Đề xuất chuyển vi phạm nồng độ cồn mức cao sang xử lý hình sự

Trần Duy |

Đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức 3, từ 80 mg/100ml máu trở lên có thể xem xét chuyển sang xử lý hình sự...

Đóng góp vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 46 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ - đường sắt, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Nghị định 46 mới sẽ phải là khớp nối các Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Bộ Luật hình sự.

"Thay vì quy định 3 mức vi phạm nồng độ cồn trong Nghị định, chúng ta nên quy định 2 mức. Khi đó, vi phạm ở mức 1 thì xử phạt hành chính còn vi phạm mức 2 sẽ khớp nối với khoản 4 điều 260 Bộ Luật hình sự.

Lúc đó chúng ta tuyên truyền mạnh mẽ quy định, uống rượu bia ở mức này dù chưa gây hậu quả sẽ bị xử lý hình sự.

Nếu chúng ta tuyên truyền uống rượu bia khi lái xe sẽ bị phạt tù, sẽ thẩm thấu vào người dân sâu hơn", Luật sư Hướng nói.

Đề cập vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn và một số hành vi vi phạm khác cần kiến nghị Chính phủ có văn bản đề nghị Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có hướng dẫn cụ thể để khoản 4 điều 260 Bộ Luật Hình sự đi vào đời sống.

"Đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức 3, từ 80 mg/100ml máu trở lên có thể xem xét chuyển sang xử lý hình sự, để làm được, cần hướng dẫn cụ thể của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao", ông Hùng nói.

Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 46, Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm (mức 3), ma túy.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Bộ GTVT đề xuất phạt tiền từ 34 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.

Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng. Đối với người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng được Tổng cục Đường bộ đề xuất tăng mức phạt tương tự.

Đối với người điều khiển mô tô, điểm đáng chú ý là dự thảo Nghị định lần này đã bổ sung mức phạt 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng cả ở mức 1.

Nghị định 46 hiện nay chưa xử phạt ở mức này. Bộ GTVT cũng đề xuất tăng nặng ở mức 3 là xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.

Hiện hành vi này Nghị định 46 đang quy định xử phạt từ 3 - 4 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.

Với người điều khiển xe máy chuyên dùng, mức phạt cũng được đề xuất tăng lên từ 18 - 20 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.

Quy định Nghị định 46 mức phạt chỉ có 5 - 7 triệu đồng và tước GPLX 2 - 4 tháng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại