Phô diễn sức mạnh hải quân ở biển Baltic: Nga - Trung sắp lập liên minh quân sự?

Minh Thu |

Cuộc tập trận chung trên biển Baltic của hải quân Nga - Trung cho thấy, quan hệ chiến lược ngày càng mở rộng của hai nước và trở thành thách thức đối với vị thế số 1 thế giới của Mỹ. Nhưng Moscow - Bắc Kinh lập quan hệ đồng minh lại là chuyện khác.

Theo tờ National Interest, cuộc diễn tập chung của lực lượng hải quân Nga - Trung trên biển Baltic đã chứng minh mối quan hệ chiến lược ngày càng được mở rộng giữa hai nước. 

Cụ thể, đối với hải quân Trung Quốc, cuộc tập trận "Hợp tác Hàng hải 2017" là cơ hội để khẳng định vị thế năng lực quân sự trên thế giới cũng như thể hiện sự ủng hộ đối với đối tác chiến lược là Nga. Còn đối với Moscow, cuộc tập trận chung hải quân với Trung Quốc giúp Nga truyền đi thông điệp Moscow vẫn có bạn bè dù bị phương Tây cô lập.

Chia sẻ với hãng tin TASS, ông Roman Martov, một quan chức thuộc Hạm đội Baltic của Nga cho hay: "Giai đoạn đầu của cuộc tập trận hải quân Nga - Trung mang tên 'Hợp tác Hàng hải 2017' diễn ra từ ngày 21 – 28/7. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử mối quan hệ giữa hai nước, các tàu chiến của Trung Quốc tới thăm Baltiysk".

Phô diễn sức mạnh hải quân ở biển Baltic: Nga - Trung sắp lập liên minh quân sự? - Ảnh 1.

Hải quân Nga - Trung cùng diễn tập

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia Nga và Mỹ, cuộc tập trận chung hải quân giữa Nga - Trung chỉ thể hiện mối quan hệ đối tác thân thiết giữa hai nước nhưng chưa thể đạt tới mức thiết lập quan hệ đồng minh quân sự chính thức.

Theo đó, Trung Quốc đã điều động 3 tàu chiến tới biển Baltic là tàu khu trục Type 052D Hefei, tàu hộ vệ Type 054A Yuncheng và tàu cung ứng Type 903A Luoma Lake. 

Trong khi đó, hải quân Nga đã triển khai các tàu hộ tống hiện đại Project 20380 lớp Steregushchy và Boiky. Ngoài ra, Nga còn điều động các trực thăng chống ngầm (ASW) Kamov Ka-27 Helix và máy bay ném bom Sukhoi Su-24 Fencer tới tham gia tập trận chung với hải quân Trung Quốc.

"Một liên minh đúng nghĩa cần đưa ra những cam kết bằng văn bản trong việc hỗ trợ quân sự lẫn nhau. Nhưng chúng tôi cho rằng thỏa thuận này giữa Nga - Trung sẽ chưa thể được ký kết trong tương lai gần. 

Tuy nhiên mức độ hợp tác quốc phòng và chính trị hiện tại cũng là một phần trong mối quan hệ liên minh", ông Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Kinh tế Moscow chia sẻ với National Interest.

Cựu Đô đốc Mike McDevitt, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ cũng cho rằng, việc Bắc Kinh và Moscow xích lại gần nhau như hiện tại không đồng nghĩa với việc hai nước sẽ thiết lập mối quan hệ liên minh chiến lược mới.

"Hai nước đang ngày càng thân thiết. Nhưng tôi cho rằng, họ sẽ chưa tiến tới quan hệ đồng minh chính thức. Bởi cả hai quốc gia đều chưa chuẩn bị cho mối quan hệ vượt ngoài mức đối tác chiến lược", ông McDevitt chia sẻ.

Còn theo National Interest, quan điểm của Nga là khi Mỹ và phương Tây can thiệp vào việc lập đổ chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như hạn chế Moscow mở rộng tầm ảnh hưởng, sẽ chỉ đẩy Kremlin và Bắc Kinh tiến tới hợp tác quy mô lớn hơn.

"Tiến trình quan hệ Nga - Trung chịu tác động từ việc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một tăng ở Thái Bình Dương và với Nga ở châu Âu. Tiến trình này cũng đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài và tăng tốc dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Nếu như không chịu áp lực từ phía Mỹ, Nga - Trung vẫn sẽ chỉ duy trì mối quan hệ ở mức thân thiết chứ không thân thiết hơn", ông Kashin nhận định.

Đây chính là lý do cựu Đô đốc McDevitt cho hay, trong các cuộc diễn tập phòng không và ASW, quân đội Nga và Trung Quốc không quá chú trọng tới việc tạo ra các tình huống cùng phối hợp để đảm bảo an toàn cho hai bên cũng như tránh để lộ năng lực và thông tin hoạt động mỗi bên. 

Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ cũng đã tác động không nhỏ tới cuộc diễn tập của quân đội Nga - Trung.

Bên cạnh việc thể hiện năng lực quân sự, cuộc tập trận hải quân lần này giữa Nga - Trung còn ngầm truyền đi thông điệp địa chính trị tới phương Tây.

Trong đó, thông điệp mà Moscow và Bắc Kinh muốn truyền tải tới các nước phương Tây mà cụ thể là Mỹ là thời kỳ thống trị của hải quân phương Tây sắp kết thúc. 

Song câu hỏi đặt ra là quan hệ đối tác giữa hai cường quốc Âu - Á này sẽ duy trì được bao lâu. Bởi trong hàng thập niên, quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đã vướng phải không vấn đề. Thậm chí trong thời kỳ Liên Xô cũ, căng thẳng còn gần như bị đẩy lên thành một cuộc chiến công khai giữa hai bên.

Phô diễn sức mạnh hải quân ở biển Baltic: Nga - Trung sắp lập liên minh quân sự? - Ảnh 2.

Chính sách đối ngoại của Mỹ đã "vô tình" đẩy Nga - Trung xích lại gần nhau

Điển hình, việc Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung với Nga trên biển Baltic là điều đáng quan tâm bởi Bắc Kinh đã không còn là quốc gia không thể tiến hành diễn tập chung với các nước khác. Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn thể hiện sự ủng hộ đối với Nga cũng như quyền bảo vệ chủ quyền và các vùng biển nằm gần lãnh thổ quốc gia. 

Nói cách khác, Trung Quốc muốn thể hiện vị thế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo ông Oliker, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ tham gia vào bất cứ cuộc phiêu lưu nào của Nga ở châu Âu.

Ông Olga Oliker, Giám đốc chương trình Nga và Âu - Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế nhận định, thông qua cuộc tập trận, Moscow và Bắc Kinh còn muốn truyền tải những tín hiệu của riêng mình.

Còn hiện tại, điều quan trọng nhất với Mỹ là việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn sẽ trở thành thách thức đối với vị thế bá chủ toàn cầu của Washington. 

Trong quá khứ, Mỹ đã tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của quyền lãnh đạo khu vực hoặc liên minh thống trị vùng đất Á - Âu rộng lớn. Nhưng không may là chính sách đối ngoại mà Mỹ thi hành trong 25 năm qua đã "vô tình" để Nga - Trung mở rộng hợp tác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại