Các phi công mới đây tham gia vào buổi phục dựng diễn biến thảm kịch với chiếc Boeing 737 Max 8 của Lion Air hồi tháng 10/2018.
Trong các thử nghiệm này, máy bay mô phỏng sẽ trong tình trạng hỏng một thiết bị cảm ứng đơn lẻ, từ đó kích hoạt hệ thống phần mềm được thiết kế để ngăn máy bay chúc đầu xuống đất.
Một chiếc máy bay của Lion Air. (Ảnh: Bloomberg)
Khi rơi vào tình huống này, các phi công có rất ít thời gian để phân tích tình hình và tránh máy bay không chúc đầu xuống thêm một lần nữa, 2 phi công tham gia vào thử nghiệm cho biết.
Mặc dù các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục, các nhà điều tra đang nghiêng về nghi vấn cho rằng Hệ thống Mở rộng Chức năng Điều khiển (MCAS) vốn có vai trò ngăn không cho mũi máy bay bị kéo lên quá mức và duy trì độ cân bằng cho máy bay đã gặp phải sự cố có thể là nguyên nhân dẫn tới 2 vụ rơi máy bay ở Indonesia và Ethiopia.
Boeing không lên tiếng trước các nghi vấn này nhưng hãng sản xuất máy bay của Mỹ dường như cũng ngầm công nhận hệ thống trên những chiếc Boeing 737 Max 8 có vấn đề khi công bố đã hoàn thành bản cập nhật phần mềm giúp phi công có nhiều kiểm soát hơn với hệ thống.
Với bản cập nhật, khi hệ thống bắt đầu kéo mũi máy bay xuống, các phi công có thể đảo ngược chuyển động này thông qua công tắc bên ngón tay cái bên trái của họ. Nếu muốn vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống, các phi công cần thao tác thêm 2 công tắc khác. Khi đó, phần điện truyền tới motor vốn đẩy máy bay xuống mặt đất sẽ bị ngắt. Nhiệm vụ sau cùng của phi công là xử lý phần còn lại.
Trong vụ rơi máy bay của Lion Air, phi công đã sử dụng công tắc ở ngón cái tay trái hơn 20 lần để giành lại quyền kiểm soát máy bay. Tuy nhiên, điều đó càng khiến MCAS nhầm lẫn rằng máy bay đang chếch lên nên tự động kéo mũi máy bay chúc xuống.
Cuộc vật lộn giữa phi công và hệ thống này kéo dài cho tới phút cuối cùng của chuyến bay trước khi nó lao xuống biển.