Bé thứ hai trong cặp song sinh của chị Siu Klơng bị cách ly cha mẹ gần một năm. Cháu từng bị gửi đến nơi khác nuôi dưỡng, để tránh hủ tục "sinh đôi là ma ám nên phải giết đứa em" của làng này.
Thiếu vòng tay nuôi dưỡng và chăm sóc của bố mẹ, nhưng cháu bé là trường hợp duy nhất còn sống từ một cặp sinh đôi tại thôn Dơ Bang, xã Ia Bang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, cho đến nay.
Vợ chồng Siu Klơng và hai đứa con sinh đôi suýt mất đi một vì hủ tục của làng.
Theo quan niệm của đồng bào Bahnar, J’rai ở thôn Dơ
Bang, người phụ nữ sinh đôi, sinh ba là một nỗi kinh hoàng. Họ cho rằng
các cháu sinh đôi là do trời phạt, nghĩa là bị ma ám mới sinh nở như
vậy, nếu còn sống thì sẽ làm khổ bố mẹ, dân làng… Do đó cháu bé ra đời
đầu tiên trong đôi sẽ được giữ lại, bé thứ hai phải bị bỏ đi.
Kết quả, nhiều đứa trẻ vừa mới sinh ra đã bị bỏ vào rừng hoặc bị chính ông, bà, cha đẻ của mình đem đi chôn sống ngoài rừng để con ma không biết cách quay về quấy phá.
Hủ tục đó đã khiến nhiều sinh linh vừa cất tiếng khóc chào đời đã đối diện với cái chết chỉ vì thấy mặt trời sau anh hay chị mình.
Bà Lê Thị Hải Yến, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông cho biết, từ ngày nhận công tác ở phòng đến nay bà nghe hàng chục trường hợp trẻ song sinh đẻ trong nhà hay nương rẫy đã bị giết đi một.
"Hủ tục này vốn đã tồn tại từ nhiều đời nay. Tôi cảm thấy dường như mình có tội với những đứa trẻ xấu số vì chính quyền và đoàn thể đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động song kết quả vẫn không được như mong muốn", bà Yến chia sẻ.
Theo Vnexpress.net