Hệ Mặt Trời xuất hiện Mặt Trời thứ 2, vài hành tinh bị văng mất hay có sự sống?

Anh Thư |

Nhiều nghiên cứu gần đây đã đảo lộn hoàn toàn "chân dung" của hệ Mặt Trời.

1. Mặt Trời thứ 2: đã mất kết nối hay âm thầm làm "nữ thần báo oán"?

Một nghiên cứu công bố trên The Astrophysical Journal Letters từ Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard & Smithsonian (CFA - Mỹ) cho biết có những dấu vết kỳ lạ trên Đám mây Oort ở rìa hệ Mặt Trời. Dấu vết chỉ ra một vật thể khổng lồ đã từng đào thoát khỏi hệ Mặt Trời từ hàng tỉ năm trước.

Hệ Mặt Trời xuất hiện Mặt Trời thứ 2, vài hành tinh bị văng mất hay có sự sống? - Ảnh 1.

Lịch sử hệ Mặt Trời mang đầy những bí ẩn chưa khám phá - Ảnh đồ họa từ ESA

Dựa theo các mô hình hình thành sao, các tác giả tin rằng đó chính là "chị em song sinh" của Mặt Trời, được tạo ra trong cùng một vườn ươm sao sau đó sánh đôi cùng nhau thời gian dài. Hiện nay "Mặt Trời đào thoát" có lẽ đã trở thành "mẹ" của một hệ hành tinh khác.

Sau đó, một nhóm nghiên cứu khác dẫn đầu bởi Steven Stahler từ Đại học California ở Berkeley và nhà thiên văn Sarah Sadavoy từ Đài quan sát vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) đưa ra giả thuyết còn sốc hơn: Mặt Trời thứ 2 - mà họ đặt tên là Nemesis - vẫn tồn tại âm thầm ở vùng tối bên ngoài hệ Mặt Trời, thỉnh thoảng khuấy động và là thủ phạm của chu kỳ tuyệt chủng mỗi 27 triệu năm trên Trái Đất!

Nemesis chính là tên của "nữ thần báo oán" trong thần thoại Hy Lạp.

2. Hành tinh bị văng mất

Không chỉ "Mặt Trời thứ 2" có thể đã tồn tại và bị văng mất, hệ Mặt Trời có thể đã mất đi một hành tinh, theo nghiên cứu từ Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), công bố trên Icarus. Đó là một hành tinh lớn nằm giữa Sao Thổ và Sao Thiên Vương ngày nay. Nghiên cứu dựa trên những bất thường của quỹ đạo 2 hành tinh này.

Hệ Mặt Trời xuất hiện Mặt Trời thứ 2, vài hành tinh bị văng mất hay có sự sống? - Ảnh 2.

Một hành tinh khổng lồ từng văng mất hay còn ẩn nấp đâu đó? - Ảnh đồ họa từ ESA

Nguyên nhân nó bị hất văng có thể là do tác động đầy dằn xé của 2 thứ mạnh mẽ: Vành đai Kuiper ở rìa hệ Mặt Trời và Sao Mộc khổng lồ, vốn tác động lên hầu hết hành tinh khác trong hệ Mặt Trời.

Ngoài giả thuyết này, nhiều nghiên cứu khác cũng tìm ra những hành tinh thứ 9 khác cho hệ Mặt Trời: có thể tiểu hành tinh Psyche nổi tiếng là một "hành tinh thất bại"; một hành tinh khổng lồ ở ngoài rìa hệ Mặt Trời, đang đùa nghịch các vật thể ở đó; hoặc có thể chính là sao Diêm Vương, theo tuyên bố của NASA.

3. Sự sống trong hệ Mặt Trời là phổ biến

Nhiều nghiên cứu nhắm vào Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và cả Sao Diêm Vương đều cho rằng chúng có thể sống được!

Trong khi NASA tin rằng sự sống trên Sao Hỏa chỉ còn là những hóa thạch hàng tỉ năm tuổi, thì họ lại tuyên bố Sao Diêm Vương rất có thể sở hữu biển ngầm, còn Sao Mộc - vốn có hơi nước trong bầu khí quyển - thì "sở hữu dạng sự sống kỳ lạ".

Hệ Mặt Trời xuất hiện Mặt Trời thứ 2, vài hành tinh bị văng mất hay có sự sống? - Ảnh 3.

Sao Kim - Ảnh: NASA

Năm 2021, Sao Kim - người anh em song sinh của Trái Đất - được cho là ứng cử viên sáng giá nhất của sự sống hiện tại, khác với các nghiên cứu trước đó cho rằng hiệu ứng nhà kính đã biến hành tinh từng có đại dương này thành miền đất chết.

Một nghiên cứu của tiến Sara Seager từ Viện Công nghệ Massachusetts và tiến sĩ Clara Sousa-Silva, nhà vật lý thiên văn từ Đại học Harvard (Mỹ) đã phát hiện ra khí ma trơi phosphine - thứ có thể là sản phẩm sinh ra từ sự sống trong bầu khí quyển Sao Kim.

Trong khi đó, công trình dẫn đầu bởi Giáo sư Rakesh Mogul từ Đại học Bách khoa bang California (Mỹ) cho biết mức độ axit và hoạt động của nước trong biển mây của Sao Kim có khả năng nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với các dạng vi sinh vật đang tồn tại trên Trái Đất.

Bên cạnh đó, khá nhiều nghiên cứu chứng minh Sao Kim có thể vẫn đang có hoạt động địa chất - thứ giúp một hành tinh duy trì chu trình carbon, ổn định về nhiệt độ và các yếu tố khí quyển để nuôi dưỡng sự sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại