Bộ phim bị hoãn công chiếu có tên "Padmavati", một tác phẩm điện ảnh Bollywood lấy bối cảnh từ cuộc tình bi tráng của vị Hoàng hậu huyền thoại Rani Padmini thuộc Vương quốc Mewar thế kỷ 14.
Đoạn giới thiệu về bộ phim điện ảnh “Padmavati”.
Vốn là công chúa của Vương quốc Singhal, lại sở hữu nhan sắc tuyệt vời khiến bao kẻ say đắm nên nàng Padmini đã chinh phục được trái tim của vua Ratan Sen, thuộc Vương quốc Mewar hùng mạnh.
Bởi vậy, vị vua tài ba ấy quyết định trải qua cuộc hành trình đầy phiêu lưu để tới cầu hôn và đưa người con gái trong mộng về kinh đô Chittor một cách an toàn.
Nữ diễn viên Deepika Padukone bị đe dọa tàn bạo sau khi đảm nhận vai chính trong bộ phim điện ảnh "Padmavati".
Nhưng vì cũng đam mê sắc đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" của nàng Padmini, vua Sultan Alauddin Khalji của Vương quốc Hồi giáo Dehli liền dẫn quân đến tấn công Vương quốc Mewar và bao vây kinh đô Chittor.
Sau nhiều trận chiến mang đầy tính sử thi, vua Ratan Sen đã bị kẻ thù đánh bại, còn Hoàng hậu kiều diễm cũng tự thiêu để bảo vệ tiết hạnh ngay trước khi kinh đô Chittor trở thành bãi hoang tàn.
Cho tới tận bây giờ, câu chuyện tình bi tráng này vẫn có chỗ đứng khá vững chắc trong nền văn hóa Hindu giáo tại Ấn Độ.
Bộ phim "Padmavati" bị phản đối gay gắt
Trước thời điểm "Padmavati" được công chiếu, nhiều thành viên của Rajput Karni Sena - một tổ chức có liên quan tới tầng lớp chiến binh thuộc hoàng tộc Rajput, từng trị vì Vương quốc Mewar đã lên tiếng phản đối gay gắt tác phẩm điện ảnh này.
Họ cho rằng nội dung trong bộ phim dám xuyên tạc lịch sử khi miêu tả sâu sắc thứ tình cảm mà vị Hoàng hậu huyền thoại dành cho kẻ xâm lăng ngoại đạo, đồng thời còn để bà nhảy múa trong trang phục hở hang với phần bụng lộ hết ra bên ngoài.
Đạo diễn Sanjay Leela Bhansali.
Nhóm người trên đã kêu goi biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối sự ra mắt của bộ phim, bao gồm: Dán khẩu hiệu kích động, phá hoại các rạp chiếu bóng hay thậm chí đốt cháy tấm biển quảng cáo về bộ phim đình đám.
Ngoài ra, họ còn muốn trừng phạt nữ diễn viên Deepika Padukone đóng vai Hoàng hậu Padmini, nam diễn viên Ranveer Singh đóng vai vị vua Hồi giáo xâm lược cũng như nhà đạo diễn Sanjay Leela Bhansali.
"Những chiến binh Rajput cao quý không bao giờ đánh đập phụ nữ, song chúng tôi buộc phải trừng trị Deepika như cách mà Lakshmana đã trừng trị Surpanakha là dùng dao cắt mũi. Cô ta thực sự quá lố bịch với bộ trang phục thiếu vải", một thành viên của nhóm Rajput Karni Sena cho biết.
Tác phẩm điện ảnh Bollywood lấy bối cảnh từ cuộc tình của vị Hoàng hậu huyền thoại Rani Padmini.
Đạo diễn Bhansali đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc sai sự thật trên, khẳng định bộ phim có nhiều cảnh quay cho thấy sự dũng cảm của những chiến binh Rajput chống lại đội quân Hồi giáo xâm lược tàn bạo.
Tuy nhiên, điều này vẫn không thể xoa dịu được làn sóng phẫn nộ từ các nhóm tôn giáo cực đoan.
Thủ hiến nhiều bang tại Ấn Độ cũng yêu cầu kiểm duyệt gắt gao nội dung trong tác phẩm điện ảnh "Padmavati", cắt bỏ tất cả cảnh quay mang tính phản cảm đối với văn hóa Hindu giáo khiến nó bị Tòa án Tối cao ra lệnh hoãn công chiếu vô thời hạn.
Ông Suraj Pal Amu tuyên bố treo giải thưởng 10 triệu rupee cho ai lấy được phần thủ cấp của nữ diễn viên Padukone cùng đạo diễn Bhansali.
Ngày 19/11 vừa qua, đại diện về mặt truyền thông cho chính đảng cầm quyền Bharatiya Janata Party (BJP) tại bang Haryana ông Suraj Pal Amu còn thẳng thừng tuyên bố treo giải thưởng 10 triệu rupee (tương đương khoảng 3,5 tỷ đồng) cho ai lấy được... phần thủ cấp của nữ diễn viên Padukone cùng đạo diễn Bhansali.
Ông này còn khẳng định sẽ làm hết sức mình để bộ phim "Padmavati" không bao giờ xuất hiện trên đất nước Ấn Độ nữa.
Trước những lời đe dọa trên, nữ diễn viên Padukone buộc phải lên tiếng trong cơn hoảng loạn: "Thật không thể tin nổi. Tôi và đoàn làm phim chỉ có trách nhiệm trả lời trước ủy ban kiểm duyệt phim, và tôi tin sẽ không có điều gì ngăn cản được bộ phim tuyệt vời này được công chiếu".
Ông Amu cho rằng nữ diễn viên xinh đẹp đã có quá nhiều cảnh ăn mặc hở hang trong bộ phim.
Nhiều lãnh đạo của đảng BJP đã chỉ trích những phát ngôn của ông Amu và cho rằng đó chỉ là ý kiến mang tính cá nhân, hoàn toàn không đại diện cho quan điểm chính thức từ đa phần thành viên thuộc đảng này.
Họ cũng yêu cầu ông Amu phải từ chức, đồng thời đe dọa sẽ đưa hành động của ông ta ra trước pháp luật.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ bang Karnataka ông Ramalinga Reddy lập tức lệnh cho phía cơ quan cảnh sát địa phương phải tăng cường bảo vệ an toàn cho nữ diễn viên Padukone cùng gia quyến thân cận.
Làn sóng dân tộc cực đoan tăng cao
Bollywood từng có một thời kỳ phát triển tương đối tự do và dần muốn thoát khỏi những khuôn mẫu cũ kỹ.
Theo đó, nhiều bộ phim với một số cảnh quay mang hơi hướng nhạy cảm đối với nền văn hóa vốn bảo thủ của Ấn Độ như: Công khai hôn nhau, sống chung mà không kết hôn hay tình yêu xuyên tôn giáo đã được cho công chiếu – điển hình là tác phẩm điện ảnh "Jodhaa Akbar" phát hành năm 2008.
Nữ diễn viên Deepika Padukone đóng vai Hoàng hậu Padmini, nam diễn viên Ranveer Singh đóng vai vị vua Hồi giáo xâm lược.
Nhưng từ sau chiến thắng hồi năm 2014 thì nhiều chính khách thuộc đảng BJP đã đưa ra các chính sách khác nhau nhằm "tuyên truyền nền văn hóa Hindu giáo của Ấn Độ" và nỗ lực xóa bỏ vai trò lịch sử của Vương triều Hồi giáo Mughal.
Họ còn cho rằng lăng mộ nổi tiếng Taj Mahal được xây dựng trên nền phế tích từ một ngôi đền linh thiêng do người Hindu giáo xây dựng, mà cụ thể là vua Shah Jahan của Vương triều Mughal nên không thể mang tính đại diện cho nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc.
Nhóm tôn giáo cực đoan khẳng định sẽ tìm mọi cách để bộ phim "Padmavati" không bao giờ được công chiếu tại Ấn Độ.
Hàng loạt nhóm tôn giáo cực đoan đã tung tin đồn về việc người Hồi giáo bắt trộm và làm thịt những chú bò, một loài vật linh thiêng trong tín ngưỡng Hindu giáo để kích động bạo lực vào cộng đồng "ngoại đạo".
Dẫu vậy, chính quyền tại nhiều địa phương thường tỏ ra không quá nhiệt tình trong việc bắt giữ và xử phạt các đối tượng gây rối này.