Riêng về chiến thuật, ta đã thành công với nhiều cách đánh vào từng cụm cứ điểm của tập đoàn cứ điểm, gồm 49 cứ điểm kiên cố của địch, trong đó sáng tạo ra cách đánh “vây, lấn, tấn, diệt”, đạt hiệu suất chiến đấu cao.
Sau khi đánh chiếm các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo trong đợt 1 chiến dịch (từ ngày 13 đến ngày 17-3-1954), bộ đội ta tiếp tục xây dựng hệ thống trận địa tiến công, gồm các đường hào trục, đường hào nhánh để vận chuyển và cơ động lực lượng, hệ thống trận địa tiến công và xuất phát xung phong các trung đoàn, cùng rất nhiều hầm trú ẩn, hầm chỉ huy tiến áp sát, bao vây xung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đến cuối tháng 3-1954, trận địa tiến công và bao vây của ta được xây dựng đã căn bản hoàn thành, trong đó các tuyến xuất phát tiến đánh các cụm cứ điểm phía đông và phía tây được chuẩn bị chu đáo.
Sang đợt 2 chiến dịch, từ ngày 30-3 đến ngày 30-4-1954, bộ đội ta tập trung tạo ưu thế binh hỏa lực, đánh các cứ điểm ở phía Đông (gồm E, D1, D2, C1, C2, D3, A1) và phía Tây (gồm 106, 311, 105, 206). Trong số những trận đánh đó, trận đánh ở các cứ điểm 106, 105 và 206 thể hiện sự sáng tạo về cách đánh, tạo nên sức mạnh áp đảo để đánh thắng quân địch.
Trong trận đánh cứ điểm 106 (đêm 1-4-1954), Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308 là đơn vị có kinh nghiệm đánh công kiên và đánh vận động, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong trận này, do trung đoàn tổ chức đào được các chiến hào vào sát hàng rào của địch, nên khi được pháo chi viện hỏa lực, cán bộ, chiến sĩ bí mật vận động theo chiến hào tiến sát hàng rào thứ nhất, diệt các ụ súng của địch, rồi bất ngờ tiến vào trong cứ điểm, tiêu diệt gọn quân địch trong vòng 30 phút. Trận đánh cứ điểm 106 thắng lợi đã đánh đấu sự ra đời của hình thức chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt”.
Đến trận đánh cứ điểm 105, một trong những cứ điểm quan trọng bảo vệ cho sân bay Mường Thanh, do Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) đảm nhiệm. Đêm 4-4, trung đoàn tổ chức lực lượng đánh cứ điểm địch. Bộ đội ta chiến đấu đến sáng 5-4, tiêu diệt được một bộ phận nhỏ sinh lực địch, chiếm 3/4 cứ điểm.
Khoảng 7 giờ ngày 5-4, địch huy động 1 tiểu đoàn và 5 xe tăng từ Mường Thanh ra ứng cứu. Do chỉ huy không chặt chẽ, các đơn vị phối hợp thiếu thống nhất, trung đoàn chưa tiêu diệt được nhiều địch và không đủ sức giữ trận địa.
Thực hiện quyết tâm của mặt trận, trung đoàn tiếp tục xây dựng trận địa tiến công, bao vây cứ điểm 105 và đào hào cắt sân bay Mường Thanh ở phía Nam.
Với tinh thần khẩn trương, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã nỗ lực đào chiến hào từng ngày đêm. Đến đêm 16-4, trận địa tiến công và bao vây của ta triển khai từ phía đông đã thông sang phía tây.
Theo kế hoạch, đêm 18-4, Trung đoàn 165 nổ súng tiến công cứ điểm 105. Được chuẩn bị chu đáo và chiến đấu anh dũng, đến sáng 19-4, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt và bắt hơn 100 tên địch.
Trong khi đó, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) sau trận đánh cứ điểm 106 thành công được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm 206 (cách sân bay Mường Thanh 100m về phía tây), do 1 đại đội Âu-Phi đóng giữ.
Rút kinh nghiệm trận đánh cứ điểm 106 và học tập kinh nghiệm đào công sự tiếp cận cứ điểm các đơn vị bạn, trung đoàn xác định đánh cứ điểm bằng cách xây dựng trận địa theo chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt”.
Đêm 17-4, từ vị trí xuất phát tiến công cách phía tây cứ điểm 300m, trung đoàn xây dựng trận địa tiến công theo các phương pháp đào trườn, đào dũi kết hợp với đào ngầm, sử dụng các vật che đỡ trước mặt và hai bên sườn như “con cúi” rơm, bó đót, bao cát, các phương tiện chống hầm để lấn dần vào cứ điểm.
Qua 4 ngày đêm, cùng với việc xây dựng trận địa vây lấn, các đơn vị thực hành bắn tỉa diệt gần 1 trung đội địch, đánh bại 3 lần tiến công giải vây, bảo đảm cho các mũi xây dựng trận địa tiếp cận địch ít bị thương.
Đêm 22-4, trung đoàn nổ súng, ngay từ loạt đạn đầu, ta đã phá sập hầm chỉ huy và hầm thông tin, khiến địch rối loạn, tạo thuận lợi cho bộ đội ta tiến công các mục tiêu. Sau hơn 2 giờ chiến đấu, ta làm chủ cứ điểm 206, tổ chức bắt tù binh, thu vũ khí, củng cố trận địa, sẵn sàng đánh địch phản kích.
Trận đánh thắng lợi góp phần cùng các đơn vị bạn thắt chặt vòng vây, khống chế và triệt đường tiếp tế của địch, tạo thế cho chiến dịch phát triển chuyển sang đợt 3, tổng công kích, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Quán triệt phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã sáng tạo ra cách đánh mới “vây, lấn, tấn, diệt”, hoặc rộng hơn là “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”, một hình thức chiến thuật tiến công địch trong công sự kiên cố bằng cách bao vây, đánh dần từng bước, tiêu hao, phá hoại và lấn chiếm từ ngoại vi vào tung thâm, làm cho địch suy yếu, tiến tới tiêu diệt chúng.
Chiến thuật này hình thành từ trận đánh các cứ điểm 106, 105 và được hoàn thiện trong trận đánh cứ điểm 206. Trong trận đánh này, ta xây dựng trận địa tiếp cận địch, kết hợp bắn tỉa, đánh địch ra phá lấp trận địa và sử dụng các phân đội nhỏ đánh lấn, vây hãm khiến địch căng thẳng, mệt mỏi rồi tiến công tiêu diệt toàn bộ cứ điểm, giành thắng lợi trọn vẹn.