Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội lý giải vì sao lương hưu chỉ tăng 15%

Luân Dũng |

Ông Đặng Thuần Phong cho biết, vấn đề này được các cụ hưu trí hỏi rất nhiều. Theo ông, ở các lần điều chỉnh trước đã áp dụng tăng lương hưu. Theo tính toán, trong lần này, nếu chỉ tăng lương hưu 11,5% đã ngang bằng với mức tăng lương cơ sở 30% cho cán bộ, công chức, viên chức.

Sáng 29/6, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Nội dung tăng lương từ 1/7/2024 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan báo chí. Tại cuộc họp báo, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội lý giải vì sao tăng lương cơ sở 30% cho cán bộ , công chức, mà chỉ tăng lương hưu 15%, cùng một số nội dung liên quan.

Ông Đặng Thuần Phong cho biết, vấn đề này được các cụ hưu trí hỏi ông rất nhiều. Theo ông, ở các lần điều chỉnh trước đã áp dụng tăng lương hưu. Theo tính toán, trong lần này, nếu chỉ tăng lương hưu 11,5% đã ngang bằng với mức tăng lương cơ sở 30% cho cán bộ, công chức , viên chức.

Tuy nhiên, do đời sống của người hưởng lương hưu, nên đã quyết định tăng lương ở mức 15% cho người về hưu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội lý giải vì sao lương hưu chỉ tăng 15%- Ảnh 1.

Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội. (Ảnh: Như Ý)

Khẳng định mức tăng lương hưu như vậy là hết sức nhân văn, theo ông Phong, chủ trương cải cách tiền lương toàn diện đã 3 lần lùi, thực hiện theo lộ trình với tinh thần làm thận trọng, chắc chắn, hiệu quả.

Theo ông Phong, thể chế Nghị quyết 27 của Trung ương , Ban Chỉ đạo Cải cách tiền lương đã họp nhiều lần. Hiện, 4 nội dung đã được thực hiện và 2 nội dung chưa thực hiện được.

Lý do được ông Phong nêu rõ là việc xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ, chưa có sự thống nhất tương đối với nhau giữa các bộ, ngành, địa phương dù là trong cùng một lĩnh vực. Hay đối với đơn vị sự nghiệp công lập, việc tự chủ chi thường xuyên rất thấp, nên không giải quyết được bài toán từ đơn vị sự nghiệp công lập, không biết tính nguồn nào để xử lý.

“Đáng lẽ việc xác định vị trí việc làm trên cơ sở tinh giảm biên chế, nhưng chúng ta chưa làm được, nên phải thận trọng, cân nhắc kỹ. Chắc chắn tới đây Chính phủ sẽ xem xét tổng thể, để có sự thống nhất, thực thi hiệu quả”, ông Phong cho hay.

Bên cạnh đó, đối với chế độ phụ cấp, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, vì phụ cấp trước 40% giờ rút xuống 30%. Nếu không xử lý đồng bộ việc này sẽ có nhiều người thiệt thòi, nhất là người công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, với người hưởng lương hưu trước và sau 1/7/2024 cũng có sự khác nhau, sẽ phát sinh bất cập, thiếu đồng bộ.

Đặc biệt, theo ông Phong, vấn đề lớn hơn là phải sửa hơn 20 văn bản khi bỏ lương cơ sở, nên Chính phủ chưa thể trình, xử lý được. Đồng thời, hiện nay cũng chưa có sự đồng bộ ở các lực lượng khi cải cách tiền lương, nên cần phải đánh giá rất kỹ, đặc biệt phải cân đối được nguồn lực.

Theo tính toán, phải cần tới 900 nghìn tỷ cho tăng lương trong thời gian tới, nhưng sau năm 2026, nguồn lực ra sao cho việc tăng lương cũng cần phải tính toán kỹ.

Sửa thuế thu nhập cá nhân là cần thiết

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về thời điểm sửa Luật thuế thu nhập cá nhân, bà Nguyễn Phương Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, cho hay, trong kế hoạch của UBTVQH đã đưa ra nhiệm vụ yêu cầu Chính phủ rà soát, sửa đổi chính sách pháp luật về thuế.

Tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội vừa qua, trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính có nêu vấn đề sửa đổi thuế thu nhập cá nhân liên quan tới xác định mức khởi điểm và giảm trừ gia cảnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận định, dư luận xã hội thấy đây là vấn đề cần triển khai. Tuy nhiên, để đưa vào chương trình điều chỉnh pháp luật của Quốc hội phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ.

Khi nào Bộ Tài chính chuẩn bị và tham mưu giúp Chính phủ, đưa hồ sơ vào chương trình xây dựng pháp luật thì UBTVQH sẽ xem xét và có thể đưa vào kỳ họp gần nhất có thể. “Việc này cấp thiết thật nhưng phải tuân theo thủ tục theo quy định”, bà Thủy nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại