Vật thể lạ kỳ này nằm cách mặt trời khoảng 4000 năm ánh sáng và không giống bất kỳ cấu trúc vũ trụ nào từng được quan sát, theo một nghiên cứu công bố ngày 26/1 trên tạp chí Nature.
Vật thể bí ẩn mang tên gọi GLEAM-X J162759.5-523504.3 (hay còn có thể gọi tắt là GLEAM) - xuất hiện từ hư không trong một cuộc khảo sát sóng vô tuyến ở Dải Ngân hà gần đây. Theo các nhà nghiên cứu, GLEAM tỏa sáng nhanh chóng trong khoảng thời gian khoảng 60 giây, trở thành một trong những vật thể sáng nhất trên toàn bộ bầu trời sau đó lại đột ngột biến mất vào bóng tối. Khoảng 20 phút sau, vật thể xuất hiện trở lại, tỏa sáng một cách đều đặn đến độ sáng cực đại một lần nữa trước khi lại biến mất một phút sau đó.
Những vật thể thoắt ẩn thoắt hiện trước ống kính viễn vọng của chúng ta như thế này được gọi là vật thể chuyển tiếp. Thông thường, vật thể chuyển tiếp thường có thể là một ngôi sao đang chết (một siêu tân tinh) hoặc phần xác đang quay nhanh của một ngôi sao đã chết, còn được gọi là sao neutron. Tuy nhiên, không có lời giải thích tiêu chuẩn nào hoàn toàn phù hợp với hành vi của vật thể mới được tìm thấy này, theo các nhà nghiên cứu cho biết.
GLEAM bí ẩn có thể là bằng chứng về một loại vật thể sao mới chỉ mới tồn tại trong lý thuyết cho đến bây giờ - hoặc thậm chí là vật thể mà các nhà thiên văn học thậm chí còn chưa từng nghĩ tới.
“Vật thể này không ngừng xuất hiện và biến mất trong vài giờ suốt quá trình quan sát của chúng tôi. Điều đó hoàn toàn bất ngờ vì không vật thể nào đã biết có hành vi như vậy”, tác giả chính của nghiên cứu Natasha Hurley-Walker, nhà thiên văn học vô tuyến tại Đại học Curtin ở Bentley, Australia, cho biết trong một tuyên bố.
Ánh sáng cuối cùng của một ngôi sao đang chết?
Vật thể chuyển tiếp thường có hai loại. “Chuyển tiếp chậm” có thể xuất hiện trong vài ngày, sau đó biến mất sau vài tháng. Chúng bao gồm các siêu tân tinh - phát sáng rực rỡ khi các ngôi sao sắp tàn phá lớp khí quyển bên ngoài của chúng trong các vụ nổ dữ dội, sau đó dần dần mờ đi khi phần nhiệt còn sót lại giảm dần.
Loại còn lại là “chuyển tiếp nhanh”, phát sáng nhấp nháy mỗi vài mili giây. Chúng bao gồm các vật thể như sao xung - sao neutron quay cực kỳ nhanh trong khi nhấp nháy với phát xạ vô tuyến sáng tạo ra bởi từ trường của ngôi sao chết.
Các tác giả của nghiên cứu mới đã tìm kiếm những vật thể chuyển tiếp như trên bằng cách sử dụng kính viễn vọng vô tuyến Murchison Widefield Array (MWA) ở vùng hẻo lánh của Úc – thứ cũng giúp họ phát hiện ra GLEAM. Tần suất nhấp nháy của nó quá nhanh so với một siêu tân tinh và quá chậm so với một sao xung. Điều này khiến các nhà khoa học chưa thể giải thích được bản chất của nó.
Một phân tích về vật thể cho thấy nó cực kỳ sáng nhưng nhỏ hơn mặt trời của Trái đất. Theo các tác giả nghiên cứu, phát xạ vô tuyến của GLEAM cũng có tính phân cực cao (nghĩa là sóng ánh sáng của chúng chỉ dao động trên một mặt phẳng), cho thấy chúng được tạo ra bởi một từ trường cực mạnh.
Những đặc điểm này phù hợp với một loại vật thể tồn tại trong lý thuyết gọi là “nam châm chu kỳ cực dài”, về cơ bản là một ngôi sao neutron có độ từ hóa cao, quay cực kỳ chậm. Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù được dự đoán là có tồn tại nhưng dạng vật thể quý hiếm này chưa từng được thấy trong không gian trước đây.
“Bằng cách nào đó, nó chuyển đổi năng lượng từ trường sang sóng vô tuyến hiệu quả hơn nhiều so với bất cứ thứ gì chúng ta từng thấy trước đây”, theo Hurley-Walker.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm rằng có thể còn có những lời giải thích khác cho GLEAM. Nó có thể là một loại sao lùn trắng hiếm (lớp vỏ teo tóp của một ngôi sao chết không đủ lớn để sụp đổ thành một ngôi sao neutron – một trường hợp rất hiếm khi có thể phát ra bức xạ vô tuyến bằng cách hút vật chất từ một sao đôi đồng hành). Nhóm nghiên cứu cho biết một ngôi sao như vậy có thể phát xung như GLEAM nếu nó quay với tốc độ chính xác.
Cần có những quan sát sâu hơn ở các dải quang phổ điện từ khác để giải đáp bí ẩn về vật thể này. Hiện tại, các nhà nghiên cứu cũng đang đào sâu vào các quan sát lưu trữ từ MWA để xem có vật thể tương tự nào từng xuất hiện hay không.
Theo Livescience