Trước băn khoăn của người tiêu dùng là làm thế nào để mua được hải sản an toàn, ông Oai cho rằng, hiện Bộ NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ.
Cũng theo ông Oai, hải sản sống ở tầng nổi có tập tính di cư từ vùng biển này sang vùng biển khác, từ ngoài biển xa vào bờ, không bị ảnh hưởng của một số vùng đáy biển chưa an toàn trong vùng biển 15 hải lý trở vào.
Đối với hải sản sống ở tầng đáy có tập tính ít di cư, sống chủ yếu ở vùng đáy biển nên chịu tác động trực tiếp của một số vùng đáy biển chưa an toàn trong vùng biển từ 15 hải lý trở vào.
Vì thế, với các nghề khai thác hải sản tầng nổi, bà con ngư dân đánh bắt bình thường trên các vùng biển.
"Riêng với tàu nhỏ khai thác ven bờ đang sử dụng các nghề đánh bắt ở tầng đáy sẽ chuyển đổi sang các nghề khai thác tầng nổi"- ông Oai nói.
Liên quan đến việc xác nhận hải sản đánh bắt có an toàn hay không, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho rằng, việc xác nhận hải sản khai thác an toàn chỉ thực hiện khi Bộ TN&MT chưa công bố chất lượng môi trường biển, nhưng đến nay môi trường nước biển đã được công bố an toàn.
Mặt khác, hiện Bộ Y tế đã công bố chất lượng cá nổi an toàn, Bộ NN&PTNT cũng đã có hướng dẫn khai thác hải sản từng khu vực, do vậy, cơ quan chức năng không thực hiện việc cấp giấy xác nhận hải sản khai thác an toàn nữa.
Ngoài ra, liên quan đến việc tính đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho người dân 4 tỉnh bị thiệt hại Formosa xả thải, ông Oai cho biết: Chiều 22/9, Bộ Tài chính sẽ họp với Bộ NN&PTNT và một số cơ quan khác xác định mức bồi thường, hỗ trợ từng đối tượng.
Sau đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.