Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 46 năm 2016 theo hướng xử phạt nặng đối với lái xe có nồng độ cồn, mức phạt cao nhất có thể lên tới 40 triệu đồng. Thông tin này được dư luận quan tâm và có những ý kiến đa chiều.
Mới đây, ông N.T.N ngụ quận 8, bị xử phạt 4 triệu đồng về hành vi điều khiển xe máy với nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
Trong quá trình bị lập biên bản và yêu cầu tạm giữ phương tiện, ông N không hợp tác, có nhiều lời lẽ xúc phạm lực lượng chức năng nên bị phạt thêm 2,5 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 5 tháng, căn cứ theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên, ông N sau đó đã không đến đóng phạt mà bỏ cả xe và bằng lái.
Trường hợp bỏ xe và giấy tờ khi số tiền phạt cao hơn giá trị xe là không hiếm ở TPHCM. Qua thống kê, tính đến cuối năm 2018, TPHCM đang chịu áp lực về kho bãi khi có gần 44.000 xe máy các loại bị xử lý do vi phạm giao thông, quá thời hạn giải quyết mà không có người đến lấy. Vừa qua thành phố phải thực hiện các thủ tục tịch thu, đấu giá trên 16.000 xe.
Trước thông tin điều chỉnh mức xử phạt với người điều khiển xe máy lên mức từ 7 đến 8 triệu đồng đối với hành vi tương tự được nêu trên và tước bằng lái xe lên đến 2 năm, nhiều người dân vẫn bày tỏ sự đồng tình nhưng lo ngại sẽ có rất nhiều trường hợp bỏ xe và giấy tờ liên quan, không chấp hành việc xử phạt do giá trị xe thấp hơn số tiền phải nộp phạt gây nên tình trạng quá tải ở các bãi tập kết xe vi phạm.
Ông Lê Phạm Nguyên, người dân quận 8, TPHCM cho rằng: cần nghiên cứu kỹ, áp dụng thêm nhiều hình thức phạt bổ sung để ràng buộc người vi phạm để tránh những tình trạng vừa nêu.
“Nếu phạt cao quá, thì người vi phạm khó mà chấp hành. Chính vì vậy dẫn đến chuyện nhờn luật. Tôi nghĩ xe máy chúng ta sẽ áp dụng mức phạt tương đối cao, vấn đề ở đây là phương pháp cách làm, xử phạt phải có quá trình, lộ trình nghiên cứu kỹ.
Bên cạnh đó, lực lượng lực lượng thực thi pháp luật là CSGT phải nghiêm chỉnh nghiêm túc trong quá trình xử lý người vi phạm như vậy mới hiệu quả”, ông Nguyên nói.
Riêng đối với tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn, ma túy, việc đề xuất sửa đổi mức xử phạt vi phạm hành chính được nhiều người dân đồng tình.
Cụ thể, tài xế vi phạm mức nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam /1 lít khí thở, sẽ bị phạt tiền từ 18 đến 20 triệu đồng, thay cho mức 7 đến 8 triệu đồng và tước bằng lái xe 14 đến 18 tháng, thay cho thời gian tước bằng lái từ 3 đến 5 tháng như quy định hiện hành.
Nếu tài xế có nồng độ cồn ở mức vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, đề xuất tăng mức phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng lên 30 đến 40 triệu đồng, tước bằng lái từ 22 đến 24 tháng (kịch khung theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính) thay cho 4 đến 6 tháng như hiện nay.
Kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe container trên xa lộ Hà Nội - TPHCM. |
Ông Trần Hữu Thuận, một tài xế xe tải tại quận 9 nói: “Tôi tán thành xử lý ở mức cao nhất. Trong thời gian qua có nhiều vụ tai nạn liên quan đến tài xế có uống rượu bia, hậu quả những vụ tai nạn này rất nghiêm trọng.
Cho nên việc tăng mức xử phạt đối với các tài xế, người điều khiển phương tiện là cần thiết, bởi với mức phạt cao, thì người ta sẽ hạn chế tối đa bia rượu giảm được nhiều những vụ tai nạn thương tâm”.
Trao đổi thêm về vấn đề này, nhiều luật sư tại TPHCM phân tích, sau 3 năm triển khai nghị định 46/2016 cho thấy phương án phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 1 đến 3 tháng đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn chưa thật sự mang lại hiệu quả.
Do đó, việc nâng mức xử phạt để nâng cao ý thức chấp hành giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Nhưng mức phạt lên tới 30 đến 40 triệu đồng khá cao so với mặt bằng điều kiện kinh tế chung tại Việt Nam.
Việc nâng cao mức phạt tiền chỉ là nền tảng, còn về lâu dài cần nghiên cứu hợp lý hơn, đồng thời áp dụng những biện pháp mạnh, như: tước bằng, thu hồi vĩnh viễn bằng lái xe nếu vi phạm nồng độ cồn quá cao.
Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TPHCM đề nghị nên chi tiết cụ thể các mức, thấp nhất 6 triệu đồng, cao nhất lên đến 30 đến 40 triệu đồng là hợp lý và kèm thêm những biện pháp chế tài khác: “Có thể nghiên cứu đề xuất ra Quốc hội sửa luật bổ sung thêm những những biện pháp xử phạt hành chính liên quan đến lao động công ích.
Và tăng cường kết nối công nghệ giữa tất cả các Sở GTVT, các trường đào tạo lái xe từ đó mới tránh được trường hợp khi bị tước giấy phép lái xe, người vi phạm bỏ luôn đi làm lại giấy phép mới, như vậy sẽ không có được tính răn đe”.
Song song với quá trình điều chỉnh biện pháp chế tài nâng cao mức phạt tiền, nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường tính nghiêm minh của các đơn vị chức năng trong việc xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần có cơ chế rà soát thống kê lại số lượng người vi phạm làm lại bằng lái mới để tham gia lưu thông.
Nếu triển khai đồng bộ, chặt chẽ, chắn chắn sẽ giải quyết được triệt để tình trạng tài xế vi phạm giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông mang lại cuộc sống bình yên cho nhiều gia đình./.