Chiếc máy bay cường kích này được cho là trúng phải hỏa lực phòng không của Ukraine. Vụ nổ cách camera vài kilomet. Chiếc phi cơ Su-25 bay lướt trên khu vực ở độ cao ngọn cây.
Video lần đầu được đăng tải trên một kênh Telegram của quân đội Nga. Sau đó, nhà phân tích quốc phòng Rob Lee chia sẻ clip lên mạng xã hội Twitter.
Các phi công chiến đấu Nga và Ukraine thường xuyên điều khiển phi cơ bay sát mặt đất một cách nguy hiểm. Chiến thuật này họ dùng nhằm lẩn tránh các hệ thống radar của đối phương, vốn được cài đặt để nhận diện mục tiêu bay cao hơn.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này rủi ro ở chỗ máy bay dễ trúng phải hỏa lực súng máy hoặc tên lửa phòng không vác vai. Hiện chưa rõ viên phi công trong clip trên có được bảo vệ trước các mảnh vỡ bay tứ tung hay không.
Chiếc máy bay này có vẻ là Su-25SM với số trên thân là 09 Đỏ. Qua video, có thể thấy dường như một trong các động cơ của máy bay đã bắt lửa. Máy bay cũng bị mất một phần đuôi.
Nhà báo quân sự Mike Yeo có vẻ là người đã nhận diện ra chiếc máy bay và đơn vị của nó. Cô cho biết, Su-25SM RF-91965 và Su-25SM3 RF-93025 có số thân 09 Đỏ.
Một số điều tra viên nguồn mở khác cho rằng sự cố xảy ra trên đất Nga, gần Belgorod, không xa biên giới Ukraine và máy bay đã quệt phải một cột điện. Tuy nhiên, tuyên bố này chưa được kiểm chứng.
Đoạn clip góc nhìn thứ nhất này được cho là đã quay trong mùa hè 2022 nhưng mãi đến bây giờ mới được công bố. Hiện chưa biết chắc chắn liệu máy bay bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không Ukraine hay bị rơi vì một lý do nào khác.
Tuy nhiên, đoạn video vẫn đáng lưu ý vì có lẽ đây là cảnh nhảy dù thoát hiểm đầu tiên được một phi công ghi lại bằng camera gắn trên mũ. Ngoài ra, có thể đây cũng là clip đầu tiên ghi nội dung như vậy trong xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra.
Video phi công bật dù nhảy thoát hiểm khỏi Su-25 ngay trước khi máy bay phát nổ. Nguồn: Telegram Bộ Quốc phòng Nga.
Máy bay chiến thuật cánh cố định Su-25
Nga sử dụng máy bay cường kích bọc giáp Su-25 để yểm trợ cho mặt đất ở vùng chiến sự cả ngày lẫn đêm.
Oryx - hãng phân tích độc lập chuyên thống kê mất mát vũ khí Nga dựa trên chứng cứ thị giác, cho rằng Nga đã mất 26 chiếc Su-25 trong xung đột Ukraine cho tới nay.
Su-25 được phát triển vào thập niên 1970. Hãng thiết kế Sukhoi của Nga khởi xướng một chương trình vào năm 2001 để chỉnh sửa Su-25 thành một phiên bản cường kích Su-25SM nâng cấp.
Phiên bản nâng cấp hoàn tất chuyến bay đầu tiên vào ngày 5/3/2002 và được đưa vào biên chế quân đội Nga năm 2007. Mẫu máy bay mới này hoạt động hiệu quả với kho vũ khí mở rộng và một trạm radar trên không.
Các mẫu chiến đấu mới của máy bay cho phép sử dụng tên lửa không đối đất có dẫn đường trong khi bay ở đường chân trời bằng việc triển khai tính năng đeo bám mục tiêu được chỉnh sửa chính xác bằng phần mềm.
Không quân Nga đã tạm ngừng cho Su-25 cất cánh vào tháng 8/2010 để điều tra một sự cố xảy ra vào ngày 6/8/2010. Khi tham gia hoạt động huấn luyện, một chiếc máy bay loại này bị rơi cách sân bay Step ở Siberia 60km về phía Tây Bắc.
Vào ngày 11/2010, nhà máy hàng không Ulan-Ude (UUAZ) quyết định tái khởi động sản xuất Su-25 sau khi nhận được đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga và Tập đoàn chế tạo máy bay United.
Máy bay Su-25 của không quân Nga sử dụng 2 động cơ turbojet 44.18kN Soyuz/Gavrilov R-195. Hai bên cánh máy bay mang nhiều hệ thống vũ khí không đối không và không đối đất.
Su-25 có khả năng sử dụng 3 loại tên lửa không đối đất: the Kh-23 (NATO gọi là AS-7 Kerry), Kh-25ML (AS-10 Karen) và Kh-29l (AS-14 Kedge).