Philippines “đặt bẫy” Trung Quốc ở Biển Đông?

Hoàng Hà |

Việc ông Duterte ra sắc lệnh đơn phương thành lập khu bảo tồn biển ở vùng đầm phá trong bãi cạn Scarborough có thể là một cái “bẫy ngầm” đối với Trung Quốc.

Bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag) từ lâu đã là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Căng thẳng ở đây được coi là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế.

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vạch ra trên Biển Đông, xác định Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Philippines khi ngăn chặn tiếp cận bãi cạn Scarborough sau tháng 5/2012.

Sau khi lên làm Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã thúc đẩy cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Ngày 31/10, Trợ lý cấp cao của Tổng thống Philippines, ông Hermogenes Esperon cho biết Manila và Bắc Kinh đã đạt được nhận thức "hữu nghị", cho phép ngư dân Philippines đánh cá xung quanh bãi cạn Scarborough.

Trong số ra ngày 21/11, tờ The Philippines Star dẫn lời ông Esperon cho biết thêm Tổng thống Philippines Duterte đã quyết định tuyên bố vùng đầm phá ở bãi cạn Scarborough là khu bảo tồn biển.

Đây là quyết định đơn phương của phía Philippines, nhưng do phía Trung Quốc đã cấm ngư dân đánh bắt cá ở khu đầm phá, cho nên, quyết định đạt được một cách tự nhiên”, ông Esperon nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề nêu trên, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc số ra ngày 22/11 dẫn lời một chuyên gia vấn đề Biển Đông giấu tên cho biết hệ sinh thái ở khu vực đầm phá trong bãi cạn Scarborough rất yếu, vốn không cho phép đánh bắt cá mà chỉ cung cấp chỗ tránh gió tạm thời cho tàu cá khi có bão và việc đánh bắt cá thông thường chỉ diễn ra ngoài bãi cạn Scarborough.

Theo chuyên gia này, tuyên bố thành lập khu bảo tồn biển của Philippines ẩn chứa “cạm bẫy” bởi khu đầm phá là vùng nội thủy của hòn đảo, hoàn toàn có ý nghĩa chủ quyền.

Nếu Philippines sử dụng sắc lệnh hành chính có hiệu lực pháp luật quy hoạch vùng cấm đánh bắt cá ở khu vực đầm phá thì hàm ý bên trong chính là tuyên bố có chủ quyền đối với khu vực này.

Do vậy, chuyên gia trên khuyến nghị phía Trung Quốc không thể ủng hộ quyết định của Philippines, nếu không sẽ tự gây tổn hại cho mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại