Ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Doanh nhân APEC - CEO Summit đã bàn thảo về hai vấn đề chính là tương lai của toàn cầu hóa và tương lai của việc làm.
Đây đều là những thách thức mà các chính phủ và doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh toàn cầu hóa là xu thế tất yếu: làm sao bảo đảm và tạo ra việc làm khi tự động hóa sẽ ngày càng thay thế sức người và công nghệ đang làm thay đổi môi trường làm việc và tính chất công việc, làm sao đào tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ và khả năng để thích ứng với nền kinh tế hội nhập sâu, làm sao để các nền kinh tế có thể cạnh tranh và đứng vững.
Tất cả những nội dung rất vĩ mô như thế đã được bàn thảo một cách cụ thể dưới lăng kính của các chuyên gia và doanh nhân hàng đầu khu vực và thế giới trong từng lĩnh vực.
Có thể dễ nhận thấy điểm gần gũi giữa các nội dung tại CEO Summit APEC 2017 (như tự do thương mại, cạnh tranh công bằng, đảm bảo việc làm, chuẩn bị nguồn nhân lực...) với những mối quan tâm lớn của các chính phủ và doanh nghiệp khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, một thỏa thuận hướng tới tự do thương mại, thị trường mở và cạnh tranh công bằng.
Giữa lịch trình dày đặc và bận rộn của chương trình nghị sự chính trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các trưởng đoàn, các bộ trưởng thành viên TPP trong APEC và nhân sự liên quan vẫn tìm được thời gian để thực hiện những cuộc đàm phán đa phương và gặp mặt song phương liên quan tới TPP.
Trong thời gian một tuần lễ APEC sôi động, những cuộc gặp gỡ và đàm phán TPP của 11 thành viên tuy diễn ra âm thầm hơn nhưng độ "nóng" thì không hề giảm so với các cuộc đàm phán đã diễn ra trước đó.
11 thành viên TPP, đồng thời cũng là thành viên APEC đang phải đối mặt một nhiệm vụ khó khăn là phải hoàn tất một khung thỏa thuận mới với thời hạn tháng 11/2017 như đã đề ra.
Và tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra đúng vào tháng 11, tất cả các lãnh đạo nền kinh tế TPP cùng lúc có mặt tại Đà Nẵng, thế nên người ta có cơ sở đề mong chờ những tín hiệu tích cực về TPP-11.
Trong lúc chờ đợi số phận của TPP-11 sẽ được quyết định trong tháng 11/2017 này, Trí Thức Trẻ đã ghi nhận một số ý kiến về TPP của các đại biểu đang tham dự CEO Summit trong khuôn khổ APEC 2017.
"Theo tôi, việc Mỹ rút khỏi TPP là một sai lầm rất lớn. Thật đáng tiếc là ở Mỹ những lợi ích của TPP đã không được làm rõ cho công chúng...
Nhiều người dân Mỹ không thật sự hiểu TPP là gì hay TPP có lợi ích gì cho Mỹ. Theo tôi, trong vòng 3 năm nữa thì khó có thể có gì thay đổi trong chính sách hiện tại của Mỹ đối với TPP, nhưng sau đó thì cũng chưa ai biết được điều gì sẽ xảy ra. Có thể trong quá trình đàm phán, đối thoại, công chúng và các lãnh đạo Mỹ sẽ nhận ra tại sao TPP rất quan trọng đối với Mỹ. Hiện tại, tôi biết tất cả các lãnh đạo của TPP-11 đang cố gắng để hiện thực hóa mong muốn tiến tới một thỏa thuận, đó không phải là điều dễ dàng nhưng tôi nghĩ rằng ngày đó sẽ đến".
"Tôi nghĩ rằng TPP đủ lớn và đủ lợi ích, đáng để cho 11 thành viên còn lại hợp tác đi tiếp. Việc tiếp tục với TPP là điều quan trọng. Tôi nghe nói các đoàn đàm phán TPP đang tăng tốc ở đây và tôi hy vọng vào một thỏa thuận TPP-11 sẽ đạt được".
"Là một doanh nghiệp thì chúng tôi rất muốn TPP đạt được thỏa thuận thành công. Nó là một cơ hội rất lớn, một sân chơi cần thiết cho các doanh nghiệp. Tôi cho rằng với 11 thành viên thì TPP vẫn có thể tạo được một sân chơi như vậy".
"Còn nhiều điểm các bên cần đàm phán để có thể tiến tới một thỏa thuận khung cho TPP-11, nhưng nhìn chung tôi thấy tất cả đều muốn TPP sẽ đi tiếp. Đó là cơ sở để tôi lạc quan. Chủ nghĩa bảo hộ hay chủ nghĩa dân túy chỉ là ‘triệu chứng’ thể hiện những mặt chưa ổn trong xã hội và nền kinh tế của thế giới, chúng cần được nghiên cứu và giải quyết. Toàn cầu hóa là điều tất yếu".
"Tôi được hỏi nhiều về TPP trong mấy ngày qua, tôi cho rằng TPP-11 là phương án tốt, dù không phải tốt nhất. Dù thế nào thì các thành viên vẫn có thời gian lựa chọn và tôi lạc quan là họ đã chọn sẽ đi tiếp, hy vọng sẽ có những kết quả khả quan sau các cuộc họp, nhưng về dài hạn thì TPP-11 có cơ hội".