Tham vọng về vũ khí mới áp đảo đối phương
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hiện đang giám sát đợt đánh giá kho vũ khí hạt nhân già cỗi của Washington, dự kiến sẽ kéo dài vài tháng.
Các nguồn thạo tin nói với tờ Politico rằng Tổng thống Donald Trump đã thành lập một ủy ban đặc biệt để xem xét những lựa chọn của Washington liên quan tới phát triển những loại vũ khí hạt nhân chiến thuật công suất thấp mới, nhằm "răn đe Nga, Triều Tiên và các đối thủ hạt nhân tiềm năng khác".
Nếu được chấp thuận, các loại vũ khí mới sẽ đảo lộn gần như hoàn toàn những chính sách dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, do ông Obama từng không cho phép phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân mới.
Bình luận về những lý do phía sau động thái gấp gáp và đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Trump, ông Bruce Gagnon, đồng sáng lập trang Mạng lưới toàn cầu chống vũ khí và năng lực hạt nhân trong không gian cho rằng, điều này phản ánh sự lo lắng của Washington về những thay đổi nhanh chóng trong cán cân quyền lực toàn cầu những năm qua.
Giới chức Mỹ khẳng định, quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Washington đang bị Moscow bỏ xa. Theo Tướng Paul Selva, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Nga đã hoàn thành 2/3 quá trình hiện đại hóa lực lượng răn đe chiến lược.
Do vậy, Mỹ đang rất sốt sắng khi bị đối thủ hạt nhân vượt mặt. Ngoài Moscow, những quốc gia sở hữu hạt nhân khác mà Washington coi là đối thủ như Iran hay Triều Tiên cũng đang thực hiện những nỗ lực tương tự, khiến Mỹ không thể bất lực đứng nhìn.
"Điểm mấu chốt là Mỹ luôn lo sợ thế giới sẽ trở thành một hệ thống công bằng và đa cực hơn. Washington đang vật lộn tìm cách để sở hữu một khẩu súng có thể gí vào đầu Nga hoặc Trung Quốc để kiểm soát tình hình", Gagnon nói.
"Theo tôi, điều đó rất nguy hiểm", nhà quan sát nói. Ông nhấn mạnh, hành động của chính quyền Donald Trump cho thấy kiểu suy nghĩ đặc trưng của Mỹ: Luôn tìm cách chiếm ưu thế và muốn khẳng định vai trò dẫn đầu, thiết lập một thế giới mà ở đó Mỹ kiểm soát mọi thứ.
"Tạo ra những vũ khí hạt nhân chiến thuật mới đồng nghĩa với việc Lầu Năm Góc trao cho các chỉ huy quân sự nhiều lựa chọn hơn. Họ được phép nắm trong tay quyền điều khiển năng lực hạt nhân.
Nhưng một điều không hay là quyết định đó sẽ gây phản tác dụng khi Washington liên tục lên giọng "giảng dạy" các nước như Triều Tiên và Iran về sự xấu xa của vũ khí hạt nhân, còn Lầu Năm Góc luôn coi chúng là mục tiêu theo đuổi", Gagnon nói.
Theo chuyên gia này, vũ khí hạt nhân chiến thuật mới của Mỹ có thể khiến những cường quốc hạt nhân khác như Trung Quốc và Nga phản ứng mạnh mẽ, gây mất ổn định cân bằng chiến lược toàn cầu.
Nó cũng giống như việc Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm tạo ra thế bao vây với Moscow và Bắc Kinh, giúp Washington có được lợi thế.
Thế giới không khoanh tay đứng nhìn
Nói cách khác, Gagnon phân tích Washington đang châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trên quy mô toàn cầu. "Nga và Trung Quốc không thể giảm số lượng vũ khí hạt nhân của họ khi Mỹ đang triển khai các hệ thống lá chắn tên lửa.
Giờ đây, khi Washington còn muốn phát triển thêm vũ khí hạt nhân chiến thuật mới, nó thậm chí còn tiềm ẩn những bất ổn và nguy hiểm ở mức độ lớn hơn.
Đó là những gì Mỹ đang cố gắng thực hiện: Tạo ra sự hỗn loạn. Trong lúc mọi thứ đang rối tung thì Mỹ cho rằng họ có thể tiếp tục thống trị thế giới", nhà quan sát nhấn mạnh.
Kế hoạch của Mỹ có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, các chuyên gia nhận định (Ảnh minh họa).
Hiện tại, nội bộ Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đang tranh cãi về khả năng Washington rút khỏi thỏa thuận nhằm kiểm soát hệ thống vũ khí hạt nhân và việc thử hạt nhân.
Gagnon cảnh báo, khả năng đó hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt nếu Washington trước đó đã chế tạo những loại vũ khí chiến thuật mới.
"Họ sẽ lại thử vũ khí hạt nhân và chúng ta lại bắt đầu quay trở lại cuộc đua đó một lần nữa", chuyên gia nhận định.
Nếu như trước đây ông Obama luôn đề nghị ký kết các thỏa thuận nhằm kiềm chế khả năng hạt nhân thì giờ đây những diễn biến trong Nhà Trắng đã thay đổi. Sự "vô nguyên tắc" của ông Trump khiến Mỹ trở nên "manh động" hơn, sẵn sàng dùng quân sự để giải quyết mọi vấn đề.
Những hành động của Mỹ chắc chắn tạo ra một bản đồ hạt nhân hết sức phức tạp, mà ở đó các quốc gia sở hữu năng lực hạt nhân bước vào một cuộc đua vũ trang đầy khốc liệt.
Kho vũ khí hạt nhân của các quốc gia được tăng cường, thế giới đứng trước nguy cơ bị hủy hoại, nếu xung đột giữa họ bùng phát.
Trường hợp của Triều Tiên chính là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy những tham vọng của Mỹ đang tạo động lực khiến họ trở nên hung hăng hơn, sẵn sàng dùng mọi cách để tăng cường sức mạnh thông qua chương trình tên lửa và vũ khí.
Cụ thể nhất chính là lời cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 16/9 với việc hoàn thành chương trình hạt nhân của nước này, nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên là thiết lập một trạng thái cân bằng về lực lượng quân sự với Mỹ.