Bầu cử Italy: Cột mốc chấn động nếu liên minh do đảng cực hữu dẫn đầu thắng?

Quang Dũng |

Nếu liên minh cánh hữu dưới sự dẫn dắt của đảng cực hữu “Những người anh em Italy” giành chiến thắng, đây sẽ là cột mốc chấn động với chính trường Italy.

Các cử tri Italy hôm nay (25/9) đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn nhằm lựa chọn một chính phủ mới thay thế cho chính phủ liên minh đã sụp đổ hồi tháng 07/2022 của Thủ tướng Mario Draghi, với hầu hết các dự đoán đều nhận định liên minh cánh hữu dưới sự dẫn dắt của đảng cực hữu “Những người anh em Italy” sẽ giành chiến thắng.

Đúng 7h sáng ngày 25/09 theo giờ địa phương, toàn bộ các điểm bầu cử trên lãnh thổ Italy đã mở cửa để các cử tri đi bầu. Theo số liệu do Uỷ ban bầu cử quốc gia Italy công bố, có khoảng trên 50 triệu công dân Italy đủ điều kiện đi bỏ phiếu và theo các phân tích, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ ở mức khoảng 65%. Các hòm phiếu sẽ đóng vào lúc 23h ngày 25/09 theo giờ địa phương và kết quả thăm dò chớp nhoáng sau bỏ phiếu sẽ được công bố ngay sau đó.

Cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn để chọn ra các nghị sĩ mới trong Hạ viện và Thượng viện Italy được tổ chức sau khi hồi tháng 07/2022, chính phủ liên minh đoàn kết quốc gia của Thủ tướng Mario Draghi tan vỡ do sự rút lui của đảng Phong trào 5 sao và một số đảng khác khỏi liên minh. Tình thế chính trị này buộc Italy phải tổ chức bầu cử sớm nhằm lập ra một chính phủ mới đủ khả năng bắt tay thực hiện các chính sách lớn trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng kinh tế và năng lượng đang bao trùm Italy.

Các chiến dịch tranh cử đã kết thúc hôm 23/09 và theo các cuộc thăm dò dư luận cuối cùng, liên minh cánh hữu bao gồm đảng cực hữu “Những người anh em Italy” của bà Giorgia Meloni, đảng “Tiến lên Italy” của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini được dự đoán sẽ giành chiến thắng cuộc bầu cử với khoảng 40% tổng số phiếu, đủ sức chiếm đa số tại cả 2 viện của Quốc hội Italy. Đặc biệt, cuộc bầu cử lập pháp lần này nhiều khả năng sẽ đi vào lịch sử khi ghi nhận đảng “Những người anh em Italy” trở thành chính đảng lớn nhất Italy, với dự kiến giành được khoảng 25% tổng số phiếu.

Nếu điều này thành sự thực, đây sẽ là cột mốc chấn động với chính trường Italy bởi đảng “Những người anh em Italy” vốn là một đảng có quá khứ phát-xít và hiện vẫn bị xem là đang theo đuổi các quan điểm cực hữu, bài ngoại. Nếu đảng này dẫn đầu liên minh cánh hữu giành chiến thắng thì Italy sẽ có chính phủ thiên hữu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và lãnh đạo của đảng “Những người anh em Italy” là bà Giorgia Meloni, năm nay 45 tuổi, cũng nhiều khả năng trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Italy.

Bầu cử Italy: Cột mốc chấn động nếu liên minh do đảng cực hữu dẫn đầu thắng? - Ảnh 1.

Cử tri Italy diễu hành ủng hộ bà Giorgia Meloni. Ảnh: Reppublica

Mặc dù vẫn còn khoảng 30-40% lượng cử tri đang lưỡng lự, chưa quyết định nhưng giới phân tích tại Italy đều đánh giá, cánh tả do đảng Dân chủ dẫn dắt đã đánh mất ưu thế và cũng không tạo được động lực mới trong đợt tranh cử vừa qua nên khả năng chiến thắng của liên minh cánh hữu là rất lớn. Bên cạnh đó, đảng “Phong trào 5 sao” cũng được dự đoán sẽ giành kết quả khả quan, với số phiếu nhận được dự kiến từ 15 đến 20%, chấm dứt đà suy giảm mạnh từ vài năm qua.

Giáo sư lịch sử và chính trị học Lorenzo Castellani thuộc trường Đại học Luiss ở thủ đô Roma, nhận định: “Nhiều khả năng Italy sẽ có một chính phủ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và có các chính sách bảo hộ mạnh hơn nhưng vẫn sẽ duy trì các chính sách chính về đối ngoại của chính phủ Mario Draghi, như sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine hay vai trò chủ động hơn trong việc ngăn các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Nhưng tất nhiên sẽ có một số thay đổi nhỏ trong chính sách đối nội và trong quan hệ giữa Italy với Liên minh châu Âu”.

Bất kể đảng phái nào chiến thắng, giới quan sát đều cho rằng một chính phủ liên minh mới tại Italy cũng chỉ có thể chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 10/2022, sau một giai đoạn đàm phán và thống nhất về chính sách điều hành. Chính phủ mới tại Italy sẽ ngay lập tức đối mặt với một loạt các thách thức lớn về kinh tế, khi tỷ lệ nợ công tại Italy đã lên mức trên 150% GDP, cùng nguy cơ khủng hoảng năng lượng, suy thoái kinh tế cận kề. Chính phủ mới tại Italy cũng sẽ phải tìm cách thuyết phục được Liên minh châu Âu để có thể giải ngân được gói trợ giúp phục hồi kinh tế hậu đại dịch lên tới hàng trăm tỷ euro mà châu Âu dành cho Italy./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại