Ông Lâu Minh Pó - Phó Bí thư huyện Mường Lát (Thanh Hóa) với cuộc "cách mạng" đưa người chết vào quan tài.
Không dám đi qua nghĩa địa
Nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa 250km về phía Tây là huyện biên giới Mường Lát, đây được xem là huyện khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa cũng như cả nước.
Trước đây người H’Mông (người Mông) ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn giữ hủ tục khi có người chết thì để treo trong nhà từ 5 đến 7 ngày sau mới làm đám tang và chôn cất.
Nhưng những năm gần đây, hủ tục này đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi này được người dân Mường Lát ví như cuộc "cách mạng" mà vai trò chính đảm nhiệm cuộc "cách mạng" này chính là ông Lâu Minh Pó - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình người Mông có 6 anh chị em ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, ông Lâu Minh Pó ngay từ nhỏ đã được tham dự nhiều đám tang với những hủ tục của dân tộc mình, ông mong muốn có một ngày sẽ thay đổi những hủ tục đó.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Pó kể về những đám tang và những lần đi qua nghĩa địa của người Mông là những lần khiếp sợ mỗi khi nhắc về nó.
Ông Pó cho biết: “Theo tục lệ của người Mông nơi đây thì mỗi khi trong nhà có người mất, bà con thường để lên cáng tre treo ở trong nhà từ 5-7 ngày sau đó mới làm đám tang và đưa đi chôn cất.
Mỗi khi trong thôn, bản có người chết, vì thời gian để trong nhà quá lâu, nên xác người chết bắt đầu phân hủy, bốc mùi rất nặng.
Hồi đó, chỉ cần trong bản có người chết là ai cũng biết vì mùi rất nặng, mùi này gây ô nhiễm. Mỗi khi có người chết là từ đầu bản đến cuối bản đều bị ô nhiễm bởi mùi người chết đang phân hủy nặng, nhất là vào những ngày hè trời nắng thì mùi còn nồng nặc hơn.
Tôi cũng là người không sợ, nhưng hồi đó hễ là nghĩa địa của người Mông là không bao giờ dám đi qua vì nó quá ô nhiễm”.
Đám tang của người Mông rất tốn kém khi phải làm thịt nhiều vật nuôi (Ảnh: Tư liệu)
Gồng mình trả nợ sau đám tang
Việc tổ chức đám tang kéo dài từ 5-7 ngày kéo theo nhiều hệ lụy như việc ăn uống, làm lễ tang của người Mông vô cùng tốn kém. Chính vì vậy, sau khi tổ chức xong đám tang có nhiều gia đình đã nợ hàng chục triệu đồng.
Theo phong tục của người Mông, mỗi khi trong nhà có bố hoặc mẹ chết thì mỗi người con trai trong gia đình phải làm thịt 1 con bò, 1 con lợn và rất nhiều con gà để làm ma mời anh em họ hàng, những người đến giúp việc, người đến viếng ăn uống.
Không chỉ vậy, người con trai phải sắm thêm một bộ quần áo mới cho người mất.
“Người Mông chúng tôi rất đoàn kết trong việc giúp đỡ lẫn nhau, nếu như nhà ai có người mất thì cả bản đến giúp, những bản khác trong xã khi nghe tin họ cũng đến viếng và người đến viếng thì đều được gia chủ mời lại ăn uống từ ngày này qua ngày khác nên cần phải làm nhiều bò, lợn, gà và mỗi đám tang ít nhất phải có 80 lít rượu.
Mỗi lần có đám là tốn rất nhiều tiền bạc, khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần và phải gồng mình lên để trả nợ những ngày sau đó”, ông Pó chia sẻ.
Đến cuộc "cách mạng" đưa người chết vào quan tài
Ông Pó nhớ lại, khi học xong ngành sư phạm, ông được phân công về dạy học ở Pù Nhi từ những năm 1995-1996, ngay lúc này ông đã có ý tưởng xóa bỏ hủ tục tang ma của người Mông bởi những hủ tục lạc hậu từ đời này sang đời khác.
Nhưng vì lúc đó chưa đủ sức thuyết phục đối với mọi người nên ông đã không thực hiện được.
"Tôi đi nhiều nơi và cũng từng tham dự nhiều đám tang của các dân tộc khác thấy họ đều thực hiện rất văn minh như đưa người chết vào quan tài và không để lâu trong nhà, nhờ đó nên thôn, bản của họ được giữ gìn được vệ sinh sạch sẽ.
Nhưng đến khi ông chú tôi là Lâu Chứ Dơ ở Pù Nhi mất vào tháng 3/2013. Lúc này bố tôi gọi điện thông báo cho tôi và tôi đã bảo với ông là sẽ thực hiện đám tang theo nếp sống mới đó là đưa chú vào quan tài.
Lúc ấy là cuộc đấu tranh tư tưởng khi 2 bố con tranh cãi nhau qua điện thoại rất lâu nhưng tôi quyết tâm bảo phải thực hiện theo cái mới” ông Pó kể lại.
Ông Pó nhớ lại, để thuyết phục được gia đình, dòng họ và những cụ cao niên là cả 1 vấn đề, mọi người lúc đó bảo làm thế là trái với đạo lý tổ tiên và phản đối gay gắt cũng như cho rằng nếu đưa vào quan tài thì kín quá người chết sẽ không lấy được thịt lợn, gà, bò mang đi.
“Đưa người chết vào quan tài là việc hết sức đơn giản nhưng đối với người Mông nơi đây thì việc này rất khó thực hiện nhưng tôi kiên quyết nếu ai không đồng ý thì không cho đến đám tang nên mới thực hiện được.
Để thực hiện được việc này, tôi phải nhờ đến chính quyền xã, cấp ủy Đảng, nhất là vận động các già làng, trưởng bản, đồng thời nhờ những người trẻ tuyên truyền cho bà con để họ hiểu và tin tưởng, ủng hộ”, ông Pó chia sẻ thêm.
“Khi đó việc vận động rất khó khăn ban đầu thì chỉ dòng họ Lâu chúng tôi thực hiện nhưng sau đó được các trưởng bản, Bí thư Chi bộ và chính quyền địa phương hết sức ủng hộ và tuyên truyền cho dân bản hiểu được cái mới để thực hiện nên nhiều dòng họ cam kết thực hiện”, ông Pó cho hay.
Người Mông với phong tục sống ở lưng chừng núi
Ở Mường Lát, người Mông sinh sống ở 41 bản, làng tại 6 xã và thường sinh sống ở lưng chừng núi, các triền sông, suối, đồi và ở sâu trong rừng.
Ở Pù Nhi, đến thời điểm hiện tại đã có 7 trên 8 dòng họ đã thực hiện theo cái mới là đưa người chết vào quan tài là họ Lâu, Hơ, Sung, Vàng, Thao…
Đến thời điểm hiện tại đã có gần 100 đám tang của người Mông được thực hiện theo quy định mới, thay vì để người chết treo trong nhà từ 5-7 ngày thì bây giờ, nhiều gia đình có người chết đã đưa thi thể vào quan tài và đám tang đã rút ngắn xuống còn 2-3 ngày, cũng như đã bỏ được 1 số hủ tục không cần thiết.