Mỹ đã nổi lên như là điểm đến đầu tư hàng đầu cho các công ty Đức đang tìm nơi đặt chân mới trong bối cảnh các chi phí năng lượng đắt đỏ ở Đức, Sputnik đưa tin.
Làn sóng trừng phạt Nga kết hợp với vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu đã khiến giá năng lượng của Đức tăng vọt. Điều này ảnh hưởng mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp của Berlin.
Thay vì loay hoay đối mặt với các chi phí năng lượng ở quốc gia mình, các công ty Đức đang kéo đến Mỹ để đặt nhà máy.
Bị thu hút bởi việc cắt giảm thuế của Washington trong bối cảnh Đức suy thoái, các công ty ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tiết lộ khoản đầu tư vốn khổng lồ 15,7 tỷ USD vào Mỹ vào năm 2023.
Đây là mức tăng đáng kể so với con số 8,2 tỷ USD vào năm 2022 - theo dữ liệu từ công ty con của Financial Times, fDi Markets.
Năm 2023, các công ty Đức đã khởi động 185 dự án vốn ở Mỹ, trong đó 73 dự án tập trung vào sản xuất.
Dự án quan trọng nhất liên quan đến chi nhánh xe điện Scout Motors của Volkswagen đầu tư 2 tỷ USD vào Columbia, Nam Carolina. Báo cáo từ fDi Markets không bao gồm các hoạt động mua bán, sáp nhập cũng như các loại hình đầu tư vốn cổ phần khác nhau.
Cường quốc kinh tế châu Âu, vốn nổi tiếng với năng lực sản xuất và công nghiệp nặng, đã bị tàn phá sau khi mất nguồn khí đốt giá rẻ của Nga - xương sống của sự bùng nổ công nghiệp trong nhiều thập kỷ.
Chi phí năng lượng cao gây ra sự leo thang đáng kể của quá trình phi công nghiệp hóa gia tăng ở Đức, dẫn đến mất việc làm, tăng chi phí sinh hoạt và khiến các nhà máy ngừng hoạt động.
Ông Michael Heinz, giám đốc điều hành BASF Bắc Mỹ thừa nhận, chi phí năng lượng ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định rời khỏi châu Âu.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, ngành công nghiệp châu Âu đang bị thách thức. Các ngành sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu có thể sẽ thu hẹp thay vì tăng trưởng trong trung hạn” - ông Michael Heinz nói với FT.
Một nghiên cứu năm ngoái của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cho thấy gần 1/3 các công ty công nghiệp Đức có mục tiêu chuyển sản xuất ra nước ngoài thay vì trong nước – tỷ lệ này đã tăng gấp đôi so với năm trước.
Mỹ tranh thủ thời cơ chớp đầu tư
Các giám đốc điều hành hàng đầu của hai gã khổng lồ công nghiệp Đức - BASF và Siemens Energy - cho rằng sức hấp dẫn của Mỹ là do các yếu tố như chính sách công nghiệp khả thi, dự báo thị trường dài hạn lạc quan và sự chú trọng ngày càng tăng vào chuỗi cung ứng.
Tim Holt, thành viên ban điều hành của Siemens Energy, nói với FT: "Chúng tôi nhận thấy tiềm năng đầu tư to lớn này với việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng mới ở Mỹ... Trước đây, chúng tôi xuất khẩu khá nhiều máy biến áp từ Đức, từ Áo, từ Croatia và từ Mexico sang Mỹ.
Nhưng xét đến quy mô thị trường và nhu cầu mở rộng, chúng tôi đã xem xét và nhận thấy nhà máy mới là một trường hợp đầu tư tốt dựa trên triển vọng thị trường."
Ông Holt chỉ ra rằng, sự đảo lộn của chuỗi cung ứng ở hai tuyến hàng hải chính của thế giới – kênh đào Panama và Suez – xung đột địa chính trị và sự bùng phát của đại dịch COVID-19 là lý do cho việc mở rộng ra nước ngoài.
Việc chính quyền Biden thông qua Đạo luật giảm lạm phát và Đạo luật khoa học và chip của chính quyền Biden đã thúc đẩy làn sóng đầu tư tăng vọt. Cụ thể, cấp hơn 400 tỷ USD ưu đãi thuế, các khoản vay và trợ cấp để phục hồi hoạt động sản xuất của Mỹ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của nước này, đồng thời thu hút đầu tư từ các quốc gia đồng minh của mình.
Một nghiên cứu gần đây của Phòng Thương mại Đức Mỹ cho thấy 96% trong số 224 công ty con của các công ty Đức ở Mỹ đang tìm cách tăng đầu tư vào năm 2026.