Philippines dùng trực thăng nã rốc-két vào phiến quân

Phạm Nghĩa |

Quân đội Philippines ngày 25-5 huy động cả máy bay trực thăng để truy quét các tay súng liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Người phát ngôn quân đội Philippines Jo-ar Herrera cho biết họ đang sử dụng trực thăng để nã rốc-két vào các vị trí do phiến quân kiểm soát ở TP Marawi.

Theo trung tá Isnilon Hapilon, trong thời gian diễn ra cuộc không kích, Isnilon Hapilon – phần tử bị Washington truy nã gắt gao với số tiền thưởng 5 triệu USD cho cái đầu của hắn – cũng hiện diện ở khu vực này.

Bạo lực bùng phát từ tối 23-5 (giờ địa phương) sau khi Manila phát động chiến dịch quân sự nhằm bắt sống Hapilon nhưng bất thành.

Hôm 25-5, xe tải chở binh sĩ Philippines tiến vào trung tâm TP Marawi khiến người dân nơi đây phải gói ghém đồ đạc tháo chạy để tránh bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Trước khi xảy ra bạo lực, TP Marawi có khoảng 200.000 cư dân sinh sống.

Philippines dùng trực thăng nã rốc-két vào phiến quân - Ảnh 1.

Quân đội Philippines dùng trực thăng để trấn áp phiến quân hôm 25-5. Ảnh: AP

Tại buổi thánh lễ được tổ chức ở thủ đô Manila, nữ tu Mary John Mananzan đề nghị mọi người cầu nguyện, đồng thời thông báo một số con tin đã bị các tay súng liên kết IS cầm giữ, bao gồm một linh mục ở TP Marawi.

Tính đến chiều 25-5, ít nhất 25 người đã thiệt mạng sau cuộc đột kích của quân đội vào nơi ẩn náu của Hapilon. Phiến quân sau đó kêu gọi tiếp viện khiến cuộc chiến leo thang, buộc Tổng thống Rodrigo Duterte ban bố tình trạng thiết quân luật trong vòng 2 tháng ở Marawi.

Đại tá Edgard Arevalo thuộc Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) xác nhận 5 binh sĩ và 2 cảnh sát đã bị giết trong các cuộc đụng độ lẻ tẻ. Quân đội cũng giải cứu 78 con tin và tiêu diệt 13 tên khủng bố. 78 con tin là dân thường này bị cầm giữ tại trung tâm y tế Amai Pakpak.

Nhà chức trách còn đảm bảo an toàn cho 42 giáo viên bị mắc kẹt tại Trường ĐH Dansalan. Manila không tiết lộ con số thương vong về phía dân sự mà chỉ thông báo ít nhất 31 binh sĩ đã bị thương trong nỗ lực giải cứu con tin và hộ tống thường dân đến nơi an toàn.

Nhà lãnh đạo Philippines cũng tuyên bố sẽ từ chức nếu các phần tử cực đoan chứng minh được rằng ông không đủ khả năng duy trì hòa bình trong nước.

"Là tổng thống, nếu tôi không thể đối đầu với họ, tôi sẽ từ chức" – ông Duterte nói. "Nếu tôi không đủ năng lực và không có khả năng giữ gìn trật tự ở quốc gia này, tôi sẽ từ chức và trao công việc cho người khác".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại