Phe cực hữu thắng thế tại bầu cử Italy: Mỹ và châu Âu như “ngồi trên lửa”

Hồng Anh |

Chiến thắng của phe cực hữu trong cuộc tổng tuyển cử tại Italy đã tạo ra cơn địa chấn trên toàn châu Âu.

Chiến thắng của Liên minh trung hữu bao gồm đảng Anh em Italy (FdI) của bà Giorgia Meloni, đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini và đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi trong cuộc bầu cử hôm 25/9, khiến Italy sẽ có một chính phủ thiên hữu nhất kể từ sau Thế chiến II.

Phe cực hữu thắng thế tại bầu cử Italy: Mỹ và châu Âu như “ngồi trên lửa” - Ảnh 1.

Từ trái sang phải: Các lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini, đảng FI Silvio Berlusconi và đảng Fdl Giorgia Meloni thuộc Liên minh trung hữu Italy. (Nguồn: Sky News)

Kết quả này đã làm chao đảo châu Âu, gia tăng lo ngại về sự trỗi dậy của phe cực hữu khi lục địa già đang đối mặt với khó khăn về kinh tế và tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine ở sườn phía Đông. Không chỉ riêng châu Âu, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lo lắng trước sự thay đổi này.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 26/9, Nhà Trắng khẳng định, thắng lợi của bà Giorgia Meloni thể hiện “ý chí của người dân Italy”, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng Italy vẫn là một “đối tác kiên định” với phương Tây.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Italy là một đồng minh của Mỹ trong NATO, đối tác trong G7 và thành viên của EU, vì thế chúng tôi sẽ hợp tác với chính phủ mới của Italy để giải quyết tất cả các thành thức trên toàn cầu, trong đó có việc hỗ trợ Ukraine khi nước này tự vệ trước cuộc tấn công của Nga”.

Điều đáng chú ý, trong phát biểu đưa ra, Thư ký Báo chí Nhà Trắng không đề cập tên nhà lãnh đạo Giorgia Meloni. Giới phân tích cho rằng, chiến thắng của bà Meloni – chiến thắng đầu tên của phe cực hữu tại Italy kể từ Thế chiến 2, đã nêu bật những điều mà Nhà Trắng cho là xu hướng đáng lo ngại đối với châu Âu. Trước đó, phe minh cực hữu cũng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Hungary, Thụy Điển lần lượt vào tháng 4 và ngày 15/9 vừa qua và đang giành ưu thế tại một số quốc gia như Pháp.

Thực tế nêu trên có khả năng gây mất ổn định trong nhóm G7, vốn thể hiện sự đoàn kết trong nỗ lực ủng hộ Ukraine chống lại cuộc tấn công của Nga tại hội nghị thượng đỉnh ở Đức trong mùa Hè này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn sau khi đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) có được bước đột phá lịch sử còn liên minh các đảng ủng hộ ông đánh mất đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 vừa qua. Chính trường Anh cũng có biến động lớn khi cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson chính thức từ chức, nhường chỗ cho bà Liz Truss – một người bảo thủ, thậm chí hoài nghi sâu sắc hơn về châu Âu. Còn Italy đang chứng kiến chiến thắng quyết định của bà Giorgia Meloni – người dự kiến thay thế Thủ tướng Mario Draghi.

Cho đến thời điểm hiện tại, sự đoàn kết của phương Tây vẫn được duy trì. Tuy vậy, quyết tâm của phương Tây có thể bị thách thức khi mùa Đông tới gần trong bối cảnh Nga đang cắt giảm đáng kể nguồn cung năng lượng cho châu Âu và giá cả các loại mặt hàng leo thang.

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden lo ngại, bà Meloni có thể bắt đầu phá vỡ cam kết của Italy với lập luận rằng các nguồn lực của quốc gia này nên được sử dụng cho người dân trong nước, đặc biệt nếu châu Âu rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế trong mùa Đông năm nay.

Giới phân tích cho rằng, nếu một thành viên quan trọng trong khối G7 gây sức ép đối với Ukraine để tìm kiếm một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột – trái ngược với cam kết tài trợ cho Kiev, thì nhiều khả năng một số quốc gia khác có thể làm theo và quyết tâm của lục địa già sẽ bị suy yếu. Ở thời điểm hiện tại, các cố vấn Nhà Trắng hy vọng chính phủ mới của Italy sẽ giữ vững cam kết đối với Kiev, song họ thừa nhận sự hỗ trợ này có thể không mạnh mẽ như chính quyền Thủ tướng Draghi.

Trong thời gian ông Draghi nắm quyền, Italy đã thể hiện vai trò to lớn, giúp định hình phản ứng của châu Âu trước sự hoành hành của dịch Covid-19, những khó khăn về kinh tế và cuộc xung đột Nga-Ukraine. Vẫn chưa rõ xu hướng này có được tiếp nối khi chính phủ mới của Italy điều hành hay không.

Khi tuyên bố chiến thắng, bà Meloni, người có nhiều khả năng trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy kể từ năm 1861, đã thẳng thắn thừa nhận những thách thức nghiêm trọng phía trước. Bà Meloni cũng cam kết sẽ giữ quan điểm ôn hòa hơn, đồng thời khẳng định luôn có sự ủng hộ đối với NATO và Ukraine.

Các kết quả sơ bộ mới nhất cho thấy, liên minh trung hữu có thể giành được 43% số phiếu, có được đa số ghế tại cả Hạ viện và Thượng viện. Sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu bầu Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện khi Quốc hội mới họp lần đầu tiên vào ngày 13/10. Tiếp theo, các nhà lãnh đạo đảng sẽ bắt đầu tham vấn Tổng thống Sergio Mattarella về việc đề cử thủ tướng.

Phe cực hữu thắng thế tại bầu cử Italy: Mỹ và châu Âu như “ngồi trên lửa” - Ảnh 2.

Các cử tri Italy đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu trong cuộc bầu cử sớm ngày 25/9. Ảnh: AA

Sự thay đổi trong nền chính trị tại Italy diễn ra vào thời điểm 4 khu vực miền Đông Ukraine do Nga kiểm soát đang tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về sáp nhập Nga. Cuộc bỏ phiếu dự kiến kết thúc trong tuần này khiến chính quyền Tổng thống Zelensky và các nước phương Tây như “ngồi trên lửa”.

Phương Tây cho rằng, Tổng thống Putin có thể viện dẫn cuộc tấn công của Ukraine vào các vùng lãnh thổ này như một cuộc tấn công vào nước Nga để làm cái cớ mở rộng cuộc chiến. Ông Putin cũng cảnh báo sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Nga bị tấn công và ban bố sắc lệnh điều động một phần nhằm tăng quân cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại