Trả lời CNN Philippines, nhà sử học Jose Custodio cho biết chính phủ Philippines "cần phải tập trung nhiều nguồn lực để bảo vệ Marawi."
"Chính phủ và quân đội phải thực sự có mặt ở đó để người dân cảm thấy an toàn. Nhưng vấn đề ở đây là họ sẽ phải rút nguồn lực từ những nơi khác để đầu tư cho Marawi. Nếu điều đó xảy ra, thì các nhóm khủng bố có thể sẽ lợi dụng tình hình và tấn công."
Nhà sử học Custodio nhận định, các nhóm khủng bố này có xu hướng "tương tác, phối hợp và liên kết với nhau."
CNN Philippines ghi nhận, nhà chức trách Philippines chỉ trích việc nhóm Maute xâm nhập Marawi là "thủ thuật đánh lạc hướng". Giới chuyên gia cho rằng có thể nhóm Maute đang cố gắng gây ấn tượng với Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo ông Custodio, nhận định của giới chức Philippines về nhóm Maute "đánh lạc hướng" khá đáng chú ý vì nó có nghĩa "phe đối lập có khả năng nắm bắt được điểm yếu của chính phủ."
Nhà sử học quân đội Jose Custodio trên chương trình "The Source" của CNN Philippines. Ảnh: CNN
Nhà sử học quân đội trả lời CNN Philippines, tuyên bố thiết quân luật của ông Duterte" có thể gửi đi tín hiệu rằng chính phủ bao quát được tình hình chung", tuy nhiên chính phủ vẫn cần hành động một cách hợp lý.
"Sẽ có một số động thái trừng phạt nhắm vào một số đối tượng thuộc diện tình nghi dưới danh nghĩa thiết quân luật, do vậy họ cần rất thận trọng," ông Custodio nhận định. "Nếu xảy ra tình trạng vi phạm các quy định trong Hiến pháp, thì nguy cơ lạm quyền là rất lớn."
Khủng hoảng tại Marawi bùng phát sau một vụ đụng độ giữa nhóm Maute và Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) vào chiều thứ Ba (23/5). Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết, vụ việc đã khiến ít nhất 3 cảnh sát thiệt mạng, và hàng trăm người dân phải tháo chạy khỏi thành phố.
Vụ việc khiến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố thiết quân luật ở Mindanao và đột ngột rút ngắn chuyến thăm chính thức Nga.