Phòng không Nga bẻ gãy đòn không kích ồ ạt như thế nào?

QS |

Các phương tiện phòng không hiệu quả luôn là một trong những mặt mạnh nhất của Lực lượng Vũ trang Liên Xô/Nga, và là sản phẩm đáng tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng nước Nga.

Theo hãng tin Sputnik, điều này được thể hiện rõ ngay từ giữa những năm 1960, khi hệ thống tên lửa phòng không S-75 Xô Viết che chắn bảo vệ bầu trời miền Bắc Việt Nam.

Khi ấy, "đòn tấn công tên lửa từ mặt đất" đã là điều bất ngờ rất khó chịu đối với các phi công Mỹ. Ngày nay, các hệ thống phòng không của Nga đã hoàn thiện hơn nhiều, còn các chuyên viên phân tích từ NATO thừa nhận rằng ngay khi có nỗ lực đầu tiên hòng chọc thủng hệ thống này, không quân của khối Liên minh chắc chắn sẽ hứng chịu tổn thất nghiêm trọng.

Những cuộc tập trận nghiêm ngặt

Theo thông lệ, những cuộc tập trận của các đơn vị tên lửa phòng không Nga thường diễn ra trong 2 giai đoạn. Ở bước một là công tác chuẩn bị, tiến hành các đợt bắn huấn luyện chiến đấu, tấn công các mục tiêu trên không hiện thực bằng tên lửa điện tử mô phỏng.

Đảm nhận vai trò "kẻ tấn công" là các phi công Nga cũng đang rèn luyện vận hành thử chọc thủng hoặc vượt qua lưới phòng không của đối phương.

Các chiến đấu cơ và máy bay ném bom ráo riết vận động ở độ cao cực thấp, tiếp cận để tiêu diệt mục tiêu được các đơn vị tên lửa chống máy bay che chắn. Các pháo thủ cố gắng không để phi cơ đối phương thoát ra khỏi phạm vi tấn công.

"Trong thời gian huấn luyện-chiến đấu, luôn kiểm tra kỹ năng bắn tên lửa. Ở giai đoạn này rất dễ "thất bại" - bị bỏ lỡ, trượt mục tiêu hoặc bắn nhưng không khai thác đầy đủ sức mạnh. Mà mọi động tác đều được ghi lại: có bản ghi âm thông tin lời nói, khẩu lệnh, tính toán hành động…

Ban chỉ huy đặt ra cho các pháo thủ những nhiệm vụ phức tạp, mô phỏng hoạt động gây nhiễu điện tử và v.v… Làm như vậy để không một chiến sĩ hay động tác nào bị sai lạc sơ suất trong trận đánh thực thụ" - chuyên gia-cựu chiến binh của lực lượng phòng không - Đại tá quân dự bị Mikhail Khodarenok nói với Sputnik.

Giai đoạn thứ hai của tập trận là bắn tên lửa chiến đấu. Để tạo mục tiêu bay, ở đây sử dụng bia di động với bộ điều khiển từ xa. Radar phát hiện: tiến hành nhận biết và kèm sát mục tiêu, tính toán quỹ đạo bay và phát lệnh cho đơn vị trực chiến để thực hiện cuộc phóng.

Tên lửa bay tới mục tiêu, còn các pháo thủ chống máy bay tiếp tục "rọi sáng" bầu trời để tìm kiếm đối tượng nguy cơ mới. Mức giá trả ra cho lỗi sai ở đây cao hơn nhiều so với ở giai đoạn đầu: không ai khen ngợi việc phóng đi một tên lửa đắt giá mà vô dụng.

Còn trong trận đánh thực, những phát bắn trượt có thể là thảm họa đối với toàn bộ nhóm quân nếu đối phương thành công trong việc tiêu diệt vị trí quan trọng như chỉ huy sở hoặc trận địa pháo của ta chẳng hạn.

Sự phối hợp ăn khớp của các lực lượng

Những ưu thế của các quốc gia NATO trong hàng không chiến thuật luôn được tính đến khi sáng chế hệ thống phòng không mới nhất.

Không ngẫu nhiên mà các nhà thiết kế hệ thống S-300 và S-400 đã thiên về nhấn mạnh gia tăng số lượng các mục tiêu kèm đồng thời và thủ pháp bắn cùng lúc, cũng như hiệu quả của việc đánh bại mục tiêu bay thấp và khó nhận biết.

Nhiệm vụ chính của hệ thống tên lửa phòng không tầm xa là phối hợp với không quân "của ta" và các hệ thống phòng không có bán kính hoạt động nhỏ hơn để duy trì thế thượng phong trên bầu trời.

Tổ chức bắn thử nghiệm hệ thống S400 "Triumph" SAM tại thao trường Kapustin Yar, Nga

Một điển hình về hệ thống phòng không phức tạp như vậy trên quy mô thu nhỏ là căn cứ không quân Hmeimim ở Syria. Vòng tiếp cận ngoài xa đối với căn cứ được bảo vệ bởi các tổ hợp S-400 "Triumph".

Thê đội thứ hai là tổ hợp trên biển S-300 "Fort", đặt trên các tuần dương hạm tên lửa "Matxcơva" và "Varyag", luân phiên làm nhiệm vụ ở Đông Địa Trung Hải, cũng như các hệ thống phòng không "Buk-M2E" của Syria.

Phòng tuyến thứ ba là các hệ thống S-125 của Syria. Và cuối cùng, vòng thứ tư, là tổ hợp pháo-tên lửa phòng không "Pantsir-S1" của Nga, che chắn cả sân bay và trận địa S-400. Cộng thêm luôn có các tiêm kích Su-30SM và Su-35 sẵn sàng xuất kích. Tất cả hành động nhịp nhàng và ăn khớp mau lẹ như một tổng thể duy nhất.

Tổ hợp S300 bắn tên lửa trên thao trường ở Buryatia (Nga), khai hỏa vào các phương tiện bay của đối phương, được mô phỏng bằng các mục tiêu giả lập kích thước nhỏ.

"Tại các chủ thể như vậy có mấy dàn radar liên tục luân phiên theo dõi và phân tích bối cảnh trên không. Nếu có điều gì đó đáng ngờ trên bầu trời, "nội ứng" sẽ báo cáo về chỉ huy sở.

Các pháo thủ chuyển sang trạng thái "sẵn sàng cấp 1" còn tất cả các phương tiện phòng không đều được đưa vào vị trí — từ S-400 cho đến các chiến sĩ với tổ hợp tên lửa phòng không vác vai" - chuyên gia Mikhail Khodarenok cho biết.

Khi có tấn công, các trận địa hệ thống tên lửa phòng không sẵn sàng khai hỏa lập tức chỉ vài phút sau tín hiệu báo động.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng trong bối cảnh cuộc không kích ồ ạt thì không một hệ thống phòng không nào đủ khả năng tiêu diệt toàn bộ các mục tiêu.

Nhiệm vụ chính của nó là bảo vệ các chủ thể ấn định và ngăn chặn đòn đánh vào đây. Thông thường, chỉ cần bắn cháy một vài máy bay và buộc những chiếc khác tháo chạy.

Nhưng với tên lửa hành trình của đối phương thì phải bắn hạ toàn bộ.

Xin nhắc lại, cho tới hôm nay phương tiện phòng không hiện đại nhất của Nga là tổ hợp S-400 "Triumph".

Khả năng của nó đủ để chiến đấu chống lại bất kỳ mục tiêu khí động học ở tầm xa lên đến 400 km và ở độ cao đến 30 km.

Và đến năm 2020, đội ngũ trực chiến sẽ được bổ sung hệ thống mới là S-500 "Prometei", có khả năng bắn hạ cả tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc vệ tinh đang bay trong quỹ đạo thấp. Cùng với thời gian, "Prometei" sẽ trở thành cơ sở của tổ hợp phòng không Nga tầm xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại