Có 2 quan niệm khá lâu đời về người Nhật. Đầu tiên, phụ nữ Nhật Bản là những người xinh đẹp và duyên dáng một cách đặc biệt. Và 2 là chế độ ăn, luôn được xem là lành mạnh bậc nhất thế giới.
Tuy nhiên, quan niệm này dường như không được áp dụng với phụ nữ Nhật Bản hàng ngàn năm trước kia. Theo như một nghiên cứu mới đây trên bộ xương từ 3800 năm trước, các chuyên gia phát hiện ra rằng bộ xương thuộc về một người phụ nữ với chế độ ăn toàn mỡ, uống rượu như nước lã, và đặc biệt là... bị hôi nách.
Bộ hài cốt thuộc về một bộ tộc có tên Jomon đã biến mất trong lịch sử từ lâu. Kết quả này do các chuyên gia từ Bảo tàng Khoa học Tự nhiên quốc gia Tokyo tìm ra, sau khi thực hiện một số phân tích gene trên bộ xương có tên "Jomon woman".
Jomon woman - tạo hình của người phụ nữ Nhật 3800 năm trước
Jomon woman được tìm thấy tại đảo Rebun thuộc Hokkaido vào năm 1998, và cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn giữ cho mình nhiều bí ẩn chưa được khoa học giải mã. Theo khám nghiệm, bộ xương có niên đại khoảng 3,550 – 3,960 năm, trong thời kỳ Jomon.
Năm 2018, nhà khảo cổ học Hideaki Kanzawa từ Bảo tàng Khoa học Tự nhiên quốc gia Tokyo đã thực hiện xét nghiệm mẫu ADN tách ra từ răng của bộ xương này, từ đó đưa ra phỏng đoán bộ xương thuộc về một người phụ nữ đã già, có mái tóc tối màu, mắt nâu và da lốm đốm tàn nhang.
Và nay, nghiên cứu mới đã hệ lộ nhiều bí mật về bộ gene của bà. Theo đó thì không giống như người Nhật hiện đại, "Jomon woman" có gene kháng cồn khá cao, nghĩa là bà có thể uống rất nhiều rượu mà không sao.
Đáng chú ý là người này có ráy tai ướt. Dành cho những ai chưa biết, 95% người Đông Á - đặc biệt là người Nhật Bản đều có ráy tai khô, và điều này do gene quy định. Các nhà khoa học cho biết gene này giúp cơ thể người Nhật giảm được mùi, nên ở cạnh họ rất dễ chịu.
Hay nói cách khác, việc có ráy tai ướt sẽ khiến cơ thể bạn có mùi nặng hơn. Và với điều kiện vệ sinh từ 3800 năm trước, có thể kết luận nhiều khả năng người phụ nữ này cũng bị hôi nách.
Bên cạnh đó, còn có những gene giúp bà tiêu thụ được các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao. Những gene này xuất hiện ở 70% dân số vùng cực hiện nay, nhưng trên thế giới gần như đã biến mất hoàn toàn. Theo Kanzawa, đây có thể xem là bằng chứng cho thấy người Jomon xưa thường xuyên đánh cá, săn tìm những loài vật có hàm lượng chất béo cao,
"Người Jomon ở Hokkaido không chỉ săn hươu nai và heo rừng, mà còn đánh bắt những loài thủy sinh có nhiều chất béo như hải cẩu, hải sư, cá heo, cá ngừ và cá hồi." - Kanzawa cho biết.
Cũng theo Kanzawa, dù "Jomon woman" khác với phần đông người Nhật ngày nay thì mối liên quan giữa họ là khá gần gũi. Họ cũng có quan hệ gần với các tộc người phía Đông nước Nga, người Hàn Quốc, Philippine, và những người sống tại Đài Loan (Trung Quốc).
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Anthropological Science.
Tham khảo: Daily Mail, Science, Science Alert