị và địa phương trên địa bàn đóng quân.
Có lẽ, chính những quan tâm và cách tổ chức tươi mới, gắn chặt quyền lợi của phụ nữ với nhiệm vụ của đơn vị, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo của chị em nên Hội phụ nữ cơ sở của Nhà máy Z153 đã trở thành chỗ dựa tin cậy và là “tổ ấm” thực sự của các hội viên.
Không chỉ tổ chức nhiều hoạt động hữu hiệu, bổ ích, đẩy mạnh hoạt động phong trào thi đua “Phụ nữ TCKT tích cực học tập, lao động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các hội viên phụ nữ Nhà máy Z153 còn có nhiều thành tích trong các lĩnh vực công tác.
Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy Nhà máy Z153 là người cương nghị và khá kiệm lời khen, cho biết: Trong nhiều năm gần đây, hàm lượng chất xám mà chị em phụ nữ đóng góp cho nhà máy là rất lớn. Điển hình là việc phụ nữ đã tích cực tham gia vào các “tổ khoa học trẻ” ở tất cả các phòng, ban, phân xưởng, tạo ra phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sôi nổi.
Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ra đời đã góp phần khai thác hiệu quả các trang thiết bị, máy móc, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác và thu nhập cho người lao động. Chỉ tính trong 2 năm 2014 và 2015, nhà máy đã có 183 sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị đạt hiệu quả thiết thực.
Trong đó có 4 công trình, sáng kiến đoạt giải cấp Tổng cục Kỹ thuật; 2 công trình, sáng kiến đoạt giải nhì, ba cấp toàn quân là: Nghiên cứu, chế tạo xi-lanh dẫn động van ngăn nước động cơ xe PT-76 và nghiên cứu, chế tạo vòng găng chắn dầu ly hợp chuyển hướng xe BMP-1.
Đến nay, nhà máy đã sản xuất, phục hồi được khoảng 30% VTKT thay thế trên xe. Nhiều loại có hàm lượng khoa học kỹ thuật công nghệ cao như: Mắt xích xe tăng T54, trục xoắn, hộp số xe tăng, các chi tiết kẹp chặt… đồng thời phục hồi được nhiều chi tiết cũ theo nguyên bản của xe như trục cân bằng, bánh tỳ, trục xoắn…
Tiêu biểu trong hoạt động này là Trung tá Lê Thị Hải công tác ở Phòng Công nghệ thông tin (CNTT). Chị Hải là tác giả của phần mềm: Quản lý catalogue cụm và chi tiết xe tăng T54 và hỗ trợ điều hành công tác kỹ thuật cho sản xuất, sửa chữa và lưu trữ dữ liệu và rất nhiều sáng kiến, sáng chế khác trong ứng dụng CNTT vào quản lý và sản xuất ở nhà máy.
Bên cạnh đó còn có một số chị em nổi bật trong công tác, điển hình là chị Tô Hương Trà, đạt giải Nhất nghề tiện trong Hội thi thợ giỏi toàn quân.
Chia tay “tổ ấm” của những nữ công nhân ở đây, ấn tượng đọng lại trong tôi chính là hình ảnh về khí thế, tác phong và kỷ luật làm việc tại các xưởng, phân xưởng và các phòng, ban của Nhà máy Z153.