Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), khi giới chức Trung Quốc đưa ra quyết định, ngay lập tức lệnh phong tỏa có hiệu lực. Trong một nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra, toàn bộ các thành phố, trong đó có Vũ Hán – tâm dịch được cho là nơi bùng phát COVID-19 – đã bị phong tỏa từ cuối tháng 1. Gần 60 triệu người đã buộc phải ở yên trong thành phố mình ở, trường học và các đơn vị làm việc toàn quốc gần như đóng cửa.
Nỗ lực đó dường như đã cho thấy mức độ hiệu quả khi tuần trước, Trung Quốc báo cáo mỗi ngày chỉ có chưa đầy 200 ca nhiễm bệnh mới, giảm đáng kể so với con số hơn 3.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tháng trước.
Trong bối cảnh COVID-19 đã được phát hiện trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với các ca nhiễm mới tăng nhanh bên ngoài Trung Quốc, chính phủ các nước đang nỗ lực tìm kiếm biện pháp tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh.
Những quốc gia khác có thể học được gì từ mô hình Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc là quốc gia phải xử lý tình trạng bùng phát quy mô lớn nhất và dường như đã kiểm soát được, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.
“Phương thức cứng rắn của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của mầm bệnh này đã thay đổi quá trình dịch bệnh leo thang và gây tử vong. Đây là những biện pháp duy nhất hiện chứng minh tính hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan ở người”, WHO viết trong một báo cáo khi làm nhiệm vụ tại Trung Quốc vào tháng trước.
Tuy nhiên, WHO cũng nhấn mạnh rằng không có một lời giải chung nào cho tất cả các quốc gia áp dụng. “Tại Vũ Hán, ‘hàng rào vệ sinh’ ngăn chặn sự lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh ra toàn quốc. Chính vì vậy, các khu vực khác có thể hỗ trợ - như điều động bác sĩ và gửi nhu yếu phẩm đến thành phố bị phong tỏa. Đây là một kinh nghiệm chúng ta có thể học hỏi được khi dịch bệnh lây lan ra rộng”, ông Antoine Flahault - Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Geneva – nhận định.
Binh sĩ Italy gác tại một chốt kiểm soát ở Lombardy. Ảnh: THX/TTXVN
Một phiên bản của phương pháp này ngày 8/3 vừa qua đã được áp dụng ở Italy, chủ yếu là khu vực miền Bắc, trong đó có thành phố Milan và Venice. Lệnh phong tỏa đã ảnh hưởng tới khoảng 16 triệu người, tương đương 1/4 dân số tại quốc gia hiện có khoảng 4.600 trường hợp được xác nhận mắc COVID-19.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết sẽ có “một số trường hợp ngoại lệ” đối với việc di chuyển liên quan đến công việc, trường hợp khẩn cấp hoặc lý do sức khỏe.
Trong khi đó, hai quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề khác – Iran và Hàn Quốc - đã không thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như vậy.
Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố lập “ba khu chăm sóc đặc biệt” cho các khu vực bùng phát COVID, cam kết hỗ trợ nguồn cung và cảnh báo người dân đi du lịch tới đó. Đất nước với tổng số hơn 7.000 ca nhiễm COVID-19 này chủ yếu dựa vào một chương trình kiểm tra nghiêm ngặt để kiểm soát sự lây lan.
Tại Iran, chính phủ đã áp đặt một số hạn chế đối với việc đi lại giữa các thành phố lớn, các trường học đóng cửa và kêu gọi người Iran tránh những tụ điểm công cộng.
Theo ông Adam Kamradt-Scott – Phó Giáo sư Đại học Sydney chuyên về an ninh y tế toàn cầu, mỗi chính phủ nên làm hết sức để ngăn chặn sự lây lan, nhưng “cũng rất quan trọng khi đảm bảo các biện pháp đó phù hợp với bản chất bùng phát dịch tại quốc gia mình. Các quốc gia khác có thể học theo mô hình của Trung Quốc, nhưng mối lo ngại chính từ các phản ứng liên quan đến biện pháp này là tác động đối với nhân quyền, và có một sự khác biệt lớn trong phương thức các nước tiếp cận vấn đề”.
“Mục tiêu lớn nhất là dập tắt bệnh dịch. Những điểm then chốt là mỗi quốc gia lại có quan điểm xử lý khác nhau”, Hannah Clapham – Phó Giáo sư Đại học Singapore Saw Swee Hock – cho rằng lệnh phong tỏa chỉ thực sự hiệu quả khi có vùng tâm dịch rõ ràng.
Ông chỉ ra những biện pháp như không tập trung nơi công cộng, làm việc tại nhà, thay đổi giờ lưu thông bằng phương tiện công cộng, hoãn các sự kiện đông người có thể giúp hạn chế dịch bệnh đạt đỉnh lây lan.
“Những biện pháp này có thể giúp các quốc gia có thời gian chuẩn bị cho những ca nhiễm bệnh mới. Tốt hơn nên giãn khoảng thời gian cho hàng trăm người tới bệnh viện kiểm tra thay vì phong tỏa hàng nghìn người. Sóng như sóng thần thì không thể ngăn cản được”, ông Clapham giải thích.
“Nếu lệnh phong tỏa có hiệu lực, vấn đề khác sẽ nảy sinh”, Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại chỉ ra bằng chứng nhiều bệnh nhân bị nhiễm bệnh không được điều trị kịp thời, không thể nhập viện và điều đó đã góp phần vào sự lây lan nhanh chóng của virus và tỷ lệ tử vong cao hơn, đặc biệt tại tỉnh Hồ Bắc.
“Phần lớn kinh nghiệm từ Trung Quốc không thể diễn ra ở các quốc gia khác, do quy mô bùng phát và năng lực của chính phủ trong việc huy động xã hội để giải quyết một thách thức chung. Bạn sẽ phải đối mặt với các thách thức về pháp lý tại một quốc gia như Mỹ, trong trường hợp muốn phong tỏa cả thành phố”, chuyên gia Yanzhong kết luận.